TP Nha Trang, Khánh Hòa: Một bản án nhiều uẩn khúc

11/11/2005 21:42 GMT+7

Ngày 1/9/2005, TAND TP Nha Trang mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án "cố ý gây thương tích" đối với bị cáo Nguyễn Đăng Khoa gây nên cái chết cho anh Nguyễn Lôi Phong đã tuyên Nguyễn Đăng Khoa mức án 5 năm 6 tháng tù giam. Chung quanh bản án này, dư luận cho rằng tòa đã để lọt người, lọt tội.

Anh Nguyễn Lôi Phong (134 Cù Lao Thượng, P.Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) có quen biết cô Nguyễn Thị Chiêu An. An sống cùng cậu là Nguyễn Bá Tùng ở địa chỉ 74/28 Trần Phú, P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Vì không đồng ý cho Phong quen biết với cháu mình và có sự tức giận gia đình Phong nên vào khoảng 20 giờ ngày 26/1/2005, Nguyễn Bá Tùng cùng cô Nguyễn Thị Chiêu An đến quán cà phê Hoa Tulip (112 Hồng Bàng, TP Nha Trang) để gặp Phong. Vì cả Tùng và Phong lời qua tiếng lại rất căng thẳng, cuộc nói chuyện kết thúc không êm đẹp nên cả ba cùng ra về. Trên đường ra bãi lấy xe để về nhà thì Phong bị đánh, sau đó bị ói mửa, gia đình đưa đi cấp cứu lúc 22 giờ cùng ngày. Sau đó, Phong được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị tiếp. Đến ngày 3/2/2005 thì Phong chết với nguyên nhân trực tiếp là chấn thương sọ não.

Vấn đề mà dư luận quan tâm, bức xúc là tại sao anh Nguyễn Lôi Phong sau khi bị đánh đã gặp và kể cùng hai người bạn là Lê Văn Phước và Trần Thị Thụy Vi ngay tại quán Hoa Tulip rằng anh bị "đánh hội đồng" nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với duy nhất bị cáo Nguyễn Đăng Khoa (cháu gọi Nguyễn Bá Tùng bằng chú, anh em họ với Nguyễn Thị Chiêu An)? Liệu cơ quan tiến hành tố tụng có để lọt người, lọt tội và đặc biệt là sao không truy cứu trách nhiệm của Nguyễn Bá Tùng? Những nghi vấn ấy xuất phát từ những yếu tố sau:

Tất cả lời khai Nguyễn Đăng Khoa đều khẳng định bị cáo chỉ đánh Phong có 2 cái bằng tay, cái thứ nhất không trúng, cái sau do Phong né tránh nên trúng vào đâu Khoa không biết. Tuy vậy, tại biên bản khám nghiệm tử thi ngày 4/2/2005 và Bản giám định pháp y ngày 22/2/2005 cho thấy nạn nhân bị nhiều vết thương như: Vùng đỉnh đầu bị bầm tụ máu dưới da, kích thước 9 x 6 cm; vùng thái dương trái bầm tụ máu kích thước 8x7 cm; não vùng thái dương trái bị dập, đường kính 5 cm, não phù xung huyết; màng não chảy máu màng mềm lan tỏa; vai trái có vết bầm tụ máu đường kính 1,5cm; ngực phải bầm tụ máu kích thước 8 x 7 cm; ngực trái bầm tụ máu kích thước 4 x 7 cm; bẹn phải bầm tụ máu kích thước 3 x 5 cm; cổ - mu tay phải bầm tụ máu kích thước 10 x 5 cm (màu xanh vàng); niêm mạc môi trên và dưới bầm tụ máu; vỡ xương thái dương trái (BL15). Bên cạnh đó, tại các bản ảnh A8, A17, A18 cho thấy các vết thương rất nặng, tổn thương lớn, diện rộng. Như vậy, với cái nhìn rất bình thường mà xét thì nếu chỉ có một người, với sức mạnh của đôi tay và chỉ đánh có 2 cái (trong đó 1 cái bị trật) mà gây nên nhiều vết thương như thế thì chắc chắn không ai có thể tin và có thể khẳng định anh Phong bị nhiều người đánh và phải có hung khí là vật cứng (như gậy gộc...) Rất tiếc cơ quan tố tụng đã để "lọt" chi tiết rất dễ thấy này.

Vấn đề tiếp theo phải nói đến là vai trò của Nguyễn Bá Tùng. Tại bút lục 91, 93, 95, 96, Lê Văn Phước và Trần Thị Thụy Vi là 2 nhân chứng trực tiếp trao đổi với Phong ngay sau khi Phong bị đánh. Họ đã nghe anh Phong đã kể lại rằng: Nguyễn Bá Tùng kêu người đánh Phong. Tùng bố trí đàn em ngồi sẵn khoảng 15 người đồng thời Tùng gọi người cháu tên Khoa bảo rằng đứng đợi sẵn bên ngoài, nếu Tùng gọi thì xông vào. Hay như việc khi Phong và An đi ra khỏi quán thì Tùng chụp vai Phong và dùng cùi chỏ đánh vào vùng mặt, đầu (bên trái) và Phong có hỏi Tùng "cái gì đây?" thì Tùng trả lời "tao đánh để cảnh cáo mày...". Tại bút lục 59, 65, cô Nguyễn Thị Chiêu An khai rằng: "Tùng có gọi điện cho Khoa bảo đến quán cà phê, Khoa không vào mà đứng bên ngoài" hay như: "Khi Khoa đánh anh Phong, tôi chạy đến để ngăn nhưng cậu (tức Tùng) và gia đình không cho, đưa tôi lên xe chở về nhà".

Thêm vào những nghi vấn Nguyễn Bá Tùng tổ chức đánh anh Phong là những lời khai mâu thuẫn nhưng thể hiện khá rõ nghi vấn trên tại các bút lục 48, 54b của Nguyễn Bá Tùng; bút lục 69, 75, 68, 69, 76 của Nguyễn Thị Thanh Huyền (nhân viên làm việc trong tiệm ảnh của Nguyễn Bá Tùng); Bút lục 51, 60, 30, 27, 29, 33, 37, 38, 39, của Nguyễn Thị Chiêu An và Nguyễn Đăng Khoa... Thêm nữa, với cái nhìn rất bình thường mà xét thì Nguyễn Đăng Khoa vốn không hề có mâu thuẫn gì với Nguyễn Lôi Phong, do đó, không có động cơ gì để Khoa đánh Phong nếu như không có tác động từ một ai đó và ở đây,  người ấy chính là chú của Khoa là Nguyễn Bá Tùng.

Ông Nguyễn Bạch Ngọc - cha của nạn nhân Nguyễn Lôi Phong bức xúc: "Dù thế nào đi nữa, tôi cũng luôn tin rằng luật pháp của chúng ta có sự công bằng, không thể để người có tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và người khác chịu thay. Rất mong các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra xét xử lại từ đầu cho đến nơi đến chốn sự việc, đúng người đúng tội, không để tồn tại những uẩn khúc hay tiêu cực trong vụ án này".

Được biết, sắp đến Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ xét xử phúc thẩm vụ án này. Rất mong những nghi vấn, bức xúc nói trên của gia đình người bị hại và những ai quan tâm đến vụ án sẽ được giải tỏa.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.