Bức tranh sáng tối của năm 2007

30/12/2007 23:43 GMT+7

Câu chuyện thời sự bao trùm năm 2007 và liên quan đến tương lai loài người là hiện tượng trái đất ấm lên. Năm 2007 cũng là năm của nhiều sự kiện đáng buồn.

Trái đất nóng lên

Chưa bao giờ vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu lại được bàn luận nhiều như trong năm 2007, và chưa bao giờ những hệ quả tiêu cực của nó hiện rõ như trong hơn 360 ngày qua. Trái đất ấm dần lên sẽ khiến băng tuyết ở hai cực và trên những ngọn núi cao tan chảy. Nước biển từ đó sẽ dâng lên, nuốt chửng nhiều vùng đất sinh sống và canh tác của con người. Trái đất ấm lên sẽ làm gia tăng giông bão, hạn hán, dẫn đến mất mùa, dịch bệnh. Từ đó, loài người có thể đối đầu với những nguy cơ khủng khiếp về thiếu đất ở và canh tác, bùng nổ làn sóng người tị nạn, chiến tranh...

Năm 2007, thế giới đã chứng kiến nhiều trận thiên tai khủng khiếp, như lũ lụt, đất chuồi ở Đông Nam Á khiến hàng trăm người thiệt mạng, bão Sidr ở Bangladesh cuốn bay hơn 3.000 mạng sống... Những thảm họa này được cho là liên quan đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Vào ngày 2.2.2007, một ủy ban khoa học của LHQ đã đi đến kết luận rằng hiện tượng trái đất ấm lên "nhiều khả năng là do con người gây nên". Từ đó các chiến dịch kêu gọi hành động để giảm khí thải và nâng cao nhận thức về môi trường được thúc đẩy một cách quyết liệt. Ghi nhận những đóng góp đặc biệt trong việc bảo vệ trái đất, giải Nobel Hòa bình năm nay đã được trao cho cựu Tổng thống Mỹ Al Gore và một ủy ban khoa học của LHQ. Giải thưởng này cũng nhằm mục đích kêu gọi mọi người quan tâm hơn nữa đối với tương lai trái đất. Cuối năm 2007, một hội nghị cấp cao về khí hậu đã được tổ chức tại Bali (Indonesia) nhưng không hề có bước đột phá nào ngoài những cam kết, hứa hẹn. Nguyên do là nhiều nước vẫn không sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cắt giảm khí thải.

Kinh tế thăng trầm

Năm 2007 khởi đầu bằng một sự kiện chấn động thị trường tài chính toàn cầu. Vào ngày 27.2, thị trường chứng khoán New York suy sụp kéo theo sự gục ngã của hầu hết thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, từ London tới Tokyo, từ Hồng Kông tới Thượng Hải. Ngày 27.2 đã được biết đến là "Ngày thứ ba đen tối" của thị trường tài chính thế giới. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực cầm cố tại Mỹ tiếp tục gây nên những tác động nghiêm trọng tới thị trường chứng khoán toàn cầu.

Những biến động đáng ngại tại Trung Đông cùng nhiều nơi khác cũng góp phần đẩy giá dầu thô lên cao kỷ lục, gần chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối tháng 11, gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới.

Năm qua còn chứng kiến một mối lo ngại lớn, liên quan đến chất lượng hàng hóa sau khi một loạt đồ chơi, kem đánh răng... có xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện có chứa các chất độc hại.

Thế giới căng thẳng

Năm 2007 là năm chết chóc nhất đối với binh lính Mỹ tại Iraq và Afghanistan, trong đó riêng chiến trường Iraq có hơn 850 lính Mỹ chết. Bạo lực cũng cướp đi sinh mạng của khoảng 17.000 thường dân Iraq. Trong lòng nước Mỹ, tình hình an ninh cũng rất đáng lo ngại với nhiều vụ bắn giết điên cuồng, trong đó khủng khiếp nhất là vụ sinh viên Cho Seung-hui bắn chết hơn 30 người tại Đại học Kỹ thuật Virginia vào giữa tháng 4.

Bên ngoài nước Mỹ, hàng loạt vụ khủng bố đã xảy ra ở Algeria, Philippines, Pakistan... Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom nhằm vào đám đông ủng hộ cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto vào đêm 18.10 khiến hơn 130 người chết và sau đó gây chấn động thế giới là vụ ám sát bà Bhutto vào ngày 27.12.

Tình hình thế giới năm qua cũng trở nên nóng bỏng khác thường với tranh cãi giữa Nga và Mỹ về vấn đề phòng thủ tên lửa. Việc Nga và nhiều nước khác "đột nhiên" tuyên bố chủ quyền ở một số vùng tại Bắc Cực cũng khiến thế giới lo ngại. Trong khi đó, mâu thuẫn kinh niên giữa Mỹ và Iran vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cùng lúc, việc Kosovo công khai ý định độc lập khỏi Serbia gây ra nhiều lo ngại về bất ổn tại vùng Balkans.

Những điểm sáng

Bán đảo Triều Tiên đột nhiên dịu mát hơn sau nhiều năm căng thẳng. Vào tháng 2, các nước tham gia vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã đạt được một số thỏa thuận tiến tới phi hạt nhân hóa khu vực này. Tiếp theo đó là một chuỗi những bất đồng, vướng mắc. Tuy nhiên, tới mùa thu, tình hình bắt đầu dịu đi khi chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ giải trừ hạt nhân hoàn toàn để đổi lấy các khoản viện trợ, chủ yếu là về năng lượng. Đến thời điểm này, có thể thấy tiến độ giải trừ hạt nhân diễn ra chậm hơn kế hoạch, nhưng sau những gì đã đạt được và việc các nước đã thực sự hành động, có thể hy vọng căng thẳng bấy lâu sẽ được giải tỏa.

Cùng với vấn đề hạt nhân, mối quan hệ CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc cũng có dấu hiệu ấm lên. Nguyên thủ hai nước đã có cuộc gặp tại Bình Nhưỡng và sau đó là hàng loạt cuộc gặp cấp cao khác. Hình ảnh những đoàn tàu chở hàng chạy trên tuyến đường sắt liên Triều mỗi ngày phác họa phần nào sự cải thiện tình hình tại vùng đất này.

Năm 2007 cũng là năm đánh dấu một bước tiến mới của ASEAN khi lãnh đạo các quốc gia thành viên cùng ký vào bản hiến chương của khối. Tương tự, sau khi dự thảo hiến pháp EU bị bác bỏ, các nước trong Liên minh châu u đã cùng ký vào Hiệp ước Lisbon, văn kiện được coi là sẽ mang đến những đổi thay trọng đại trong lòng EU.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.