Tự vệ biển

31/10/2009 00:35 GMT+7

Luật Dân quân tự vệ đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận. Trong đó, vị trí của dân quân tự vệ biển cần được đặc biệt quan tâm như ý kiến của một số đại biểu khi thảo luận vấn đề này. Điều này thu hút sự chú ý của dư luận là bởi thời gian gần đây đã có nhiều diễn biến phức tạp trên biển Đông.

Những tai ương không phải từ trời liên tục giáng xuống đầu ngư dân miền Trung trong thời gian gần đây đã nói lên sự cần thiết và hết sức bức xúc về một chỗ dựa tin cậy cho họ ngay trên vùng lãnh hải của Tổ quốc mình. Lâu nay, ngư dân Việt Nam mỗi khi gặp nạn chỉ biết kêu cứu vào đất liền, song không thể nào lực lượng hải quân có thể "bao sân" cùng lúc hàng chục vạn cây số vuông với hàng chục ngàn tàu thuyền hoạt động trên biển được. Giải quyết những vướng mắc "cấp tính" cho ngư dân mỗi khi gặp sự cố ngoài thiên tai chỉ có thể là lực lượng tại chỗ mà thôi.

Nói như thế không có nghĩa rằng lâu nay ngư dân chúng ta chỉ biết mạnh ai nấy làm mà đã từ lâu, việc giúp nhau trên biển mỗi khi gặp hoạn nạn đã thành truyền thống. Tuy nhiên, việc giúp nhau này cũng chỉ diễn ra mỗi khi gặp thiên tai trên biển, còn gặp "nhân tai" thì đành chịu. Một khi hình thành được lực lượng dân quân tự vệ biển thì mối lo của ngư dân sẽ giảm đáng kể.

Trong chiến tranh, lực lượng dân quân đã đóng góp một phần đáng kể vào chiến thắng chung của dân tộc. Đây là lực lượng cơ động nhất, đáp ứng được những nhu cầu hết sức cụ thể mà cuộc sống đặt ra hằng ngày, song lại không quá cồng kềnh như lực lượng vũ trang chuyên nghiệp. Bản thân từ "dân quân" đã nói lên tính chất của lực lượng này. Vì vậy, nên chăng việc áp dụng mô hình "cơ động" ấy vào việc hình thành lực lượng dân quân tự vệ biển trong giai đoạn hiện nay?

Một số giải pháp được nêu ra trong thời gian gần đây như hình thành "tổ, đoàn, đội" để ngư dân hỗ trợ nhau khi gặp nạn. Tuy nhiên, họ chỉ giúp nhau khi gặp thiên tai hoặc gặp rủi ro trong quá trình hành nghề trên biển, chứ không thể giúp được gì mỗi khi tàu của đồng nghiệp mình bị cướp bóc, ngư dân mình bị đánh đập cả. Khi trong tay của ngư dân không gì ngoài những tấm lưới đánh cá mà lại phải đương đầu với súng đạn và dã tâm thì việc bảo vệ chủ quyền và phương kế sinh nhai luôn như đèn trước bão.

Biển Đông vừa là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời là "nồi cơm hũ mắm" của hàng chục triệu người Việt Nam. Không thể nói phát triển kinh tế biển mà không tạo chỗ dựa tin cậy cho ngư dân. Chỗ dựa ấy quan trọng nhất là từ chính họ, với điều kiện ngư dân phải được trang bị những phương tiện cần thiết để tự vệ.

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.