"Dạ thưa, anh chị dùng gì?"

07/11/2006 15:52 GMT+7

Đó là câu hỏi thường trực trên môi những cô gái làm nghề phục vụ. Một ngày đứng 8 giờ, bình quân 1 năm đứng 2.920 giờ (nếu không làm tăng ca), lại phải đối diện với những áp lực, dư luận đôi khi không hay về nghề nghiệp. Thế nên, họ có những nỗi niềm riêng của nghề mà chẳng mấy ai hiểu được.

Có kiến thức và cầu tiến

"Nghề mà ai cũng tưởng chỉ có chút nhan sắc, chiều cao và dễ bảo là làm được" - H.N, một nhân viên phục vụ quán cà phê wifi trên đường Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM nói với tôi với vẻ mặt hơi bất bình. Hằng ngày, để đứng và đi tới đi lui trong quán tổng cộng cỡ... vài chục km, các nữ phục vụ phải có sức khỏe rất tốt. Mà nào chỉ vậy, họ còn phải là người giữ bình tĩnh cực kỳ giỏi vì đâu phải khách hàng nào cũng lịch sự dễ thương. N. kể lại từng có người rót vào tai cô "lời đề nghị khiếm nhã" và khi bị từ chối đã thẳng thừng: "Em đừng giả nai, anh biết rõ quá mà (?!)".

K.Ng - nhân viên phục vụ bàn của một nhà hàng sang trọng tại Q.3, TP.HCM, thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Thực ra, nước mình chưa chú trọng đến nghề phục vụ. Đó là một nghề thực sự. Cần có những chuẩn mực, quy tắc riêng. Vì ngành dịch vụ của nước mình chưa phát triển đúng nên người ta coi khinh người phục vụ. Chính chúng em mới là gương mặt của nhà hàng". Hằng năm, K.Ng tích lũy tiền lương cùng với tiền boa của khách hàng để thực hiện những chuyến du lịch bụi. Cô nói: "Em từng sang Thái Lan, thấy nhân viên phục vụ của họ rất chuyên nghiệp. Cái nhìn của xã hội về nghề phục vụ cũng khác hẳn. Em mong sớm đến lúc nước mình cũng vậy". Hết ca, K.Ng tranh thủ học thêm ngoại ngữ và cô đang mơ đến ngày mình được làm quản lý chính từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy mỗi ngày.

Anh T.K, một doanh nhân trẻ kể lại câu chuyện... tẽn tò của mình. Chuyện là có lần anh vào quán cà phê trên đường Trần Cao Vân, Q.1, TP.HCM cùng với một đối tác nước ngoài. Đối tác muốn mở một nhà hàng u tại TP.HCM và yêu cầu anh chọn giúp một đội ngũ nhân viên phục vụ nữ phải vừa đẹp vừa nói tiếng Anh "xịn". K. trả lời: "Thưa ông, nữ phục vụ dễ kiếm nhưng người nói tiếng Anh tốt thì khó lắm. Ở nước tôi, nghề này hiếm người có khả năng đó". Vừa nói đến đó, anh chợt nghe một tràng tiếng Anh chuẩn thật ngọt ngào: "Thưa ông, tôi lại không nghĩ như vậy. Có vẻ như anh ta chưa hiểu hết về nghề của chúng tôi". K. ngẩng lên và nhìn thấy cô phục vụ đang nói với đối tác của mình. Nói xong, cô gái từ tốn quay sang anh và nói, cũng bằng tiếng Anh: "Tôi xin lỗi đã xen vào câu chuyện riêng của khách hàng nhưng tôi không bằng lòng khi anh đánh giá chúng tôi quá thấp". Xong, cô duyên dáng cúi đầu chào khách. "Từ đó, tôi có cái nhìn khác về những cô gái phục vụ" - K. thú nhận.

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, đọc báo bổ sung thêm kiến thức

Cần được đào tạo chuyên nghiệp

Có không ít những nữ doanh nhân kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống, khách sạn xuất thân từ nghề phục vụ. Và, khi đã làm chủ doanh nghiệp, họ vẫn thỉnh thoảng đóng vai người phục vụ để tự tìm hiểu nhu cầu khách hàng một cách trực tiếp, thay cho những bảng báo cáo khô khan. Thế nhưng, điều đáng bàn là việc đào tạo lao động nữ trong ngành dịch vụ hiện nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Do tỷ lệ lao động nữ nhập cư cơ học vào các đô thị lớn ngày càng gia tăng, dẫn đến sức ép xã hội với các thành phố lớn cũng tỉ lệ thuận theo. Hầu hết lao động nữ nhập cư thường có trình độ thấp và dễ bị lôi cuốn vào những hoạt động dịch vụ không lành mạnh, dẫn đến việc xã hội có cái nhìn về những người làm nghề phục vụ thiếu thiện cảm. Hiện nay, hầu hết các nơi sử dụng lao động nữ trong công việc phục vụ đều tự đào tạo là chính, thậm chí không cần đào tạo. Vì vậy, các lớp đào tạo bài bản về kỹ năng làm việc trong các ngành dịch vụ là rất cần thiết để tạo ra đội ngũ nhân viên phục vụ lành nghề.

Và không chỉ chờ đợi được hướng dẫn, đào tạo hay đổ thừa hoàn cảnh, trình độ... mà người nữ nhân viên phục vụ được phép "làm xấu" đi hình ảnh của chính mình, gây nhiều định kiến không hay cho nghề nghiệp. Những cô gái có khát vọng vươn đến sự chuyên nghiệp có thể tự trang bị cho mình những kiến thức về ngoại ngữ, vi tính hoặc kỹ năng nghề nghiệp tại một số khóa học ngắn hạn của các trung tâm đào tạo nghề. Khi đặt những dòng kết thúc bài viết này, trong tôi còn đọng lại hình ảnh của một nữ nhân viên phục vụ một nhà hàng trên đường Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM. Khi cô vô tình xòe bàn tay ra trong lúc trò chuyện, tôi ngạc nhiên thấy trong lòng bàn tay cô có rất nhiều từ tiếng Anh. Cô bẽn lẽn giải thích thật nhỏ: "Em học từ vựng, mỗi ngày một ít...".  

Hạ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.