“Bão” giá

03/11/2010 02:39 GMT+7

Giá hàng loạt mặt hàng tăng cao, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm đến nay vượt xa các dự báo.

CPI vượt xa dự báo

Giá hàng loạt mặt hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất, chế biến liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay đang đè nặng áp lực lên đời sống người dân.

“Giao hưởng” tăng giá

Ngay đầu tháng 11.2010, nhiều siêu thị tại TP.HCM thông báo sẽ tăng giá hàng trăm mặt hàng với mức tăng cao nhất lên đến 25% so với giá trước đó. Tại siêu thị Sài Gòn, giá thực phẩm tăng từ 3,5 - 10%, gạo Mekong tăng 10%, tương ớt tăng 20%, hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu tăng 15 - 25%, bánh kẹo nhập khẩu tăng 15 - 25%, đồ gia dụng nhập khẩu tăng từ 15 - 25%...

Không chỉ ở các siêu thị mà ở các chợ đầu mối ở TP.HCM, giá cũng tăng mạnh. Ngày 1.11, tại chợ Bình Điền, giá tôm khô (loại 1) tăng 50.000 đồng/kg lên 480.000 đồng/kg, khô cá kèo tăng từ 20.000 - 110.000 đồng/kg (tùy loại), khô mực tăng từ 15.000 - 40.000 đồng/kg, cá biển tăng từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, rau củ tăng từ 1.000 - 7.000 đồng/kg... Một số doanh nghiệp kinh doanh ăn uống cho biết giá rau xanh mua sỉ tăng từ 50 - 70%. Đặc biệt tăng mạnh nhất là giá dầu ăn. Từ đầu năm đến nay giá dầu ăn đã tăng 5-6 đợt mà không có nguyên nhân gì rõ ràng.

Cũng từ đầu tháng 11.2010, các công ty kinh doanh gas đồng loạt tăng thêm 25.000 đồng/bình 12 kg. Đây là lần thứ 4 giá gas trong nước tăng kể từ giữa tháng 8.2010 đến nay, với mức tăng tổng cộng 57.000 đồng/bình 12 kg. 

Sức ép tăng giá rất lớn

Ý kiến: Phải giải bài toán bội chi và đầu tư

Vừa rồi, Chính phủ cũng đã có chỉ thị đưa ra những biện pháp bình ổn giá cả. Nhưng lạm phát ở VN là căn bệnh khó điều trị. Giải pháp để trị căn bệnh này một cách triệt để nằm ở tỷ giá, từ đó giải quyết bài toán nhập siêu, kiềm hãm đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hạn chế nhập siêu và ổn định tỷ giá. Ở VN, trong số hàng hóa lương thực, thực phẩm, ăn uống trong CPI chiếm tỷ lệ tới 40%; trong khi đây là những mặt hàng thường biến động bởi thời tiết... Nói chung, muốn giải bài toán lạm phát phải giải bài toán bội chi và đầu tư.

TS Trần Hoàng Ngân, Đại học Kinh tế TP.HCM

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, từ cuối tháng 10 tới nay giá thép đã tăng từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn tùy loại, như thép Việt Ý thông báo tăng thêm 300.000 đồng/tấn từ 1.11. Trong đó, giá thép phía Nam tăng mạnh hơn, giá bán (chưa có VAT) ở mức 14,3 triệu đồng/tấn, tại miền Bắc một số công ty cũng đã đẩy giá thép lên 14,2 triệu đồng/tấn. Dù lượng tiêu thụ chưa cao, công suất dư thừa (cả năm 2010 công suất của các nhà máy cán chiếm đến 7,8 triệu tấn, tiêu thụ chỉ đạt 5,5 triệu tấn), nhưng theo lý giải, các công ty thép buộc phải tăng giá do giá nguyên liệu biến động, và đặc biệt do tỷ giá USD tăng cao.

Bất thường nhất là thị trường phân bón khi giá đang biến động từng ngày. Tăng giá mạnh nhất là hai mặt hàng DAP và urê. Hiện giá bán lẻ DAP (Trung Quốc) tại các đại lý cấp 2, cấp 3 ở ĐBSCL từ 720.000 - 740.000 đồng/bao. Giá urê (Trung Quốc, Phú Mỹ) từ 520.000 - 540.000 đồng/bao. Hai loại phân này đã tăng giá khoảng 35 - 40% so với cách đây 2 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hai tháng cuối năm, giá xi măng được dự báo có thể tăng nhẹ do bước vào mùa cao điểm xây dựng, trong khi nguồn cung lại giảm nhẹ vì tình trạng thiếu than sản xuất. Dự báo, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố cầu kéo do nhu cầu hàng hóa tăng cao, cộng thêm yếu tố chi phí đẩy do giá nguyên vật liệu nhập khẩu và tỷ giá tăng. Riêng tháng 11, do thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung, giá lương thực thực phẩm và tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Tất cả diễn biến dồn dập nói trên sẽ đẩy bản “giao hưởng giá” lên cao trào vào những ngày cuối năm.

