Chiều 8/11, động đất lại rung chuyển các tỉnh phía Nam

09/11/2005 00:48 GMT+7

• Hệ thống đứt gãy sông sài gòn đang trở mình Chưa kịp hoàn hồn với cơn địa chấn rạng sáng 8/11, đến khoảng 15h cùng ngày, một cơn dư chấn thứ hai mạnh hơn lại xảy ra, làm rúng động cả TP.HCM, các tỉnh miền Đông và lan đến tận Khánh Hòa, Tây nguyên. Tòa soạn báo Thanh Niên đã liên tục nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ khắp nơi ở nội, ngoại thành TP.HCM và các tỉnh gọi đến báo tin động đất.

Trận thứ nhất: Đêm trắng hãi hùng

Trận động đất lúc 0h15 ngày 8/11 diễn ra trên diện rộng. Hàng ngàn người dân cư ngụ ở các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức (TP.HCM)... đã trải qua một đêm trắng hãi hùng. Chị Hằng (ngụ ở 56/2 Bùi Thị Xuân, P.5, Q.Tân Bình) kể: "Tôi đang ngồi trên lầu 2 thì bất thần căn nhà lắc lư qua lại, kéo dài trong vòng 10 giây. Cả nhà hoảng quá thức trắng đêm chờ đến sáng mới dám chợp mắt. Sáng nay (8/11 - TN), cả xóm bàn tán xôn xao về vụ động đất này". Anh Lê Đình Thảo (26 tuổi, ngụ ở 359/20B Lê Văn Sỹ, P.12, Q.3) thì hốt hoảng gọi đến Cảnh sát 113, Công an TP.HCM cầu cứu. anh kể: "Tôi đang ngồi trên lầu 1 thì đột nhiên có cảm giác như toàn bộ căn nhà bị chao đảo mạnh. Cùng lúc đó, em trai tôi đang ngủ ngoài hiên cũng cảm nhận được hiện tượng này, hoảng sợ bỏ chạy vào bên trong nhà. Quạt bàn trên sàn nhà, lư trên bàn thờ cũng rúng động mạnh. Bạn gái của tôi ngụ ở Q.Tân Bình qua điện thoại cũng nói nhà cô ấy bị động đất". Vào thời điểm trên, chung cư cao tầng Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) cũng bị "đu đưa" như chiếc võng. Anh N.K (ngụ ở lầu 14 của chung cư Ngô Tất Tố) kể: "Lúc đó là 0h15, tôi đang ngồi xem phim thì đột nhiên thấy căn nhà chao đảo, làm xây xẩm cả mặt mày. Ổ khóa cửa đập liên hồi vào cửa sắt...". Còn chị Huỳnh Thị Bảo Châu (32 tuổi, ngụ ở 93 Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh) đang ngủ trên sàn nhà thì có cảm giác như có ai cầm búa tạ đập mạnh xuống sàn nhà, hất tung người chị lên.

Khoảng 0h7 ngày 8/11, tại khu vực ấp Lập Thành, xã Xuân Thạnh và ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, người dân đang nằm ngủ cũng cảm thấy rung chuyển cả giường. Chính quyền địa phương xác nhận hiện tượng trên nhưng cho biết không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng.

Trận thứ hai: Hoảng loạn!

Trao đổi với Báo Thanh Niên, các chuyên gia địa vật lý của Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan (Vietsovpetro) cho biết: "Hai trận động đất diễn ra ngày 8/11 gây chấn động trong phạm vi rất rộng, đặc biệt sâu vào đất liền như khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng. Nếu như động đất xảy ra ngày 26/8 và 14/9/2002 là do tái hoạt động của đứt gãy kiến tạo Hàm Tân - Vũng Tàu thì hai trận động đất xảy ra trong hai ngày 5 và 6/8, tiếp đó trận động đất ngày 8/11 là do quá trình tái hoạt động của đứt gãy kiến tạo sông Sài Gòn, kéo dài từ sâu trong đất liền ra tới biển khơi. Đây là, một trong những đứt gãy quan trọng quyết định địa hình cổ và cho đến ngày nay. Như vậy, cùng với hệ thống đứt gãy kiến tạo Hàm Tân - Vũng Tàu, hệ thống đứt gãy kiến tạo sông Sài Gòn đang trở mình".

