Cuộc chiến giữa báo chí Anh và Rupert Murdoch

26/10/2010 22:41 GMT+7

Thời gian gần đây báo chí Anh và Mỹ đã tốn nhiều giấy mực để cảnh báo về “quyền lực đen” của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch.

News International là chi nhánh của News Corp. tại Anh, Tập đoàn truyền thông khổng lồ gắn liền với tên tuổi Rupert Murdoch. Với The Times, Sunday Times, News of the World, The Sun và nhà xuất bản Harper & Collins, News International chiếm 37% thị phần truyền thông Anh. Hồi tháng 6, ông Murdoch ngỏ ý muốn mua thêm 61% cổ phần của Tập đoàn truyền hình British Sky Broadcasting (BSkyB) với giá 7,8 tỉ bảng. Nếu thành công, với 39% cổ phần sẵn có, “ông trùm truyền thông” người Mỹ sẽ sở hữu hoàn toàn BSkyB. Tham vọng này khiến báo chí Anh “lên ruột”.

Ngày 12.10, nhiều tên tuổi lớn như Guardian, Daily Telegraph, Daily Mirror, Daily Mail, đài BBC, đài Channel 4, cùng gửi thư lên Bộ trưởng Kinh tế Vincent Cable yêu cầu ông ngăn chặn ý định “thôn tính” BSkyB của Rupert Murdoch. Tờ The Observer nhận định: “Murdoch là người Mỹ và có vẻ chẳng hề lo đến chuyện đa dạng thông tin tại Anh sẽ bị đe dọa. Ông ta chỉ quan tâm đến việc làm sao bành trướng đế chế của mình và lợi nhuận tiếp tục đổ vào két sắt của News Corp.”.

Nghe lén điện thoại

Tập đoàn News Corp. của "đại gia" 79 tuổi Rupert Murdoch còn sở hữu hàng loạt báo, đài ở nhiều nước. Nổi bật có Wall Street Journal, New York Post, Dow Jones & Company, Fox News, DirectTV ở Mỹ; The Australian, The Daily Telegraph, The Herald Sun ở Úc; tập đoàn truyền hình Star TV ở Hồng Kông... Theo tạp chí Forbes, tính đến tháng 7.2010, ông Murdoch có tài sản trị giá 6,2 tỉ USD, đứng thứ 117 trong số những người giàu nhất thế giới. Ông cũng luôn đứng trong tốp đầu những người quyền lực nhất thế giới trong các cuộc bình chọn.
Trước BSkyB, trong suốt tháng 9, sau khi The New York Times lật lại vụ nghe lén điện thoại của tờ News of the World cách đây 3 năm, hàng loạt tờ báo Anh, Mỹ đã đặt vấn đề về việc khai thác thông tin thiếu minh bạch của các tờ báo thuộc “đế chế” Murdoch. Andy Coulson, Tổng biên tập News of the World khi đó và hiện là Giám đốc truyền thông của Chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng David Cameron là tâm điểm của mọi chỉ trích.

Năm 2007, một phóng viên và một thám tử tư của News of the World bị bắt vì nghe lén điện thoại của một số thành viên Hoàng gia. Vì vụ này, Andy Coulson đã từ chức nhưng luôn khẳng định mình không hề hay biết hành động của cấp dưới. Nhiều chứng cứ được thu thập sau đó cho thấy không chỉ Hoàng gia mà nhiều chính trị gia, ngôi sao trong lĩnh vực thể thao, giải trí có thể cũng từng bị nghe lén điện thoại. Sau bài điều tra hồi đầu tháng 9 của The New York Times, đến lượt tờ Guardian dẫn lời một thành viên ban lãnh đạo News of the World cho biết không những Andy Coulson biết rõ việc nghe lén mà ông còn từng nghe qua các đoạn băng thu lại. Các nhà điều tra đang làm rõ thông tin này của Guardian.

Để đối phó với vụ bê bối, các tờ The New York Times, The Observer, Financial Times... đều cho rằng News International có quan hệ “đặc biệt” với cảnh sát và đổ tiền cho nạn nhân bị nghe lén để họ không kiện ra tòa. Theo Financial Times, ít nhất 2 nhân vật tiếng tăm trong giới thể thao và truyền thông đã chấp nhận sự dàn xếp của News International sau khi nhận một số tiền hậu hĩnh. Cựu Phó thủ tướng Anh John Prescott cũng tỏ ra nghi ngờ việc cảnh sát quyết định ngưng điều tra chỉ sau vài lần nghe tường trình trước tòa.

Lấn sân chính trường

Với đế chế truyền thông hùng mạnh của mình, “ông trùm” Murdoch để lại dấu ấn sâu đậm trên chính trường Anh. Từ 30 năm qua, không có đảng phái nào ở Anh chiến thắng trong những kỳ bầu cử quan trọng mà thiếu sự ủng hộ của Rupert Murdoch. Ngược lại, sự “tấn công” của các tờ báo thuộc News International sẽ khiến chính phủ đương nhiệm khốn đốn. The Observer nhận định những quyết định của ông Murdoch có thể làm thay đổi thói quen đọc, xem, tiêu dùng và thậm chí bỏ phiếu của người Anh. Chính vì vậy, ông và lãnh đạo các tờ báo dưới quyền luôn được các chính trị gia Anh ưu ái đặc biệt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cựu Tổng biên tập Andy Coulson dù vẫn còn rắc rối với vụ nghe lén ở News of the World, vẫn được Thủ tướng David Cameron chọn làm Giám đốc Truyền thông của chính phủ ngay sau khi nhậm chức.

Lance Price, Giám đốc truyền thông dưới thời Thủ tướng Tony Blair nhận xét “Rupert Murdoch như một thành viên chính thức trong nội các của ông Blair” và “thời ấy, không có quyết định nào ở số 10 Phố Downing được đưa ra mà không xét đến phản ứng của 3 nhân vật: Gordon Brown, John Prescott và Rupert Murdoch”.

Rupert Murdoch vẫn tỏ ra ủng hộ những ứng viên theo đường lối hoài nghi sự thống nhất của châu u, theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố và hướng đến nền kinh tế trao đổi tự do. Trong hội nghị thường niên giữa các nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị tại Davos, Thụy Sĩ hồi năm 2007, tỉ phú Mỹ phát biểu về cuộc chiến ở Iraq: “Đơn giản là chúng tôi ủng hộ Tổng thống Bush”. Tờ The Observer dẫn nguồn từ một số cuộc điều tra cho biết ông Murdoch đã 3 lần gặp gỡ Thủ tướng Blair trong vòng 9 ngày trước chiến dịch đánh Iraq năm 2003. Theo ông Lance Price, ông Murdoch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dời... vô thời hạn cuộc trưng cầu dân ý về sử dụng đồng euro tại Anh.

Việc nhiều báo, đài lớn của Anh đồng loạt chống lại ý định mở rộng của News International là một thử thách “liều cao” đối với quyền lực của Rupert Murdoch. Thắng bại chưa rõ, nhưng chắc chắn đây sẽ là cuộc đối đầu đáng chú ý trong lịch sử báo chí thế giới.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.