Lộng kiếng...

09/12/2009 14:41 GMT+7

(TNTS) Anh là một thanh niên bình thường như bao nhiêu trai làng khác. Bỗng nhiên có một ngày, như người ăn nhầm bột nở phình ra, anh không ăn nhầm bột nở mà ăn trúng cây thuốc đồ rê mi pha son la si đô chi đó kích thích trúng vào thần kinh âm nhoạc (nhạc), thế là anh sáng tác bài hát. Cứ cầm một bài thơ nào đó là anh hát lên thành... bài hát. Người ta ứng khẩu thành thơ, anh thì mở lời thành nhạc. Cả làng xôn xao, các cụ bảo anh là thần đồng phát muộn của làng.

Tin đến tai ông giám đốc ngành điện đam mê văn nghệ, anh được tuyển vào làm công nhân, từ đó biên chế vào đội văn nghệ. Ông giám đốc đích thân phát động một cuộc thi thơ trong toàn ngành, ai có thơ gửi về, đưa cho anh, anh cầm, hát lên thành ca khúc, lúc anh hát đã có người ghi âm rồi mang băng thuê một nhạc sĩ ký âm lại. Trong một năm anh sáng tác 90 bài hát, đó chẳng qua là vì ngành hết thơ chứ nhạc anh thì vô thiên lủng.

Tiếng lành đồn xa, anh được ngành văn hóa thông tin thành phố đưa về làm cán bộ phong trào rồi cho đi đào tạo nguồn lực văn nghệ. Anh học nhanh, 2 năm trung cấp văn hóa nghệ thuật xong thì ký âm được, từ đó người ta gọi anh là nhạc sĩ.

Ông giám đốc sở anh là một người đam mê thơ hơn vợ, ông phát biểu xong, đọc thơ, đọc diễn văn xong, đọc mấy câu thơ gọi là chốt lại... Và như mọi người biết, tất cả thơ ông biến thành lời bài hát và phần nhạc là của anh.

Hội diễn nào của ngành đội nào không hát bài anh phổ thơ giám đốc thì coi như cầm chắc thất bại.

Mỗi sáng, người ta lại thấy anh ngồi trước cổng nhà giám đốc chờ. Khi thấy giám đốc mở cửa, liền chạy lại, anh ơi, đêm qua anh làm xong bài thơ nào chưa đưa em phổ nhạc. Ông giám đốc rút trong túi ra tờ giấy, anh cầm và hát lên, thêm một ca khúc!

Một năm 365 ngày, ngày nào ông giám đốc cũng có một bài thơ chí ít 4 câu, tất nhiên bài thơ thành lời một bài hát, vị chi trong năm có 365 bài hát, một khối lượng khổng lồ, đến máy tính lập phần mềm sáng tác e cũng không theo nổi.

Anh được cất nhắc lên làm trưởng đoàn văn công, sau đổi lại thành đoàn ca nhạc Sông Xanh. Đoàn chuyên biểu diễn phục vụ các hội nghị cấp thành phố.

Không may cho anh, ông giám đốc đến tuổi về hưu, thế là từ nay đứt mạch cảm hứng.

Nhìn đi nhìn lại, cán bộ sở không còn ai làm thơ, anh nhắm cán bộ tỉnh, cũng không có ai làm thơ. Kiểu ni gay, đoàn không có kinh phí hoạt động, anh em đói meo.

Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định tìm hiểu xem nên đi tiếp hướng nào.

Từ đó, ngày nào anh cũng đến sân tennis, nơi có ông lãnh đạo đầu thành luyện tập thể thao. Không chỉ đi mình anh mà đi cùng cô vợ trẻ là ca sĩ chính của đoàn. Hai vợ chồng chuẩn bị một xấp khăn bông trắng tinh, thơm nức, chính hãng. Cứ mỗi lần ông đầu thành nghỉ giải lao, anh cầm cái khăn lao đến, chìa ra trước mặt. Lâu quen dần, người ta nghiễm nhiên coi anh là đệ ruột của ông đầu thành. Lâu hơn nữa, quen rồi, anh khỏi phải mang khăn mà vợ anh mang đến, người ta cũng quen luôn...

Nhưng mang khăn mãi cũng không thành nhạc. Anh bứt rứt lắm.

