Điệp viên nhị trùng huyền thoại Anthony Blunt

20/10/2007 15:11 GMT+7

Cách đây gần 28 năm, ngày 21.11.1979, Hạ viện Anh đã có cuộc họp khẩn cấp. Hôm đó, Chủ tịch Hạ viện – ngài George Thomas - giống như tại các cuộc họp quan trọng khác điềm nhiên tuyên bố với mọi người: Thủ tướng Anh sẽ có một thông báo bất thường.

Nhóm tình báo mạnh nhất

Những vị được mời họp hôm ấy đều cảm thấy băn khoăn trước lời lẽ của Thomas - người ít khi tham dự vào các cuộc tranh luận nơi đây, khi ông yêu cầu mọi người trong cuộc họp sắp diễn ra cần tránh những câu hỏi gây sốc cho chính phủ cũng như Hoàng gia Anh.

Đương nhiên trong thời gian đó, nhiều nghị sĩ có nghe thông tin rò rỉ về một điệp viên thượng thặng nằm trong bộ máy cao cấp. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở chuyện bên lề.

Bước vào cuộc họp, Thủ tướng


Anthony Blunt - Ảnh: Chris Beetles

Margaret Thatcher – người mới nắm quyền từ tháng 5.1979, bắt đầu phát biểu hết sức bình thản. Có cảm giác như bà  không phải đề cập đến chuyện thất bại động trời của ngành tình báo Anh mà là sự kiện liên quan đến lịch sử hơn là hiện tại.

Margaret Thatcher thông báo rằng cơ quan phản gián Anh vừa phát hiện ra tên tuổi của một tình báo viên Liên Xô thuộc “nhóm Cambridge”. Đó là Anthony Blunt - người rất nổi tiếng vì là cố vấn kiêm người gìn giữ các kho báu nghệ thuật Hoàng gia Anh.

Trong giới tình báo xưa nay không ai là không biết đến “nhóm Cambridge” gồm 5 người: Kim Philby, Donald Maclean, John Cairncross, Guy Burgess và Anthony Blunt. Họ đều là sinh viên của Đại học Cambridge danh tiếng và hợp tác với tình báo Liên Xô – KGB, từ trước Thế chiến II. Nhóm Cambridge giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan cấp cao của Anh và cung cấp nhiều tài liệu cực kỳ có giá trị cho phía Liên Xô. Cha đẻ của CIA - Allen Dalles, từng gọi bộ năm Cambridge là “nhóm tình báo mạnh nhất trong Thế chiến II”. Chỉ tính từ năm 1941 – 1945 nhóm này đã chuyển cho KGB 18.000 tài liệu tuyệt mật. Tất nhiên nhóm

Cambridge có nhiều đóng góp cho nước Anh, nhưng trong vai trò là điệp viên của KGB, họ còn đóng góp cho Liên Xô nhiều hơn thế, đặc biệt là trong những năm tháng khó khăn của Thế chiến II.

Người họ hàng của hoàng gia

Anthony Blunt sinh ngày 26.9.1907 trong gia đình linh mục Stanley Blunt ở Bournemouth, một thành phố nhỏ phía nam nước Anh. Mẹ của Blunt là Hilda Violet, là chị họ của bá tước Stratmoor, bố vợ của vua George VI. Sau khi ngài George VI qua đời năm 1952, vợ của ông là Elizabeth Bowes-Lyon lên ngôi nữ hoàng lấy tên hiệu là Elizabeth II.

Vào năm 1911, cha của Anthony được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng tại một nhà thờ ở Paris và cả gia đình chuyển đến sống ở Pháp. Năm 7 tuổi, Anthony đi học và tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ quê hương thứ 2 của cậu bé. Hội họa, trước hết là hội họa phương Tây, đã là niềm say mê của Anthony từ nhỏ cho đến cuối đời. Sau đó mấy năm, cha mẹ Anthony gửi cậu bé về London ở với người chú là một thành viên Quốc hội. Anthony học ở các trường tư danh tiếng, rất giỏi hội họa, tiếng Pháp, nhưng đặc biệt rất xuất sắc trong môn toán, được học bổng Nhà nước vào học thẳng Đại học Cambridge năm 1926 khi 19 tuổi.

Người ta hy vọng Anthony sẽ là tài năng toán học, nhưng chàng trai lại say mê môn lịch sử. Trong vòng 10 năm, Anthony tốt nghiệp rồi làm thầy giáo và trở thành giáo sư của Đại học Cambridge. Tại đây, Anthony mê say Chủ nghĩa Marx, sau đó trở thành thành viên của Hội quan hệ văn hóa Liên Xô.

