Bí quyết từ những giám đốc của G7, Unilever, HSBC...

11/10/2006 17:42 GMT+7

UK Splash! - Tháng văn hóa giáo dục của Vương quốc Anh" tại Việt Nam đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo lực lượng tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ nhiều trường đại học, nhiều doanh nghiệp khác nhau, họ đến hội thảo với chung mong mỏi được tiếp cận với văn hóa, giáo dục Vương quốc Anh, và tìm kiếm những cơ hội phát triển bản thân.

Đặc biệt vào ngày 5 và 7.10, tại hai buổi tọa đàm mang tên: "Những kỹ năng cần chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai" và "Những xu hướng hiện nay trong dịch vụ ngân hàng quốc tế", các chuyên gia hàng đầu đến từ HSBC, ACCA, Unilever, G7... đã có những chia sẻ kinh nghiệm hết sức bổ ích xung quanh vấn đề định hướng nghề nghiệp và xin việc cho các sinh viên nói chung và sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng nói riêng. Dưới đây là một số câu hỏi thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.


Bà Phạm Bích Thủy: “Tìm việc là một dự án thật sự...”

* Sinh viên cần phải chuẩn bị những gì khi tìm việc làm?

- Bà Phạm Bích Thủy, Giám đốc nhân sự của Unilever Việt Nam: Tìm việc là một dự án thực sự và cần có chuyên môn, ứng viên cần có sự chuẩn bị kỹ càng nếu muốn thành công. Sau khi đã tìm được một công việc cần tuyển (từ nhiều nguồn khác nhau như: trên mục quảng cáo tìm người của báo, công ty tuyển dụng, ngày hội việc làm, cơ quan thực tập...) các bạn trẻ nên chuẩn bị tốt các bước sau: Trước hết nên phân tích kỹ tính chất của công việc cần tuyển (chức danh, trách nhiệm, công ty...) cũng như đặc điểm bản thân (tính cách, sở thích, điểm mạnh - yếu...) để tìm ra sự phù hợp giữa mình với công việc. Khi đã quyết định vị trí phỏng vấn thì khâu tiếp theo là chuẩn bị tốt hồ sơ xin việc. Ngoài việc gửi đi kịp thời và chính xác bộ hồ sơ với những thông tin đầy đủ thì sự "bắt mắt" về mặt hình thức của nó cũng rất đáng lưu tâm: thống nhất kiểu chữ, ngôn từ chuẩn xác, trình bày rõ ràng, không nhàu nát hay tẩy xóa... tất cả sẽ hướng sự lưu tâm của nhà tuyển dụng đến tên của mình. Tiếp theo là lập một bảng theo dõi tìm việc với các ghi chú các thông tin về tên công ty, chức vụ, ngày nộp đơn... cùng những chuẩn bị chu tất nhất cho buổi phỏng vấn thực sự, đặc biệt là khi phải đối phó với những tình huống khó khăn, bất ngờ để buổi phỏng vấn được hoàn hảo. Giao tiếp sau phỏng vấn cũng là việc làm quan trọng, như viết thư cảm ơn về buổi phỏng vấn, gọi điện hỏi thăm về "tiến trình" công việc nhằm thể hiện sự nhiệt tình của mình và nhắc nhà tuyển dụng nhớ đến tên mình. Một lá thư sau khi biết kết quả phỏng vấn cũng là điều nên làm, có thể là cảm ơn và xác nhận những thông tin trong đề nghị tuyển dụng nếu được tuyển dụng, cũng có khi là lời cảm ơn với mong muốn được nộp đơn lần nữa nếu có cơ hội...


Ông Trần Hữu Đức

* Nhà tuyển dụng mong đợi những gì ở nhân viên của mình?

- Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Đào tạo và Phát triển G7: Có nhiều yếu tố nhà tuyển dụng quan tâm nơi nhân viên của mình, nhưng quan trọng nhất là kiến thức, kỹ năng, thái độ và kinh nghiệm. Về kiến thức, ngoài khả năng chuyên môn là yêu cầu đương nhiên thì hiểu biết về xã hội (kiến thức nền) và sự tìm hiểu nhất định về công ty nơi ứng viên nộp đơn xin việc là rất quan trọng. Cũng vậy, nếu hội tụ được các kỹ năng (nền, chuyên môn, tổng quát, lãnh đạo...) cùng thái độ cầu tiến, tích cực, hợp tác, có trách nhiệm cá nhân, tôn trọng đồng nghiệp... ứng viên luôn có khả năng "ghi điểm" ở nhà tuyển dụng. Và kinh nghiệm chỉ là một lợi thế, bởi chúng tôi luôn biết nhìn nhận một thực tế là hầu hết các sinh viên khi ra trường đều chưa có kinh nghiệm thực tiễn.

* Bí quyết để thành công trong buổi phỏng vấn xin việc là gì?

- Ông Tôn Thất Anh Vũ, Giám đốc nhân sự của Ngân hàng HSBC: Điều này phụ thuộc rất nhiều vào khâu bạn chuẩn bị như thế nào cho cuộc phỏng vấn: một ngoại hình thân thiện với trang phục lịch sự, nghiêm túc, bộ hồ sơ đầy đủ và tỉ mỉ, có sự định hướng trước những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể đặt ra như: tự giới thiệu bản thân, những hiểu biết về phía công ty, khả năng đi công tác xa, những câu hỏi tình huống... đặc biệt là cần giữ được sự bình tĩnh và có suy nghĩ với những câu hỏi khó kiểu như mức lương đặt ra, nhược điểm bản thân và hướng cải thiện... Trong buổi phỏng vấn, ứng viên cần thể hiện được ấn tượng tốt thông qua thái độ thân thiện, câu trả lời thẳng vào vấn đề và tránh gây mâu thuẫn, tạo được hình ảnh chuyên nghiệp, trung thực, tự tin, nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đam mê với công việc... Nhà tuyển dụng thường rất có thiện cảm với những ứng viên dám tự khẳng định giá trị bản thân bằng câu nói "Tôi có thể làm được". Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn không nên quên hỏi về bước kế tiếp, thể hiện mong muốn được cộng tác và thực hiện thao tác chào tạm biệt. Bên cạnh những cố gắng trên ứng viên cũng đặc biệt chú ý, đôi khi chỉ những sơ hở nhỏ cũng có thể khiến bạn thất bại trong "cuộc đấu". Vì vậy, trong phỏng vấn phải tuyệt đối tránh những hành động như: vắng mặt không thông báo, đến trễ, ăn mặc lôi thôi, nói quá nhanh hoặc quá chậm, thiếu lễ độ, không có sự chuẩn bị trước, trả lời hấp tấp, thiếu trung thực, dùng tiếng lóng thô tục, chỉ trích thậm tệ người quản lý trước, khen chê câu hỏi phỏng vấn, yêu cầu lương quá cao so với năng lực hoặc là thiếu năng lực thực sự...

H.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.