Tai nạn khi rèn thể lực

07/11/2008 10:25 GMT+7

Mỗi tuần chúng tôi gặp vài ca cấp cứu do tai nạn trong việc tập luyện thể dục thể thao. Đa số là thanh thiếu niên.

Các tai nạn từ môn thể thao như bóng đá, tập tạ, tập võ là hay gặp. Ngoài ra các tai nạn từ môn khác như quần vợt, bóng bàn, cầu lông, chạy bộ, đi bộ thỉnh thoảng cũng gặp.

N.N.V., 28 tuổi, nhà ở quận Gò Vấp, tham dự giải bóng đá do công đoàn công ty tổ chức hằng năm. V. đá tiền đạo, khi đang dắt bóng thì bị cầu thủ đối phương chuồi bóng trúng vào cẳng chân trái rất mạnh. V. té gục xuống sân, vùng cẳng chân trái sưng nề biến dạng. V. được đồng đội đưa đi cấp cứu. Kết quả chụp phim gãy cả hai xương cẳng chân. Kinh nghiệm cho thấy với môn bóng đá ta nên tránh những cú chuồi bóng vào bạn vì có thể làm bạn bị gãy chân.

11 lần trặc khớp

Tai nạn trong quần vợt rất hay gặp ở các bạn thanh niên tập luyện theo ý thích mà không chịu đăng ký học một cách căn bản. Các động tác căn bản như tận dụng lực ở cánh tay đều phải nắm kỹ, nếu tập sai kỹ thuật hoặc thiết bị dụng cụ tập không phù hợp dễ gây ra chấn thương như trặc khớp vai, đau ngoài khuỷu tay, cổ tay, đau lưng, tổn thương dây chằng khớp gối, đau bắp chân, viêm gân gót, đứt gân gót.

V.M.Đ., 22 tuổi, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM, sinh viên kinh tế, mê chơi quần vợt từ khi học lớp 10. Đ. không học quần vợt bài bản mà thấy người ta chơi nên học lóm, được bạn bè khen là chơi rất giỏi. Lớp 12, trong một lần chơi quần vợt với bạn bè, Đ. bị trặc khớp vai phải ra trước sau khi vung tay lên đập mạnh trái banh. Đ. vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ phải kéo nắn một lúc khớp vai mới trở về bình thường. Do mê quần vợt không thể bỏ, lần này Đ. lại bị trặc khớp vai. Tính từ lúc trặc khớp lần đầu tiên đến nay Đ. đã 11 lần nhập viện do trặc khớp.

Ông N.V.T., 32 tuổi, nhà ở quận 3, TP.HCM, mới tham gia tìm hiểu quần vợt với sếp được bảy ngày thì bị đứt dây chằng khớp gối phải. Nguyên nhân là ông không chịu khởi động và cố gắng chạy nhanh, đánh mạnh để vừa lòng sếp, rồi mất thăng bằng té đập đầu gối phải xuống đất. Hậu quả là đứt dây chằng, đi lại khó khăn, phải nhập viện để mổ.

Do đó, nhằm phòng ngừa chấn thương, bạn nhớ học bài bản cách chơi quần vợt. Học cách làm ấm đầy đủ, cách tập kéo giãn gân cơ thường xuyên có hệ thống, tập thể lực để các cơ có đủ sức đảm nhiệm vai trò của mình, cách tập mạnh các cơ ở vùng chân để có đủ sức chịu lực đồng thời tránh tổn thương khi khớp xoay. Không chơi quần vợt quá hai giờ/ngày. Học những động tác kỹ thuật bài bản. Cuối cùng là giày, vợt, áo quần, mặt sân phải phù hợp.

Chặt gạch gãy ngón tay

T.N.B., 15 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, đang học võ karate, rất thích màn chặt gạch bằng tay. Theo như B. nói, học karate để luyện bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể đều có thể thành vũ khí, một trong các môn mà môn sinh karate hay luyện là chặt gạch. B. biểu diễn cho đám bạn xem, bình thường B. chỉ chặt được hai viên gạch thẻ nằm chồng nhau. Lần này, do bạn bè kích động và đang cao hứng nên B. chặt ba viên gạch thẻ và bị gãy xương đốt bàn ngón út, phải vào viện nẹp cố định và nghỉ một tháng không tập võ.

Đ.N.H., 14 tuổi, tham gia tập tạ mới được một tuần. Với giấc mơ nóng bỏng có được thân hình đô con, H. đã tập quá khả năng của mình. Khi tập tạ ở tư thế nằm, em tập ở mức 40kg (mỗi bên 20kg) khi nâng tạ được vài lần thì bị tạ đè, hậu quả bị chấn thương ngực kín, phải nằm viện theo dõi.

Đang chạy bộ thì té xỉu. Nữ sinh hay bị tai nạn kiểu này nhất, trong các tiết học tập thể dục có môn chạy bộ quanh sân trường. Các em nữ đang chạy thì tự nhiên xỉu té xuống đất, có em chỉ xây xát nhẹ nhưng có em cũng bị khá nặng như chấn thương đầu, gãy tay, gãy chân. Nguyên nhân xỉu là do các em chưa ăn sáng, đang ăn kiêng làm hạ đường huyết, ngoài ra còn có rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn tiền đình, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim.

Theo BS Trần Mạnh Hà / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.