Vào hơn 15h ngày 8/11, lại tiếp tục có thêm một cơn dư chấn mạnh khiến cả trăm nhân viên của nhiều công ty tại tòa  nhà cao tầng Central Park Office Building (số 208 Nguyễn Trãi, Q.1, cao 11 tầng) hoảng sợ tháo chạy xuống đất bằng đường cầu thang bộ, rồi chạy thẳng ra Công viên 23.9 đứng cho... an toàn. Nhiều người hốt hoảng đến nỗi không kịp mang theo giày dép, túi xách, tư trang cá nhân... Hàng chục nhân viên người Hàn Quốc cũng chỉ kịp chộp lấy túi xách đeo lên người và bỏ chạy. Chị Đào Thị Hằng (ngụ ở Q.3, nhân viên của Công ty GSE&C) chưa hết bàng hoàng: "Tôi đang ngồi làm việc ở lầu 8 thì đột nhiên thấy người mình nghiêng qua nghiêng lại, đầu xoay như chong chóng. Hoảng quá tôi tháo chạy thoát thân không kịp mang theo bất cứ thứ gì". Tương tự, tại trường đại học dân lập Văn Lang (số 45 Nguyễn Khắc Nhu, P.Cô Giang, Q.1), nhiều học sinh đang ngồi học cũng bỏ chạy xuống đất khi cơn địa chấn làm cả dãy phòng học trên lầu bị chao đảo.

Tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, khi chúng tôi có mặt, ông Nguyễn Hữu Chinh, Trưởng BQL chung cư đang viết báo cáo về trận động đất vừa xảy ra. Ông Chinh cho biết, tại chung cư có thể cảm nhận được rất rõ cơn địa chấn: nệm bị lắc lư, võng bị chao đảo, gương treo tường của một số hộ dân ở lầu 10, lô 2 bị rơi xuống vỡ tan. Hàng trăm người dân vội vã bỏ xuống đường để... trốn động đất. "Trận động đất khoảng 0h đêm qua (7/11 - TN) có hơn 300 người bỏ chạy xuống đất. Giờ lại xảy ra động đất. Dân hoang mang lắm, mất ngủ cả đêm và đêm nay lại mất ngủ" - ông Chinh bức xúc. Từ văn phòng Công ty dầu khí Shell ở lầu 4, tòa nhà 17 Lê Duẩn, TP.HCM, chúng tôi cũng nhận được phản ảnh bị nứt tường, bể kiếng. Khi chúng tôi có mặt tại tòa nhà, bảo vệ cho biết toàn bộ nhân viên Công ty Shell đã ra về ngay sau cơn địa chấn. Tương tự, người dân điện thoại báo động đất làm nứt tường một khối nhà Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh. Chúng tôi ghi nhận có một vết nứt khá lớn chạy dọc từ đỉnh xuống chân tường Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ. Đây là vết nứt cũ, có thể đã bị doãng rộng ra sau cơn địa chấn.

Ngay sau khi xảy ra cơn dư chấn thứ hai, báo Thanh Niên liên tục nhận được điện thoại, e-mail của bạn đọc báo tin. Anh Nguyễn Quang Việt, đường Lạc Long Quân, P.11, Q.Tân Bình cho biết: "Đang ngồi trước máy tính, tôi thấy ghế của mình lắc mạnh như đang có ai đứng sau lưng đẩy". Anh Phạm Nguyễn Thế Phong (số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Q.1, TP.HCM) cũng cho biết, cùng thời điểm, tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam, bàn ghế và máy vi tính rung lắc dữ dội. Một bạn đọc ở số 75 Nguyễn Trường Tộ (Q.4, TP.HCM) kể: đồ vật trên bàn làm việc rung lên, ngồi trên ghế có cảm giác như đang đi trên tàu biển gặp sóng. Một số bạn đọc thì cho biết bị choáng váng và đau đầu sau cơn địa chấn.

Viện Vật lý địa cầu nói gì?

Chiều 8/11, Viện Vật lý địa cầu Hà Nội thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam liên tục nhận được tin tức động đất từ các tỉnh phía Nam báo về.

