Cuộc chiến trong bóng tối giữa Iran và Mỹ

24/10/2010 22:41 GMT+7

Các tài liệu mật vừa được website WikiLeaks công bố cho thấy Iran đang tiến hành một cuộc chiến không công khai với binh lính Mỹ tại Iraq.

Các báo The New York Times Guardian trích những báo cáo quân sự của Lầu Năm Góc do WikiLeaks tung ra cho thấy một cuộc đua tranh đầy chết chóc giữa Washington và Tehran để tranh giành ảnh hưởng tại Iraq. Trong đó, vũ khí đặc biệt được Iran sử dụng chính là Quds Force, lực lượng tinh nhuệ của quân đội nước này.

Từ quân sự đến chính trị

Trong cơ cấu của Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Đơn vị đặc biệt Quds Force chịu trách nhiệm về các chiến dịch ở nước ngoài và thường chọn cách hành động thông qua những tổ chức đồng minh như Hezbollah.

Từ lâu, chính quyền Mỹ luôn cho rằng Quds Force vẫn đang hỗ trợ và huấn luyện cho các phần tử Hồi giáo Shiite chống đối tại Iraq. Những báo cáo nói trên đã làm rõ nghi vấn này và cung cấp những chi tiết mới về sự ủng hộ của Iran đối với quân nổi dậy ở Iraq. Cần lưu ý là những tài liệu mà WikiLeaks thu thập được chỉ là cái nhìn từ quân đội Mỹ và không có sự đối chiếu với các báo cáo tương tự từ phía Iraq hoặc Iran.

Theo các tài liệu trên, Iran hiện diện trong cả chính trị lẫn quân sự tại Iraq. Báo cáo ngày 27.11.2005 cảnh báo rằng những thành viên được Iran chống lưng trong Chính phủ Iraq đang gia tăng quyền lực và cho phép Tehran gia tăng ảnh hưởng đến chính trường nước này. “Iran đang gia tăng quyền kiểm soát Iraq ở nhiều mức độ trong chính phủ”, báo cáo kết luận.

Thủ tướng Iraq Nouri Maliki hôm qua chỉ trích mạnh mẽ hành động tung gần 400.000 tài liệu về cuộc chiến ở nước này của WikiLeaks. Ông khẳng định hành động này nhằm bôi nhọ và ngăn cản ông thành lập chính quyền mới. Trong các hồ sơ nói trên, có nhiều cáo buộc thủ tướng có dính líu tới những vụ hành hạ tù nhân và làm ngơ các vụ giết hại dân thường.

Các tài liệu cũng ghi nhận một loạt sự cố tại khu vực biên giới, trong đó có vụ xảy ra vào ngày 7.9.2006. Trong đó, một binh sĩ Iran nhắm súng phóng lựu vào đơn vị tuần tra của Mỹ gần biên giới sau đó bị quân Mỹ tiêu diệt. Trước nay, lính Mỹ được chỉ thị phải giữ khoảng cách 1 km tính từ đường biên giới trong mọi tình huống. Chỉ thị này xuất phát từ tình trạng nhạy cảm trong khu vực Trung Đông và nhằm làm lắng dịu những ý kiến rằng Mỹ đang lên kế hoạch tấn công Iran.

Ám sát và súng ống

Bên cạnh những vụ đụng độ lẻ tẻ, Quds Force luôn chủ trương không xuất đầu lộ diện tại Iraq. Theo báo cáo, đơn vị này sắp xếp các tay súng Hezbollah tại Li-băng đến huấn luyện quân nổi dậy Iraq, hoặc hỗ trợ về vũ khí và tài chính. Những tài liệu mà WikiLeaks đưa ra cũng đề cập những vụ ám sát giới chức Iraq dưới sự tài trợ của Iran. Mục đích của hành động này là nhằm chứng tỏ cho thế giới, và đặc biệt là thế giới Ả Rập, rằng Kế hoạch An ninh Baghdad của Mỹ và Chính phủ Iraq không thể mang lại ổn định cho nước này.

Chưa hết, những chuyến hàng cung cấp tên lửa, súng cối và bom đạn từ Iran cho quân nổi dậy Hồi giáo dòng Shiite cũng khiến Mỹ vô cùng lo ngại. Báo cáo ngày 22.11.2005 ghi nhận trường hợp lính biên phòng Iraq bắt được một vụ vận chuyển vũ khí từ Iran, trong đó có một số lượng lớn thiết bị chế tạo bom. Một báo cáo khác khẳng định các loại vũ khí hóa học có khả năng làm tê liệt thần kinh của Iran đã được tuồn vào Iraq, trong khi một số tài liệu cho rằng Iran đổ tên lửa đất đối không Misagh-1, súng trường nòng 50 ly, tên lửa... vào Iraq. Ngoài những vũ khí thông thường, phía Iran còn chế tạo trang phục chuyên dụng cho những vụ đánh bom tự sát, nỗi ám ảnh khủng khiếp của thường dân Iraq. Theo đó, các máy quay cực nhỏ được gắn trực tiếp vào bộ đồ này, cho phép cấp trên theo dõi các cuộc đánh bom từ xa. Nếu đến giờ chót người mặc không kích nổ bom vì lý do nào đó, người theo dõi có thể thực hiện thay.

Một trong những phần gây chú ý nhất trong tài liệu mật do WikiLeaks công bố là kế hoạch chặn xe Humvee, bắt cóc binh sĩ Mỹ tại thành phố Sadr, sau đó dùng những người này làm con tin. Theo tài liệu ngày 22.12.2006, một tư lệnh quân nổi dậy là Hasan Salim đã được chọn thực hiện âm mưu này vì từng được huấn luyện tại Iran về cách thức tiến hành bắt cóc. Tuy nhiên, những kế hoạch này không được thực hiện. Trong một vụ khác, quân nổi dậy dự định lái một xe bọc thép chứa đầy khí độc xông thẳng vào Vùng Xanh, trụ sở của liên quân Mỹ tại thủ đô Baghdad và là nơi đặt văn phòng của các cơ quan chính phủ nước này, dưới sự hỗ trợ của súng phóng lựu và pháo các loại do Iran cung cấp.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.