Chỉ trong vòng 3 năm (1926 - 1929), Anthony đã hoàn tất sớm chương trình Đại học Cambridge rồi trở thành Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Cambridge. Vì thành tích xuất sắc, nhà quý tộc trẻ được nhận học bổng nghiên cứu, được đi dạy và nghiên cứu khoa học. Năm 1935, Anthony bảo vệ luận văn tiến sĩ về hội họa phương Tây.

Để sưu tầm tài liệu nghệ thuật, năm 1933 – 1934, Anthony đến Ý, Đức và năm 1935, ông đến Liên Xô (Moscow và Leningrad). Từ năm 1937, ông làm việc tại London. Cũng trong năm 1937, phát xít Đức có âm mưu chuẩn bị tấn công châu u. Do căm thù chủ nghĩa phát-xít và nhìn thấy vai trò của Liên Xô trên trường quốc tế, Anthony đã đồng ý hợp tác với quốc gia này và gia nhập “Nhóm Cambridge” với bí danh là Tony.

Quyền bất khả xâm phạm

Khởi đầu Thế chiến II, Anthony tự nguyện gia nhập quân đội và được gửi đến học tại trường tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Anh. Tháng 12.1939, đại úy

Anthony Blunt được bổ nhiệm làm lãnh đạo Phòng Cảnh sát dã chiến tại Toulon, Pháp, phối hợp với cảnh sát sở tại chuyên nghiên cứu tin tức tình báo và kiểm soát quân đội Anh tại đây. Tháng 5.1940, khi Đức tấn công Pháp thì phòng này sơ tán về London. Mùa thu năm này, Anthony chuyển qua Cơ quan phản gián Anh (MI5).

Công việc của Anthony tại MI5 rất hiệu quả đối với KGB. Ông đã chuyển cho “trung tâm” khối lượng lớn tài liệu giá trị về hoạt động của MI5, cơ cấu nhân sự, những thông tin cơ quan này theo dõi các điệp viên Liên Xô tại London, các điệp viên của Đức tại Liên Xô hoặc vị trí của Đức tại mặt trận phía Đông. Cũng từ Anthony mà KGB biết được các thỏa thuận riêng của Mỹ - Anh với đại diện Đức Quốc xã vào những năm 1943 - 1944.

Vào năm 1945, Anthony Blunt được bổ nhiệm làm người tổng quản các tác phẩm nghệ thuật của Hoàng gia Anh tại điện Buckingham, điện Windsor và là cố vấn của vua George VI. Đến năm 1956, ông được phong tước Hiệp sĩ (Sir) và có quan hệ khá rộng với các thành viên Chính phủ Anh, thư ký riêng của Nữ hoàng, khai thác được nhiều thông tin chính trị quý báu cho Liên Xô.

Trước đó, vào năm 1951, hai thành viên của “Nhóm Cambridge” là Guy Burgess và Donald Maclean có nguy cơ bại lộ, bỏ chạy sang Liên Xô, thì Cơ quan phản gián Anh nghi ngờ Anthony đã đến phòng của Guy Burgess để thủ tiêu các tài liệu ở nơi đây. Tuy nhiên, MI5 không có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh “cuộc sống hai mặt” của Anthony trong giai đoạn này.

Năm 1964, tình báo Anh bí mật phối hợp với phía Mỹ bắt đầu điều tra lại người họ hàng của Nữ hoàng Elizabeth II. Trong vòng 10 năm, họ cố gắng truy tìm bằng chứng nhưng không mấy kết quả. Do quan hệ dòng tộc của Anthony mà cuộc điều tra không thể mở rộng đến Hoàng gia Anh cũng như thủ tướng và các bộ trưởng.

Sau một thời gian dài bị điều tra, chỉ đến khi Anthony nhận được sự đảm bảo của phía tòa án về quyền bất khả xâm phạm ông mới thừa nhận việc hoạt động tình báo cho KGB của mình. Bên cạnh đó, do Liên Xô và Anh trong Thế chiến II là đồng minh, có thỏa thuận về việc hợp tác trong hoạt động tình báo nhằm chống phát xít Đức nên Anthony cho rằng hành động đó là hợp lẽ.

Trở lại với cuộc họp ngày 21.11.1979, Thủ tướng Margaret Thatcher đã nhấn mạnh với các chính trị gia rằng Hoàng gia Anh biết việc làm của điệp viên KGB Anthony nhưng “không có ý định làm gì để chống lại ông”.

Những năm cuối đời, Anthony Blunt sống ở London, nghiên cứu nghệ thuật và kiến trúc. Ông qua đời ngày 26.3.1983 vì nhồi máu cơ tim và được an táng tại London.

  Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.