Con vào tuổi teen

21/10/2010 18:13 GMT+7

Cách đây vài tháng, cô con gái bạn rất tình cảm, đột nhiên bây giờ bỗng quay ra tẩy chay bạn. Năm ngoái, cậu con trai bạn rất biết vâng lời bố mẹ, năm lại lại dở dở ương ương khiến bạn rối trí vô cùng.

Những biểu hiện đó chứng tỏ con bạn đang bước sang một giai đoạn mới trong phát triển tâm sinh lý và bạn cũng nên hiểu rằng thời gian này con hơi bị “khùng”, đã đến lúc phải thay đổi cách nuôi dạy chúng.

Trang bị thêm kiến thức

Vì con, bạn từng đọc không biết bao nhiêu truyện cổ tích, truyện thiếu nhi, các loại sách báo nuôi dạy trẻ. Nếu vậy, đến giờ hẳn không quá khó để đọc thêm các loại sách nói về sự phát triển của lứa tuổi teen. Các kiến thức thu được sẽ giúp bạn hiểu thêm về thế giới hiện tại của con.

Đừng quá lo lắng

Đôi lúc bạn thấy con mình rất “tâm trạng”, hoặc chúng có thể ương bướng, lười biếng, ngủ nhiều, trầm ngâm, ít nói nhưng không sao cả, đó chỉ là những biểu hiện nhất thời mà thôi. Chỉ nên lo lắng khi các biểu hiện đó có xu hướng ngày càng nặng và diễn ra trong một thời gian dài.

Tránh phản ứng thái quá

Lứa tuổi teen, trẻ rất bốc đồng, căng thẳng. Nhiều em còn có những hành động, cách cư xử quá lố. Chúng muốn chứng tỏ mình là một người độc lập, có lập trường kiên định, vì thế bạn không nên phản ứng gay gắt trước những biểu hiện đó. Ở độ tuổi này, trẻ dễ phản kháng và tỏ ra thách thức, thường tranh luận về những điều chúng cho rằng thật thiếu công bằng. Đừng lo, trong vài năm nữa, chúng sẽ trở lại là chính mình. Khi ấy trẻ đã trưởng thành và hiểu biết hơn về mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Trao quyền

Bất cứ khi nào thích hợp, hãy hỏi ý kiến con về một vấn đề nào đó, rồi cùng nhau thảo luận để con thấy chúng cũng có quyền tự do quyết định vài chuyện, ví dụ: “Nếu đi chơi quá giờ giới nghiêm thì nên xử lý thế nào?” hoặc “Lơ là học hành sẽ nhận hậu quả ra sao?”...

Linh động

Bạn không muốn cãi với con những chuyện nhỏ nhặt, vậy cách tốt nhất là liệt kê ra cho chúng danh sách các vấn đề thuộc hàng nghiêm túc, không thể thay đổi được. Những chuyện khác nên bỏ qua.

Ví dụ, chuyện học hành, tuân thủ giờ “giới nghiêm” trong gia đình là điều bất di bất dịch, còn việc dọn dẹp phòng riêng, vệ sinh cá nhân hay cách ăn mặc có chút dị hợm vẫn có thể du di cho con. Chỉ can thiệp khi thấy điều đó quá lố, không thể chấp nhận được.

Kỹ năng giao tiếp

Mỗi khi con muốn nói chuyện, bạn nên tạm gác mọi công việc khác của mình lại. Nên chú trọng đến giao tiếp bằng mắt, cách này cho thấy bạn thực sự quan tâm đến những gì chúng đang thổ lộ. Chứng tỏ cho con thấy, mình rất hứng thú với câu chuyện mà con trình bày. Chớ nên bắt đầu câu chuyện bằng những lời chỉ trích. Thậm chí nếu bị con chỉ trích, bạn cũng đừng nóng mặt. Hãy bình tĩnh hỏi lại con rằng: “Điều gì khiến con nói ra như thế?”.

Khi cần nói chuyện với con, tốt nhất bạn hãy lựa thời điểm thích hợp và hãy thật bình tĩnh. Hạ thấp giọng, ôn tồn, tình cảm, hoặc bỏ đi, để lúc khác nói tiếp nếu thấy câu chuyện có chiều hướng xấu đi hoặc quá căng thẳng.

Kiên trì

Nuôi dạy con ở độ tuổi này rất cần lòng kiên trì. Hãy cho con thấy bạn quan tâm và luôn ở cạnh để giúp đỡ con. Nhớ rằng chẳng bao lâu nữa, con bạn sẽ bước qua giai đoạn dở hơi và vào tuổi trưởng thành, mọi thứ sẽ khác.

Phi Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.