Xu thế đầu tư năm 2009

30/12/2008 23:34 GMT+7

Dự đoán nền kinh tế trong năm 2009 sẽ khó khăn nhưng mở ra cơ hội cơ cấu lại các nguồn lực phát triển kinh tế. >> Chứng khoán tiếp tục rơi tự do \ Chứng khoán hai sàn tiếp tục giảm \ Chứng khoán tiếp tục giảm điểm

Các kịch bản kinh tế        

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, xuất khẩu sẽ suy giảm vì giá giảm, đầu tư nước ngoài sẽ hạn chế. Tuy nhiên cùng với giá nguyên vật liệu và xăng dầu giảm sẽ tạo cơ hội sản xuất hàng hóa giá thấp. Nhà nước nên dành nhiều nguồn lực phát triển tiêu dùng nội địa và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, là động lực quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua những khó khăn lớn hiện nay.

Nếu Chính phủ đi theo hướng này là cơ hội lớn giúp GDP tăng trưởng bền  vững theo hướng sản xuất - tiêu dùng - dịch vụ, giảm GDP từ đầu tư quá mức vào các dự án lớn của DN nhà nước và lĩnh vực bất động sản (BĐS). Qua đó khó khăn từ nợ xấu BĐS cũng từng bước giảm. Còn nếu nguồn tín dụng đổ mạnh vào BĐS để giúp tan băng, kích giá tăng và tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án lớn thì nguy cơ lạm phát và khủng hoảng là rất lớn.

 Do vậy tình hình kinh tế Việt Nam năm 2009 phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố sau: các chính sách của Chính phủ về tiền tệ - đầu tư, nỗ lực của các công ty và mức độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Kịch bản 1 có xác suất cao: Kinh tế Mỹ có những bước hồi phục từ quý 2/2009; chính sách tiền tệ - đầu tư của Chính phủ theo hướng nới rộng việc cung tiền có kiểm soát, đầu tư vào hạ tầng; các DN chủ động tiết kiệm chi phí, đầu tư phát triển sản phẩm - kinh doanh. Với các yếu tố đồng bộ này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có khó khăn vào các tháng đầu năm 2009, mức độ tăng trưởng phục hồi dần dần và đạt sự khởi sắc tốt vào cuối quý 3/2009.

 Kịch bản 2 có xác suất thấp: Kinh tế Mỹ hồi phục chậm đến hết năm 2009; chính sách tiền tệ - đầu tư của Chính phủ theo hướng nới rộng việc cung tiền vào những lĩnh vực kích cung đầu tư trong đó có các DN Nhà nước và BĐS; các DN lớn tìm cách thu hút vốn cổ đông và kích giá cổ phiếu.  Với các yếu tố này nền kinh tế Việt Nam có thể có một đợt tăng trong cuối quý 1/2009 nhưng sau đó bị suy giảm mạnh, lạm phát tăng và khó khăn đến hết năm 2009.

Cơ hội đầu tư bất động sản

Theo kịch bản 1 của nền kinh tế 2009: Với áp lực lãi vay và nợ vay, nhiều nhà đầu tư phải bán giảm giá tương đương mức năm 2006 để trả nợ ngân hàng. Các công ty đầu tư BĐS cũng sẽ phải chuyển nhượng dự án để giảm gánh nặng tài chính. Sự suy thoái này có thể tạo một làn sóng giảm giá mạnh trong quý 1 - 2/2009, đây sẽ là cơ hội cho những tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân mua lại để tìm kiếm lợi nhuận cao vào năm 2011 - 2012. 

Theo kịch bản 2 của nền kinh tế 2009: Thị trường BĐS sẽ có sự hồi phục ngắn hạn vào cuối quý 1 và quý 2/2009. Tuy nhiên sau đó sẽ xuất hiện đợt suy giảm mới vì chủ yếu vẫn là sự tham gia của những nhà đầu tư lướt sóng. Đặc biệt, nhiều công ty đầu tư BĐS và nhà đầu tư lớn đang kỳ vọng một sự hồi phục trong ngắn hạn để bán hàng giải quyết các khoản nợ đầu tư. Điều này có thể gây thua lỗ cho những nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trong giai đoạn này.

Thị trường chứng khoán thì sao?

Trong các tháng đầu năm 2009, tình hình TTCK được dự đoán không khởi sắc so với cuối năm 2008 do nguồn cung vẫn tăng, nguồn cầu còn hạn chế. Tuy nhiên trong giai đoạn này, cùng với giá chứng khoán đã giảm khá sâu trong thời gian dài, các công ty dần vượt qua khó khăn và từng bước đạt lợi nhuận khả quan sẽ là cơ sở cho TTCK bắt đầu phục hồi vào quý 3/2009.

Trong năm 2009 có thể có hai kịch bản xảy ra: Nếu nền kinh tế Mỹ và thế giới ổn định nhanh và bắt đầu phát triển vào quý 1 - 2/2009, có khả năng vốn đầu tư nước ngoài sẽ  vào Việt Nam trong quý 3 - 4/2009. Với nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài, TTCK sẽ có đợt phát triển khá mạnh vào đầu quý 4/2009 và có thể vượt mức 400 điểm vào cuối năm 2009. Nếu nền kinh tế Mỹ và thế giới ổn định chậm, cần hết năm 2009, thì vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) sẽ vào Việt Nam không mạnh. Trong trường hợp này, TTCK chỉ có thể tăng nhẹ trong khoảng 350 điểm  vào cuối năm 2009.

Nhận định cơ hội: khi TTCK giảm đến 300 điểm cuối năm 2008 là cơ hội mua vào những cổ phiếu tốt (có thương hiệu, ngành triển vọng, lợi nhuận ổn định và giá thấp) sẽ đạt khả năng sinh lời trong khoảng 25% - 50% trong khoảng thời gian nắm giữ từ 6 tháng - 1 năm. Trong quan điểm mới về lợi nhuận và rủi ro của nền kinh tế Việt Nam (nền kinh tế mới nổi) trong bối cảnh suy thoái toàn cầu thì với P/E tiền gửi NH dự kiến khoảng 11,76 – 12,5 (lãi suất 8% - 8,5%/năm) thì chỉ nên chọn những công ty có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, doanh thu ổn định và có P/E dự kiến (*) trong khoảng 10 - 12.

Đinh Thế Hiển

 *P/E dự kiến cần được phân tích trên lợi nhuận bình quân từ ngành kinh doanh chính loại bỏ những lợi nhuận bất thường. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.