Mặc tã lâu, bé sốt cao

31/12/2008 09:38 GMT+7

Em P.Y., 12 tháng tuổi, nhà ở TP Mỹ Tho, Tiền Giang, vào viện trong tình trạng sốt cao, bỏ bú. Bác sĩ khám thấy vùng da âm hộ và hai bên đùi viêm đỏ, có mủ. Em được chẩn đoán viêm da mủ vùng âm hộ, bác sĩ cho chích kháng sinh liều cao, chăm sóc vết thương bằng nước muối ấm. Sau một tuần điều trị em khỏe dần, vùng viêm khô, kéo da non.

Đây là một trường hợp viêm da vùng âm hộ lan rộng do mặc tã. Mẹ cháu kể mấy đêm liền đêm nào bé cũng mặc tã từ tối đến sáng mới thay, mấy ngày qua tự nhiên vùng này đỏ lên, có mủ.

Trẻ em đi tiêu tiểu rất nhiều lần trong ngày không báo trước khiến các bà mẹ rất lúng túng và giải quyết bằng cách... mua tã về mặc cho trẻ, vừa sạch sẽ, vừa kín đáo, khỏi mất công vệ sinh sau mỗi lần bé đi tiêu tiểu! Theo nguyên tắc, khi trẻ tiêu tiểu phải thay tã ngay rồi vệ sinh sạch sẽ cho dù đó là tã lót... siêu thấm. Nhưng thực tế người chăm sóc thường không phát hiện sớm, do khi đã quấn tã rất khó phát hiện trẻ đang tè hay ị, khi nghe có mùi mới mở tã ra kiểm tra thì... việc đã rồi từ lâu!

Hậu quả là chất thải sẽ kích thích vùng da vốn rất non yếu, cấu trúc mỏng manh của bé khiến da bé bị phản ứng, viêm đỏ, rịn nước, đau rát; bé khó chịu, bứt rứt, quấy khóc, nhất là khi tiêu tiểu. Rồi việc nhiễm thêm vi trùng cơ hội sẽ làm vùng da này hóa mủ, ngày càng lan rộng, bé sốt cao, lừ đừ, bỏ bú. Ngoài biến chứng hăm do mặc tã không được kiểm soát, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp như xà bông quá kiềm, dầu bôi chưa được các cơ quan hữu quan kiểm chứng mức độ an toàn, khăn, vải quá cứng, thô ráp cũng dễ làm da của bé bị tổn thương.

Đề phòng viêm nhiễm vùng hậu môn, sinh dục ở trẻ em, người chăm sóc cần giữ vệ sinh cho bé cẩn thận hằng ngày. Mỗi lần đi tiêu tiểu phải thay tã lót ngay, đừng để phân, nước tiểu dính vào da quá lâu. Trước và sau khi chăm sóc bé, người chăm sóc rửa tay bằng xà bông, móng tay được cắt ngắn...

Theo BS Nguyễn Thành Úc / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.