Cứu trợ trúng mục tiêu

06/10/2009 01:40 GMT+7

Đã từng tham gia cùng các đoàn giúp đồng bào miền Trung bị thiên tai nhiều năm qua, người viết đôi khi thấy cảnh xảy ra ở một số đoàn cứu trợ: Giải phóng hàng cho nhanh để… về sớm! Muốn cho nhanh, cách tốt nhất là tìm chỗ nào tiện đường, thuận lợi cho việc ô tô đưa hàng đến nơi, đổ hàng xong là về, coi như “hoàn thành công việc trên giao”.

Thực ra thì hàng cứu trợ ấy cũng đến được với dân chứ chẳng ai biển thủ cả, song nơi được nhận ấy, cũng bị ảnh hưởng bão lụt nhưng không quá khó khăn. Thấy thuận lợi trong việc đi lại nên đoàn cứu trợ sau lại giẫm lên chân của đoàn cứu trợ trước. Vì vậy, người dân ở những nơi có hệ thống giao thông thuận lợi thường nhận rất nhiều hàng cứu trợ. Trong khi ở nhiều vùng quê khác, thiệt hại nặng hơn nhưng do tắc đường nên hàng không đến nơi và người dân chẳng nhận được gì từ tấm lòng của đồng bào cả nước. Có huyện vùng cao nọ, lũ lụt đã qua nửa năm, bất ngờ đoàn thanh tra phát hiện trong gara ô tô của ủy ban huyện dùng làm kho chứa hàng cứu trợ xuất hiện những con chuột béo núc ních đang làm tổ trong những thùng mì tôm đã bắt đầu mốc meo. Thì ra dân vùng thị trấn này quá ngán món mì tôm nên huyện không phân phát nữa, trong khi nhiều xã vùng cao, dân rất cần mì tôm thì  lại quá xa nên huyện… ngại! Cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” vẫn thường lặp lại nhiều năm qua là như vậy.

Bắt đầu từ mùa mưa lũ năm 2008, công tác cứu trợ được quy về một mối là Mặt trận Tổ quốc VN các tỉnh. Việc làm này không sai, song nếu phải chịu trách nhiệm với tất tật hàng cứu trợ thì Mặt trận sẽ không đủ người để vận chuyển hàng về cho dân. Đợt cứu trợ sau bão số 9 hiện nay, người viết thấy đề xuất của Tập đoàn dệt may VN là rất hợp lý: Trao tiền cho một nơi cụ thể (đảo Lý Sơn), thông qua kênh của Mặt trận nhưng lại “nhờ” Báo Thanh Niên chuyển giúp. Mỗi cơ quan có một phần trách nhiệm để chuyển số tiền đó đến Lý Sơn, còn phân phối sao cho hợp lý thì do người trực tiếp đi làm, ở đây là các phóng viên của Báo Thanh Niên và Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi. Phân công rõ ràng trong khoản cứu trợ như vậy sẽ tránh tình trạng hàng hoặc tiền bị “ngâm” ở khâu trung gian là Mặt trận Tổ quốc các tỉnh. Có địa chỉ cụ thể nên Mặt trận cũng không quá khó trong việc đắn đo sẽ chuyển tiền hoặc hàng đến đâu, về đâu cho khỏi bị so bì. Trong trường hợp này, hàng cứu trợ đã đến sớm với người dân vùng bị thiên tai, lại trúng mục tiêu chứ không bị rơi vãi.

Hiện nay, dù bão lũ đã qua một tuần rồi, song nhiều vùng quê vẫn còn bị cô lập do hệ thông giao thông bị băm nát, ô tô không đến được. Trong khi đó, các đoàn cứu trợ, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đã dập dìu về miền Trung, trên xe đầy ắp hàng hóa. Đối với những cơ quan, doanh nghiệp lâu nay quen với việc cứu trợ rồi thì họ sẽ thông qua một tờ báo cụ thể, sau đó “báo cáo” với Mặt trận tỉnh cho phải phép, rồi họ sẽ nhờ các phóng viên thường trú để chuyển hàng đến đúng địa chỉ.

Hàng và tiền “đi” theo đường ấy sẽ rất chính xác và hiệu quả, bởi hơn ai hết, các báo mới biết cụ thể người dân vùng lũ hiện nay cần gì. Vì cũng cùng là nạn nhân của bão lũ nhưng mỗi vùng có một bức xúc riêng. Có nơi cần tấm lợp mà các đoàn lại mang mì gói, ngược lại, nơi cần gạo thì các đoàn lại cho mùng mền.

Có lẽ, cách làm của Tập đoàn dệt may VN là điều mà các đơn vị và đồng bào cả nước có tấm lòng với người dân vùng lũ miền Trung cần tham khảo. Chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng “trút bom” vẫn thường xuất hiện mỗi khi có thiên tai.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.