Một hôm anh xem ti vi, thấy ông đầu thành đi xem phòng tranh, nhận xét tranh này tranh khác, anh à lên một tiếng, vỗ đùi đánh đét... Đoạn tự đi mua màu, penxô, giấy về vẽ...

Cuối cùng thì bức tranh cũng hoàn thành, anh cuộn lại, mang đến sân tennis ngồi chờ.

Hôm đó may quá, ông đầu thành lên huyết áp không chơi được đành ngồi xem, anh lân la đến gần chìa bức tranh ra, thưa anh, biết anh đam mê hội họa, em vẽ bức tranh này tặng anh... Ông đầu thành ngó qua rồi nói, để đó, ta mang về lộng kiếng. Anh mừng rơn. Vậy là cuối cùng, anh cũng đã làm được!

Đêm về nghĩ lại, anh mới ớ ra, chết mẹ, tiếng địa phương lộng có nghĩa là lồng, nhưng ghép hai từ lộng kiếng lại rồi nói lái theo kiểu địa phương thành ra... liệng cống! Tranh mình tặng mà ông ta liệng xuống cống thì còn ma chi nữa. Anh hốt hoảng.

Từ đó, không thấy anh, chỉ thấy vợ cầm khăn ngồi chờ ở sân tennis.

Nhưng anh là con người biết vượt lên số phận, từ trai làng đã phấn đấu thành nhạc sĩ thì không lý gì để tài năng ấy lụi tàn. May thay, thời buổi kinh tế mở ra, ngành ngành phát triển, nhiều công ty, chi nhánh ra đời, lễ khai trương ngày nào cũng có... Thế là anh kết hợp với một nhà thơ vườn đi “đánh”, đại để là đi tổ chức văn nghệ khai trương các cửa hàng cửa hiệu. Anh nhà thơ vườn làm thơ, anh phổ nhạc, thâu âm và phát lên...

Hôm thì, Mobil là Mobilfone/phát sóng không lẫn tiếng ồn vào trong... Hôm thì, Vietel, Viettẻl, Viettèl/Cầm máy là nói một lèo đã luôn... Hôm thì, Inova ta ta ta ta/ Inova ta tat a ta/ Xe chạy đường xa ta ta ta ta/Không thể bỏ qua ta ta ta ta...

Tất nhiên, anh không tham một mình, mà mang theo cả đoàn hát nhép theo, rồi có người múa phụ họa, dù sân khấu là một đoạn lấn ra vỉa hè...

Đoàn làm ăn khấm khá.

Cho đến một hôm, mới đây, anh nhận show văn nghệ khởi công xây dựng tòa tháp đôi trung tâm thành phố, bài hát chủ đạo hôm ấy được người dẫn chương trình giới thiệu có tên Sóng đôi tình yêu, trình bày toàn đoàn (tức là toàn bộ đoàn ca nhạc):

Tèng/tèng tèng tèng tèng/ Tèng/ tèng tèng tèng tèng... Tháp đôi không đứng một mình/Không đứng một mình nên gọi là đôi/Tình yêu, tình yêu không thể một mình/Không thể một mình nên gọi là đôi... Tình yêu thì phải sóng đôi/Tháp đôi thì phải đứng ngồi bên nhau... Tèng/tèng tèng tèng tèng...

Thấy ông đầu thành đi vào, anh hớn hở chạy đến, anh, anh nghe bài hát được không ạ. Ông đầu thành lắng nghe một lúc, hết đoạn tèng tèng, nói: “Đám tang thì mời phường bát âm, nay khai trương họ mời làm bài hát. Nhất hài đã vui huống chi đây là bài hát!”.

Anh nghe khen sướng quá, túm lấy tay ông đầu thành rảy rảy, đang rảy, tự nhiên anh rụt lại như thể phải bỏng, nghĩ chuyện cái tranh lộng kiếng (liệng cống), anh nghĩ đến từ bài hát nói lái lại thành bát hài. Rứa là ổng bảo, nhất hài đã vui huống chi bát hài. Anh lẩm nhẩm, thâm thâm, lãnh đạo ni thâm thiệt!

Ba tuần nay không thấy đoàn Sông Xanh ở các điểm khai trương, khởi công nữa, định bụng hỏi xem họ đi đâu mà chưa rảnh để hỏi.

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.