Theo ông Lê Tự Sơn - Trưởng phòng quan sát động đất - có hai dạng động đất. Một là động đất chính, sau đó có những động đất nhỏ kèm theo gọi là dư chấn như ở Pakistan. Hai là kiểu động đất xảy ra từ ngày 7/11 tại các tỉnh phía Nam: các chuỗi động đất xảy ra liên tục, gần nhau về không gian, độ mạnh. Đặc điểm của động đất kiểu này không thể xảy ra mạnh như ở Pakistan nhưng sẽ xảy ra rải rác, lâu dài và có thể sẽ còn xảy ra trong tương lai, có thể vài tháng nữa lại xuất hiện hiện tượng như vậy.

Tâm chấn ở ngoài khơi biển Vũng Tàu (ảnh của Viện Vật lý địa cầu)

Cũng theo ông Sơn, đây không phải là động đất trên đất liền mà ở ngoài khơi biển Vũng Tàu, tương tự như trận động đất vào tháng 8 vừa qua. Tạm thời có thể nói tâm chấn ngày 8/11 gần hơn. Chuỗi động đất chỉ là hiện tượng bình thường, xảy ra tương đối thường xuyên, gần nhau về không gian, độ lớn, tuy không nguy hiểm nhưng các chấn động này ít nhất sẽ làm mọi người hoảng loạn. Hiện tượng này ở Bangkok, Thái Lan cũng từng xảy ra và cũng gây cho người dân sự hoảng sợ giống như ở TP.HCM, mặc dù các chấn động chỉ từ xa lan đến gây chấn động.

Ông Lê Tự Sơn khẳng định: tuy động đất ở miền Nam hiếm xảy ra nhưng vẫn nằm trong dự báo của Viện Vật lý địa cầu. Các trận động đất vừa qua đều không đủ mạnh để gây thiệt hại về nhà cửa mà chỉ gây hoảng loạn, sợ hãi đối với dân chúng. Hiện tại và trong tương lai có thể xảy ra động đất nữa nhưng dự báo sẽ không lớn, không gây thiệt hại về nhà cửa, tất nhiên tùy thuộc vào chất lượng nhà, chất lượng nền đất vì TP.HCM có nền đất yếu mà lại được xây nhiều nhà cao tầng thì mức độ dao động sẽ tăng lên. Bên cạnh đó là nhiều nhà cửa hiện nay đang tồn tại ở dạng chất lượng rất thấp.

Đánh giá chung về trận động đất này, ông Sơn nói rằng cần phải khảo sát thực tế mới biết được mức độ ảnh hưởng, vì có những tác hại không nhìn thấy ngay được mà phải “qua một thời gian nghiên cứu”. Ông cho biết sắp tới sẽ đặt các trạm quan sát theo dõi. Tuy nhiên, theo ông Sơn: “Bây giờ đã là cuối năm, chúng tôi chưa có tiền để tổ chức nghiên cứu hoặc đặt thiết bị”.

Kiều Hương 

Tường trình từ các tỉnh

Nha Trang (Khánh Hòa): Vào khoảng 15h, bạn đọc liên tiếp điện thoại đến Văn phòng đại diện báo Thanh Niên tại Nha Trang báo tin động đất. Tại trụ sở HĐND tỉnh Khánh Hòa, cán bộ, nhân viên đang dự họp đã chạy ra hành lang khi thấy bàn ghế, đèn rung mạnh. Tại các khu liên cơ quan trên đường Trần Phú, Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên, cán bộ, nhân viên nhiều sở cũng đã chạy ra ngoài. Người dân tại các chung cư cao tầng trên đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Thiện Thuật... cho biết cửa, bàn ghế, đồ đạc trong nhà rung mạnh trong vài giây; nhiều người chạy ra khỏi nhà vì hoảng sợ. Du khách tại các khách sạn Yasaka - Saigon - Nhatrang, Hải Yến, Viễn Ðông... cũng cảm nhận bàn ghế, giường, đồ vật trong phòng rung lắc.

