Giáo viên phải tự đổi mới phương pháp

11/11/2005 21:04 GMT+7

Ngày 8/11, Viện Nghiên cứu giáo dục và Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng - giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng đổi mới phương pháp dạy- học".

Trong phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Thị Quy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục đặt vấn đề từ kết quả kỳ thi tuyển sinh 2005 với hàng ngàn bài thi môn Lịch sử kém chất lượng, 58,5% thí sinh có bài làm đạt điểm 1 trở xuống, chỉ có 9,73% thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên. Điều này có phản ánh việc dạy và học kém chất lượng của bộ môn Lịch sử trong trường phổ thông hay không?

Trước hết, xét về vị trí trong chương trình phổ thông thì môn Lịch sử có dung lượng tiết dạy ít nhất. Nhà trường - gia đình - xã hội đều xem đây là môn phụ, là môn học thuộc chứ không cần phải đào sâu suy nghĩ nên sự quan tâm và đầu tư còn hạn chế. Thậm chí có trường ban giám hiệu cắt giảm tiết, nếu có thi tốt nghiệp mới tăng tiết để dò bài... Trong khi đó, dung lượng kiến thức nhiều và để đảm bảo đúng phân phối chương trình, giáo viên phải chạy bài, không còn thời gian cho học sinh thảo luận, đánh giá, rút ra các bài học lịch sử, không có cơ hội hiểu rõ giá trị của môn học. Theo thạc sĩ Nguyễn Thục Anh (Trung tâm đánh giá giáo dục, Viện Nghiên cứu giáo dục), để tránh cho học sinh những bài học dài lê thê, đơn cử trong SGK Lịch sử lớp 11, các nhà biên soạn đã không sử dụng bất kỳ một phụ lục, bài đọc thêm, giai thoại lịch sử hay hoạt động thảo luận nào. Bên cạnh đó, ở thời điểm bùng nổ thông tin như hiện nay, học sinh hằng ngày hằng giờ được tiếp cận thông tin theo nhiều phương cách đa dạng, sinh động thì SGK lại quá đơn giản, không tạo được sức hấp dẫn với các em. Tất cả chỉ tập trung vào bài học, bài giảng từ phía giáo viên và những câu hỏi nhằm kiểm tra mức độ tiếp thu bài của học sinh mà thôi...

Rõ ràng để truyền thụ hết dung lượng kiến thức lớn, giáo viên chỉ còn cách thuyết giảng và tất yếu sẽ kéo theo phương pháp kiểm tra đánh giá truyền thống là trả lời câu hỏi tự luận hay mới hơn là câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Hậu quả là học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động, chưa biết học theo cách chủ động sáng tạo, tư duy độc lập nên tình trạng học vẹt, học tủ trở nên phổ biến ở bậc phổ thông... Vì thế, theo thầy Tưởng Phi Ngọ - Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, việc làm mới đề thi, yêu cầu thí sinh độc lập suy nghĩ chứ không phải học thuộc đơn thuần cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra kết quả điểm thi tuyển sinh thấp kém...

Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, Trường ĐH Sư phạm đóng góp ý kiến: giáo viên nên dùng hình ảnh, tư liệu trong bài giảng. Tiến sĩ Thanh cũng cung cấp hàng loạt nguồn tư liệu miễn phí để giáo viên tham khảo. Còn thạc sĩ Nguyễn Thục Anh thì khuyến khích sử dụng những phương pháp giảng dạy mới như tăng cường thảo luận, đối thoại giữa giáo viên với học sinh hay dạy học theo dự án khuyến khích khả năng thể hiện bản thân của học sinh... Có như vậy mới thu hút được học sinh...

Riêng tác giả biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử Lê Vinh Quốc cho rằng: Có rất nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến, khoa học, hiện đại đòi hỏi người giáo viên phải biết tìm tòi, nghiên cứu tự đổi mới. Có hàng trăm cuốn sách nói về giáo pháp học trong thư viện trường sư phạm nhưng không có ai quan tâm tìm hiểu đến nó. Vì vậy, để thu hút được học sinh đến với mình, đến môn học của mình, chính người giáo viên phải có trách nhiệm với nghề dạy học...

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.