Nhọc nhằn nghề đá

22/11/2007 14:57 GMT+7

Hai bên quốc lộ 51, hằng ngày vẫn có hàng chục con người hì hục đục đẽo từng tảng đá to để mưu sinh hằng ngày...

Mưu sinh trên khối đá

Huỳnh Ngọc Sáng (20 tuổi, quê ở Thoại Sơn, An Giang) ngồi chồm hổm, tay phải cầm búa giơ cao, giáng từng nhát vào viên đá. Nghỉ học từ năm lớp 8, Sáng từ An Giang lên xã Tân Phước, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng cha mẹ làm nghề đục, đẽo đá granit. Nghề này ở An Giang có từ rất lâu, nhưng ở Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ mới có cách đây vài chục năm. "Dân địa phương không ai biết làm nghề đá này cả. Đa phần người An Giang lên chỉ nghề cho dân ở đây và dân tứ xứ tới", Sáng cho biết.

Anh Nguyễn Văn Dũng, 32 tuổi, quê ở Nam Định xởi lởi: "Tôi cũng mới làm hơn một năm nay. Sáng là sư phụ của tôi đó. Cái chữ đối với mình mờ mịt quá! Mình phải làm việc này qua ngày thôi". Lau vội mồ hôi ướt sũng trên khuôn mặt, Sáng chỉ vào con hẻm nhỏ kế bên trại đá: "Anh chạy theo đường này vào sâu bên trong có rất nhiều người đục đá giống như mình".

Theo con đường Sáng chỉ, chúng tôi chạy xe mất 10 phút đến một trại đá khác. Tại đây, trên 30 người cũng đang hì hục đục đẽo, nam-nữ-già-trẻ đều có. Những mái chòi nhỏ làm bằng lá dừa mọc lên chỉ đủ che nắng cho các thợ đá làm việc. Vợ chồng thợ đá Nguyễn Văn Tùng và Huỳnh Thị Cẩm Tú quê ở Thoại Sơn, An Giang đang "trau chuốt" lại tảng đá mới được tách đôi ra. Anh Tùng sờ vào tảng đá nói: "Gần 30 phút viên đá này mới tách ra làm đôi. Bây giờ để cho vợ đẽo bằng phẳng lại mới bán được 14.000 đồng". "Lên đây làm đá 10 năm rồi mà vẫn chưa có nhà để ở. Cái nghề này làm mới có ăn, không làm thì chết đói", Tùng tâm sự.       

Ông Hồ Văn Út (42 tuổi) cũng ở Thoại Sơn, An Giang lên xã Tân Phước làm đá từ năm 1994 tới nay. Hơn 30 năm làm đá, từ An Giang lên Tây Ninh rồi đến vùng đất này tiếp tục làm nghề. Con cái ông Út không có đứa nào học hành hết cấp 1. "Làm đá có ngồi một chỗ đâu, nơi này hết đá lại nhảy đến nơi khác. Vậy là không có đứa nào học được", ông trầm ngâm. Bốn đứa con gái của ông thấy cha mẹ làm cực khổ mà không dư dả nên cũng xin học nghề. "Nhưng cái nghề này đòi hỏi sức khỏe, làm sao chúng nó kham nổi. Làm được vài ngày tôi cho tụi nó nghỉ hết. Bây giờ 5 mẹ con nó ở nhà buôn bán vặt", ông Út kể, tay chỉ vào cái chòi quán làm bằng lá lụp xụp chưng vài bịch bánh, viên kẹo để bán kiếm thêm tiền chợ.

Nghề lắm bệnh

Ngừng đục viên đá thứ 4 trong buổi sáng, ông Út trầm ngâm nghĩ về cái nghề bạc bẽo: "Mần đá hơn 30 năm rồi, chỉ mong có một ngôi nhà do chính mình làm ra mà không được. Sống gần nửa đời người rồi còn gì, sức cũng sắp cạn mà chỉ có một căn chòi cất tạm trên đất người khác. Khó mà thoát được cảnh nghèo bằng nghề đá này đây". Rồi ông tiếp tục kể chuyện ở quê của mình có một người từng làm thợ đá nhưng phải nghỉ ở cái tuổi gần 30. Người thợ này trong lúc đục đá để dăm đá văng vào mắt. Không có tiền cứu chữa nên con mắt này bị mù, lâu ngày con mắt kia cũng hư theo...

Còn ở Tân Phước, ông Út đã chứng kiến nhiều thợ đá bị bệnh phải đi đến từng trại đá để xin 5, 10 ngàn đồng chữa bệnh. Làm nghề đá ai cũng bị ho lao, sau đó thì ho ra máu. Anh Tùng tâm sự: "Cách nay 5 năm, một viên đá chẻ đôi đến 24 ngàn đồng. Bây giờ nó chỉ còn một nửa. Một thợ đá làm trung bình cũng trên dưới 100 ngàn đồng/ngày nhưng nợ thì vẫn cứ thiếu. Nếu có dư thì dư cái bệnh...".

Cái nghề khắc nghiệt là vậy, nhưng nhiều người dân các nơi lại rủ nhau lên vùng đất này để hy vọng được thoát nghèo bằng đá. Họ kéo theo cả bà con, hàng xóm trong làng lên cùng làm đá. 10 năm làm nghề, Vũ Văn Chuyên (27 tuổi), quê ở Nam Định tâm sự: "Năm nay đứa em gái sẽ ra trường, ráng hết năm mình cũng đi kiếm nghề khác mà học, chứ làm nghề này không có tương lai". Em trai của Chuyên, Tòng mới 13 tuổi cũng theo anh trai làm thợ đá. Nhìn bàn tay chai sần của Tòng, em cho biết đã theo anh trai vào làm đá từ Tết Nguyên đán năm rồi tới nay. 

 Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.