Dư chấn tại Nha Trang

Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ Trạm quan trắc động đất Nha Trang cho biết: Thiết bị ghi dao động của trạm (đặt tại Viện Hải dương học - Nha Trang) đã không ghi nhận được những rung động vào lúc 14h55 - 15h ngày 8/11. Có thể thiết bị quan trắc của trạm đặt tại núi Am Chúa, thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh (cách Nha Trang khoảng 20km) bị trục trặc do chấn động mạnh. Tuy nhiên, vào lúc 16h10, trạm lại ghi nhận được những dư chấn nhẹ. Liên lạc với tiến sĩ Lê Tự Sơn, trưởng phòng Quan sát động đất 1, Viện Vật lý địa cầu (Hà Nội), chúng tôi được biết: Những rung động tại Nha Trang là do động đất ở Vũng Tàu lan truyền đến. Thiết bị quan trắc tại Hà Nội đã ghi nhận được những rung động tại thời điểm xảy ra động đất. Chưa rõ nguyên nhân vì sao Trạm quan trắc động đất Nha Trang không ghi nhận được tín hiệu lúc động đất.

Ninh Thuận: Lúc 15h ngày 8/11, cơn địa chấn mạnh xảy ra trên toàn tỉnh Ninh Thuận làm người dân hoang mang lo sợ. Theo người dân thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, đây là cơn địa chấn thứ hai xảy ra trong ngày. Trước đó, vào lúc 0h15 đã xảy ra động đất nhẹ, có cảm giác như chóng mặt và chỉ kéo dài trong vòng 10 giây. Riêng ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái, người dân địa phương cho biết, cơn địa chấn xảy ra lúc 15h làm rung các tòa nhà, trường học... nhưng không làm hư hại các đồ vật.

Bình Thuận: Tính đến 14h57 ngày 8/11 đã xảy ra 3 trận động đất. Trận động đất đầu tiên lúc 0h17 mạnh nhất ở huyện Phú Quý (cách bờ biển TP Phan Thiết 56 hải lý). Trận động đất thứ hai xảy ra lúc 0h28 khiến thành phố Phan Thiết hoảng loạn. Hàng trăm hộ dân ở sát bờ biển do sợ có sóng thần đã ra khỏi nhà. Chỉ trong phút chốc, hàng ngàn người khác ở các phường Đức Thắng, Phú Thủy, Đức Long, Hưng Long cũng đều chạy ra đường. Đến 14h57, hàng ngàn hộ dân ở ven biển Phan Thiết lại thêm một phen hoảng hồn vì xảy ra trận động đất thứ ba trong ngày. Nhiều người dân kể, do biết đêm qua có động đất nên khi thấy giường tủ rung động, chén bát tự nhiên kêu loảng xoảng, xe gắn máy để trước nhà tự nhiên đổ ngã, họ biết ngay đó là hiện tượng động đất. Chưa bao giờ người dân Bình Thuận phải sống trong tâm trạng hoảng loạn như lúc này, khi một ngày xảy ra 3 lần động đất!

Ảnh Hương Hà

Đắk Lắk: Vào lúc mờ sáng ngày 8/11, hiện tượng đất rung nhẹ đã xảy ra một số nơi ở khu vực đường Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột. Và theo người dân cho biết, cùng giờ này, tại xã Hòa Thắng ngoại thành TP Buôn Ma Thuột, hiện tượng đất rung nhẹ cũng xảy ra dù chỉ lay động vật dụng trong gia đình và không gây thiệt hại gì. Vào lúc 3h30 chiều cùng ngày, tại tòa soạn báo Đắk Lắk, các máy vi tính bị rung, bàn ghế chuyển động nhẹ. Tại tỉnh miền núi Đắk Nông phía nam Tây Nguyên, vào lúc khuya cùng ngày 8/11, hiện tượng đất rung cũng đã xảy ra với mức độ nhẹ ở một số nơi của thị xã Gia Nghĩa.

Lâm Đồng: Nhiều người dân ở phường 7 (Đà Lạt) kể lại: lúc 0h16 ngày 8/11 nhà cửa bị rung động, đang nằm trên giường nhiều người bị chao đảo! Sau đó đọc báo Thanh Niên người dân mới biết chắc hiện tượng trên là do dư chấn động đất. Ông Trần Xuân Hiền, quyền Giám đốc  Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lâm Đồng cho hay Trung tâm không có chức năng dự báo động đất nhưng trong ngày 8/11 Trung tâm nhận được hàng chục cú điện thoại từ Đà Lạt, thị trấn Di Linh, thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm gọi đến hỏi về cơn địa chấn xảy ra lúc nửa đêm. Theo một số người dân ở Di Linh thì cơn địa chấn đã làm cho ly tách trong tủ bị xê dịch khiến nhiều người lo lắng.

