S5 Crew vẽ... ra tiền!

13/10/2007 19:47 GMT+7

Vẽ Graffiti ở Việt Nam không mới và dân chơi trò này cũng không phải ít, nhưng để thuyết phục mọi người coi nó là một nghề và kiếm sống được như nhóm S5 Crew thì quả là hiếm hoi...

Từ “ngứa tay”...

Cơn lốc Graffiti mới mẻ và hấp dẫn giới trẻ, nhất là “dân” mỹ thuật, kiến trúc ngay từ khi nó tràn vào Việt Nam. Và chỉ trong một thời gian ngắn, trên đường phố Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện những hình vẽ 3D sống động và độc đáo, cộng đồng người vẽ và mê Graffiti cũng tăng lên nhanh chóng. Một vài người trẻ cùng chung một đam mê đã tụ họp để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, S5 Crew ra đời trong trào lưu đó.

S5 Crew gồm 4 chàng trai trẻ tuổi (Sơn–Shadows; Duy–Zuiboy, Bach’–Label và Phương–PJ) có chung một năng khiếu hội họa và cùng chung ước mơ trở thành họa sĩ từ khi còn cắp sách đến trường. Sau khi tham gia giải thi vẽ Graffiti đầu tiên ở Việt Nam do Yamaha tổ chức vào năm 2005 và giành được giải thưởng quan trọng, những chàng trai ghiền loại hình vẽ này đã gặp và quyết định “sống chung” với nhau trong một nhóm mang tên S5 Crew do Sơn - Shadows làm trưởng nhóm. “Lần đấy chúng mình rủ nhau đi thi tập thể và được giải nhất toàn đoàn. Ngoài ra mình còn được giải nhất cá nhân và Phương giải ba, sau đấy mình gọi mọi người lại và thống nhất lập nhóm cũng chỉ nghĩ là để cùng nhau sáng tác cho vui”, Sơn kể lại.

Đối với những người ngoài cuộc, Graffiti có thể chỉ là một trào lưu mang tính giải trí, nhưng đối với dân kiến trúc, mỹ thuật, thì chỉ có những người “chắc tay” trong hội họa mới có thể theo đuổi được loại hình nghệ thuật độc đáo này. Để khẳng định được vị trí của mình trong giới vẽ Graffiti, nhóm S5 Crew đã không ngần ngại dành hết thời gian rảnh của mình để hoàn thiện từng nét bút, đồng thời tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế trong những lần giao lưu, gặp gỡ.

Những ngày đầu lập nhóm, 4 chàng trai ngày nào cũng rủ nhau mang bột màu đi rong ruổi các phố để vẽ, cứ thấy bất kỳ bức tường nào trắng trơn là họ lại “ngứa tay” rủ nhau sáng tác, thế nên mới có chuyện Sơn bị công an sờ gáy khi đang mải mê phóng bút trên bức tường ở khu phố Trần Khánh Dư vốn không được phép “vẽ bậy”! Rồi cả chuyện Duy - thành viên trong nhóm đem chính tường nhà mình ra để “thử nghiệm”, và kết quả là nếu bước chân vào nhà Duy, ai cũng tưởng mình đang lạc vào một triển lãm tranh... trừu tượng. “Phải nói là Graffiti như có ma men, càng vẽ càng thấy say, tụi em đứa nào cũng tranh thủ vẽ mọi lúc mọi nơi, dù để cho ra một bức hình cũng khá tốn kém” - Duy tâm sự.

...đến dân chuyên nghiệp

Một bức Graffiti ra đời ngốn khá nhiều thời gian và tiền bạc. Vấn đề đau đầu nhất của cả nhóm là làm sao có kinh phí phục vụ cho đam mê của mình. Nhờ những mối quan hệ sẵn có, S5 Crew đã tự PR cho tay nghề của mình bằng cách đăng tin trên một vài tờ báo và trong các diễn đàn trực tuyến. “Chúng mình nghĩ đó cũng là một cách chứng minh khả năng của mình, và quan trọng là “ra tiền” để nuôi sống đam mê” - Duy tâm sự.

Nhóm S5 Crew

Bắt đầu bằng những “hợp đồng” nhỏ của các sinh viên yêu cầu trang trí trên giày dép, rồi xe máy, laptop... Dần dần xuất hiện những hợp đồng lớn hơn, như: trang trí các quán bar, cafe, shop quần áo và đặc biệt là các nhà hàng nước ngoài. “Mới đầu nhận những hợp đồng lớn, bọn mình cũng hơi run, vì họ yêu cầu khắt khe, lại trong thời gian ngắn. Nhưng tụi mình cũng rất tự tin với tay nghề. Hơn nữa, đây cũng là cách để tên tuổi được ghi nhận, nên chúng mình đã không bỏ lỡ cơ hội”, Sơn - trưởng nhóm vui vẻ nói.

Quả thật, nhờ những hợp đồng đó mà cả nhóm hết cảnh “nặn đầu bóp trán” mỗi khi hết nguyên liệu để sáng tác. Họ đã cầm trên tay những hợp đồng độc quyền của các nhà hàng nước ngoài có tiếng như BBQ Hàn Quốc hay chuỗi những shop thời trang trong nước. Cảnh vẽ vụng trộm trên những bức tường ngoài đường phố những lúc “bí” không gian thực hành không còn tái diễn nữa vì giờ đây họ đã có những khoảng riêng để phóng tác, lịch sự hơn, ít “đường phố” hơn. Điều quan trọng là nhóm đã tiên phong cho việc đưa Graffiti tiến gần đến đời sống và biến nó thành một nghề lao động chân chính. Tôi hỏi: “Các cậu đã hài lòng với những gì nhóm đã đạt được chưa?”. 4 chàng trai đều chung một ước mong: “Tụi mình muốn được trổ tài với bạn bè nước ngoài trong một cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế”.

Với những chàng trai ưa học hỏi này, sẽ chẳng có gì là “không thể” một khi đã thực sự say mê... 

P.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.