Té nước theo mưa

Nếu nhiều mặt hàng tăng giá được nhà sản xuất giải thích do tỷ giá USD/VND tăng, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng... thì cũng có không ít mặt hàng lợi dụng để tăng giá. Bà Nguyễn Thị Thắm - đại diện siêu thị Hà Nội - e ngại: “Nhiều nhà cung cấp thông báo tăng giá trong tháng 11 hàng trăm mặt hàng với mức tăng từ 5 - 15%. Họ đưa ra đủ lý do như USD tăng, giá vàng tăng, nguyên liệu tăng... Tôi thấy khó hiểu ở chỗ giá USD tăng ít nhưng nhà cung cấp tăng nhiều. Giá vàng tăng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng giao dịch bằng vàng. Tôi nghĩ có thể các nhà cung cấp “té nước theo mưa”, tăng giá hàng theo phong trào”.

Đại diện một siêu thị khác cho biết: “Khi chúng tôi không chấp nhận hàng tăng giá, các nhà cung cấp đã gây áp lực bằng cách ngưng cung cấp hoặc cung cấp nhỏ giọt, buộc chúng tôi phải chấp nhận giá mới. Có nhà sản xuất dùng chiêu vẫn giữ giá cũ hoặc tăng thêm một ít nhưng lại giảm bớt trọng lượng, một gói thực phẩm khô 200g trước đó

giữ nguyên giá nhưng thực ra, trọng lượng chỉ còn có 180g. Chúng tôi biết nhưng không thể làm gì được”.

Dự báo kém nên điều hành bất cập

Lạm phát năm nay có thể dưới hai con số nhưng chắc chắn không dưới 9%

Ông Lê Đình n - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 8% cả năm đang khá xa vời khi CPI hai tháng cuối năm sẽ chỉ được phép tăng thêm 0,42%. Trong khi các yếu tố tạo sức ép tăng giá của nhiều mặt hàng ở những tháng cuối năm lại rất lớn.

Trên thực tế, CPI các tháng 9 và 10 tăng cao hơn nhiều so với mức dự báo đưa ra của Tổ điều hành thị trường trong nước (Tổ điều hành). Như tháng 9, Tổ điều hành dự báo CPI tăng khoảng 0,8% - 1,0% so với tháng 8.2010, nhưng thực tế chỉ số giá tháng này đã tăng tới 1,31%, đưa lạm phát lên mức 6,46%. Trong tháng 10, thậm chí dự báo đưa ra chỉ là 0,4% - 0,5% so với tháng 9, nhưng mức tăng thực tế là 1,05%.

Trong phiên họp tổng kết thị trường tháng 10, Tổ điều hành cho rằng, sở dĩ CPI tháng 10 tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, do chịu tác động của thiên tai lụt bão tại miền Trung, quyền số CPI của Hà Nội tăng mạnh do đại lễ 1.000 năm, do chỉ số lương thực thực phẩm tăng cao.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, công tác dự báo thị trường vẫn quá kém cỏi, dẫn tới điều hành bất cập. Bên cạnh đó, CPI còn chịu tác động lớn do bất ổn cân đối vĩ mô như bội chi vẫn tiếp diễn, cán cân thương mại, nhập siêu vẫn cao, tỷ giá tăng mạnh…

Cùng cách nhìn trên, ông Lê Đình n, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, dự báo thường thấp hơn nhiều so với chỉ số CPI thực, chính điều này đã gây khó khăn trong việc điều hành, kiểm soát lạm phát.

“CPI năm nay nhiều người không lường trước và gần như gây bất ngờ cho tất cả các nhà dự báo. Đồng nội tệ các nước bị phá giá làm cho giá cả thế giới tăng lên, khiến hàng hóa trong nước chịu áp lực tăng giá rất mạnh. Lạm phát năm nay có thể dưới hai con số nhưng chắc chắn không dưới 9%”, ông n khẳng định. 

Nhóm phóng viên kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.