Tỏi, vị thuốc tuyệt vời!

07/12/2007 15:05 GMT+7

Nhờ chứa nhiều hoạt chất sinh học, nên tỏi được dùng để bảo vệ sức khỏe và phòng trị bệnh rất hiệu nghiệm...

Những công dụng hay của tỏi

Theo lương y Nguyễn Công Đức - giảng viên khoa y học cổ truyền, Đại học Y Dược (TP.HCM), tỏi có những công dụng rất hay. Hợp chất sulfur trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm rất mạnh. Từ xưa, tỏi vốn được xem là chất sát khuẩn tự nhiên, là kháng sinh thiên nhiên. Dùng tỏi lâu dài giúp dự phòng cảm cúm và tránh lây nhiễm vi khuẩn và virus. Trong tỏi chứa rất nhiều chất nâng cao hệ miễn dịch - Allycin trong tỏi kích hoạt tế bào, làm tăng số lượng tế bào hạt trung tính, thực bào và tế bào lympho. Các loại tế bào này có khả năng bao vây, làm ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, tỏi còn ức chế các khuẩn gây bệnh đường ruột, trợ giúp điều chỉnh chức năng hệ tiêu hóa, là khắc tinh của ung thư - nhờ chứa hợp chất sulfur, tỏi trực tiếp ức chế và tiêu diệt các tế bào khối u. Nitrat là tiền thân của chất gây ung thư nitrosamine, tỏi ức chế nitrat trong biến chuyển thành nitrite, ngăn cản hình thành nitrosamine, từ đó phòng ngừa được ung thư dạ dày. Tỏi còn có thể ngăn cản sự xâm hại của các hóa chất có độc, kim loại nặng, độc tố và các chất gây ung thư đối với cơ thể. Ngoài ra, tỏi còn ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư da, ung thư trực tràng, thực quản, mũi họng, gan (tỏi phòng ngừa sự hình thành của các gốc tự do).

Trong tỏi chứa nhiều germani và selen giúp cơ thể tăng khả năng chống ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, ăn tỏi hằng ngày giúp sát khuẩn, tăng tuổi thọ. Người thường ăn tỏi tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày thấp hơn 50% so với người không ăn tỏi. Hơn nữa, người ăn nhiều tỏi tỷ lệ mắc ung thư trực tràng cũng rất thấp.

Tỏi ức chế hấp thụ cholesterol xấu, giảm hấp thụ cholesterol tại ruột non, nhờ đó giúp quân bình cholesterol trong máu. Nhiều thức ăn thường ngày như lòng đỏ trứng, nội tạng động vật (đồ lòng), thịt mỡ..., dùng nhiều sẽ dẫn đến tăng mỡ trong máu. Nếu ăn kèm với tỏi, thì mỡ trong máu sẽ bị khống chế. Tỏi còn ức chế tích tụ tiểu cầu, phòng ngừa hình thành huyết khối, giúp dự phòng mắc bệnh tim mạch. Động mạch chủ của người thường ăn tỏi có tính đàn hồi hơn so với người không ăn tỏi. Người bệnh tăng huyết áp, mỗi sáng ăn vài tép tỏi ngâm giấm sẽ giúp hạ áp.

Những cách dùng tỏi có hiệu quả

Băm tỏi thật nhuyễn, và đặt trong không khí 10-15 phút mới ăn là tốt nhất. Vì theo lương y Nguyễn Công Đức, trong tỏi không có allycin tự do, chỉ sau khi băm nhuyễn, dưới tác dụng của enzyme thì tỏi mới phóng thích ra allycin. Tỏi băm nhuyễn, dù nấu chín thì vẫn bảo tồn được 60% tác dụng dược lý.

Một số lưu ý khi dùng tỏi: không nên ăn quá nhiều tỏi một lần, vì sẽ làm kích thích mắt, dễ gây ra viêm kết mạc mắt; không nên ăn tỏi lúc bụng đói - tỏi có tính phân hủy và kích thích mạnh với niêm mạc dạ dày, ruột. Cách sử dụng tỏi đơn giản là, tỏi khô bóc vỏ 50 gr giã nát để 30 phút sau đó mới cho vào lọ sạch, ngâm với 100 ml (nửa chén) rượu trắng 45 độ. Ngâm 10 ngày, thỉnh thoảng lại lắc lọ, mới đầu có màu trắng, sau chuyển dần sang vàng, đến ngày thứ 10 thì có màu vàng nghệ. Dùng sáng 1 muỗng cà phê, tối 1 muỗng cà phê trước khi ngủ. Tỏi ngâm rượu có công dụng chữa thấp khớp, tăng huyết áp, viêm họng, hen phế quản, trĩ nội, viêm loét dạ dày tá tràng, ăn khó tiêu, ợ hơi... Nhưng, lưu ý, người đang mang thai, đau mắt đỏ, mụn nhọt lở loét, ban trái, người nóng bứt rứt, tiểu vàng, khô họng thì không nên dùng rượu tỏi.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.