Sau đó, từ 14h55 đến 15h ngày 8/11, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương (cách Đà Lạt 30km) lại tiếp tục bị rung chuyển. VPĐD báo Thanh Niên liên tục nhận được nhiều cuộc gọi báo tin có động đất. Người dân trên các trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Mạc Đĩnh Chi, Trần Bình Trọng cũng hoang mang lo lắng khi nhiều ngôi nhà bị rung động, chảo nồi trên bếp bị xê dịch. Tại huyện Di Linh, Đơn Dương, chợ lầu Đà Lạt và một số nhà cao tầng xung quanh khu Hòa Bình, nhiều người dân lo lắng chạy ra đường phố. Tại khách sạn Vietsovpetro trên đường Hùng Vương, vào thời điểm trên các nhân viên phục vụ buồng và một số công nhân đang lao động tại lầu 7 thuật lại:  "Cả tầng 7 chao đảo, cửa kiếng đều rung lên, ly chén trong phòng va chạm mạnh, nghiêng ngả nên mọi người hốt hoảng, đổ xô chạy hết xuống tầng trệt".

Bà Rịa - Vũng Tàu: Lúc 14h55 ngày 8/11, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại xảy ra một trận động đất với cường độ khá mạnh, theo cảm nhận của nhiều người mạnh hơn các trận động đất diễn ra trước đó trên địa bàn này trong suốt 3 năm qua. Trước đó vào lúc 0h15 ngày 8/11, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu và ngoài khơi biển đã xảy ra một vụ động đất khác. Cũng như các trận động đất trước, hai trận động đất này không gây thiệt hại về người và của, tuy nhiên sự xuất hiện liên tục của các trận động đất đã tác động khá tiêu cực đến tâm lý của người dân.

Ban công, bê tông bị nứt. Ảnh Đào Ngọc Thạch

Cần Thơ - Bến Tre - Tiền Giang: Bà Trần Thị Long, Trưởng phòng tổ chức Công ty TNHH may Tây Đô Việt Nam (đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều) cho biết, ngày 8/11, một số công nhân đang làm việc tại tòa nhà cao 7 tầng - vừa xây dựng xong và cũng là tòa nhà cao thứ nhì tại Cần Thơ (sau khách sạn Golf 4 có 11 tầng) - đã cảm nhận được hiện tượng rung động của cơn địa chấn xảy ra lúc 15h ngày 8/11. Cũng trong thời gian này, một số công nhân viên làm việc tại các công ty, trụ sở trên đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.Ninh Kiều) cũng ghi nhận được hiện tượng tương tự. Các phóng viên tại Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam thì khẳng định, có 2 đợt lắc lư như vậy, đợt đầu vào lúc 14h55 và đợt 2 vào khoảng 15h5.

Vào khoảng 14h55 ngày 8/11, nhiều người dân tại khu vực chợ Mỹ Tho cho biết có hiện tượng nhà bị rung lên bần bật trong vài giây, các cửa kiếng bị va chạm mạnh. Một số bạn đọc báo Thanh Niên ngụ tại khu vực cầu Rạch Miễu, phường 6, thành phố Mỹ Tho cũng đã phản ảnh hiện tượng đất rung động mạnh. Trước đó, anh Võ Quốc Hưng, nhà tại đường Lý Thường Kiệt, phường 5, TP Mỹ Tho cho biết: vào khoảng 0h ngày 8/11, anh đang ngủ say thì giật mình thức giấc vì hiện tượng nền nhà bị rung chuyển làm đầu giường va chạm mạnh vào vách tường. Nhiều người dân ở khu vực này sau đợt chấn động đã lo sợ đi kiểm tra lại nhà cửa. Tại thị xã Bến Tre, người dân tại trung tâm thị xã cũng ghi nhận được mặt đất có hiện tượng chấn động nhẹ trong 3 đợt, 2 xảy ra vào rạng sáng ngày 8/11 và một vào lúc 15h cùng ngày.

Đức Liên - L.Viên - Quế Hà - Vĩnh Nam - Xuân Hòa - Thiện Nhân - Hoàng Thu - Nhóm PV ĐBSCL

M.Vọng - Đ.Huy - Đ.Trung - T.Nguyên
(ghi nhận)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.