Những nỗi lo trước mùa kinh doanh cuối năm

13/09/2005 11:28 GMT+7

Tháng 9 luôn được các nhà kinh doanh chọn là thời điểm khởi động cho mùa kinh doanh bán hàng cuối năm. Vì từ tháng 9 trở đi luôn có những chuỗi sự kiện, dịp lễ liên tiếp nhau, tạo cơ hội mua sắm. Nhưng ngay sau giai đoạn bán hàng dịp lễ 2/9 năm nay, nhiều thách thức khó khăn đang đặt ra.

Bước khởi động lạc quan
 
Kết quả kinh doanh của những ngày đầu tháng khá tốt. Ở hệ thống siêu thị Co-opmart, doanh số bán hàng tăng 50% và lượng khách đến mua sắm tăng 37% so với cùng kỳ. Tính bình quân trong khoảng từ 1/9-4/9, mỗi ngày Co-opmart có 73.000 hóa đơn thanh toán, riêng trong ngày 2/9 là 86.000 hóa đơn. Nhờ chương trình giảm giá 5 - 30%, doanh số ở các cửa hàng vải sợi, may mặc, lưu niệm Bến Thành (ở chợ Bến Thành) tăng 70% so với ngày thường. Ở Maximark, lượng hàng bán ra tăng trên 50% so với dịp lễ 2/9/2004, cộng thêm yếu tố giá cả tăng nên đạt mức doanh thu tăng gấp 3 lần ngày thường. Ở thương xá Tax, có trên 10.000 lượt khách/ngày đến tham quan và mua sắm... Đoàn xe bán hàng lưu động cũng đã thực hiện được 14 chuyến bán hàng ở các vùng ngoại thành, mang lại doanh thu khoảng 150 triệu đồng.

Nhưng vừa hết tuần lễ đầu, bước sang tuần thứ 2 của tháng 9 thì những cơn mưa kéo dài đã và đang bộc lộ những nỗi lo.

Nỗi lo biến động giá

Theo Bộ Thương mại dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng chín sẽ tăng khoảng 0,5% và như vậy tốc độ tăng giá trong 9 tháng đầu năm có thể chạm mức 6,5%. Và nguyên nhân tăng giá do nhu cầu tiêu dùng bắt đầu tăng và các chi phí đầu vào của sản xuất cũng tăng.

Tác động mạnh nhất đến giá cả là giá dầu thô. Sau 3 đợt tăng giá xăng dầu, mới đây khi giá dầu thế giới lại liên tiếp đạt các kỷ lục, kéo theo sau nó là giá dịch vụ vận chuyển, nguyên vật liệu liên tiếp tăng đã làm đau đầu nhà sản xuất kinh doanh. Khi giá dầu thô vượt ngưỡng 71USD/thùng, hàng loạt nguyên vật liệu, sản phẩm đã bị tăng giá. Dù trong tuần qua, nhiều biện pháp bình ổn giá xăng dầu đã được Mỹ, Nhật và các nước đồng loạt tung ra kéo theo giá dầu thô đã giảm nhẹ, nhưng giá các loại nguyên liệu có gốc dầu mỏ dùng trong sản xuất hàng nhựa, chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng... vẫn chưa giảm. Dự báo trong tháng 9 này, giá dầu vẫn xoay quanh mức 65 USD/thùng, giá nguyên liệu có thể giảm nhẹ, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng vào các tháng cuối năm khi chuẩn bị đón mùa mua sắm lớn dịp Noel và Tết dương lịch trên toàn thế giới thì giá các loại hóa chất, nguyên liệu có nguồn gốc dầu mỏ vẫn có chiều hướng tăng.

Ngay từ đầu tháng 9, giá gas đã tăng 8.000đ/bình. Tăng giá mạnh nhất trong các ngày qua là giá vàng. Tính trong 1 tuần, giá vàng đã tăng thêm 70.000đ/lượng và nhiều chuyên gia dự báo giá vàng trong nước sẽ nhanh chóng chạm mức 860.000đ/chỉ trong tuần này, nhưng đó vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng. Dự kiến trong tháng 10 giá gas, giá dầu thô, giá vàng sẽ tiếp tục tăng do vào mùa mua sắm vàng ở Trung Quốc, Ấn Độ, nhu cầu tiêu dùng gas và xăng dầu đều tăng mạnh vào mùa đông...

Trong nước, giá hàng tiêu dùng đã bắt đầu tăng rải rác từng nhóm. Đầu tiên là giá thịt heo bắt đầu nhích giá thêm 1.000 - 2.000đ/kg tùy loại. Giá các loại rau củ quả về chợ đầu mối đã bắt đầu tăng thêm vài trăm đồng/kg do giá chi phí vận chuyển tăng cộng với nhiều loại rau quả giảm sản lượng đang đi vào cuối mùa vụ. Giá thủy hải sản sau một thời gian đứng yên gần cả tháng (do sức mua bị hạn chế trong tháng ăn chay) nay bắt đầu tăng, cụ thể là giá cá biển với các loại thu, ngừ, nục... tăng 2.000 - 3.000đ/kg so với giá cá nuôi.

Nỗi lo mất thị trường

Thế khó của các công ty sản xuất kinh doanh trong nước khi tính toán giá nằm ở chỗ: không tăng giá thì có nguy cơ bị lỗ, mà tăng giá thì có nguy cơ mất thị trường.

Thị phần mà hàng Việt Nam đang nắm giữ bị dao động và ngày càng khó mở rộng khi mà hàng nhập từ các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc vẫn chực chờ với dải sản phẩm rộng, đa dạng chủng loại và có rất nhiều sản phẩm mức giá rẻ. Với mặt hàng “nóng” được dự báo sẽ tăng giá nhiều nhất là bánh kẹo do giá đường và giá bao bì tăng “chóng mặt” trong các tháng qua, nhiều công ty đã chuẩn bị các kiểu dáng hộp mới, mẫu bánh mới và dự báo giá sẽ tăng khoảng 10 - 15%. Nhưng trước khi bánh kẹo "Made in Việt Nam" được tung ra thì các loại bánh hộp thiếc, bánh hộp giấy, kẹo hàng xá (đóng bao tải 20 - 100kg) đã có mặt trên thị trường và cũng tiếp thị hàng mới với giá cạnh tranh.

Ông Lương Vạn Vinh, giám đốc công ty Mỹ Hảo nói: “Trên toàn quốc hiện chỉ còn khoảng 5 công ty 100% vốn Việt Nam sản xuất hóa mỹ phẩm có qui mô lớn và thương hiệu mạnh. Giá đầu vào tăng thì nhà sản xuất trong nước lại càng gặp khó khăn. Thời gian qua, các công ty trong nước chỉ dám nhích giá mỗi lần vài trăm đồng/sản phẩm nhưng cũng bị đại lý phàn nàn và chúng tôi rất sợ mất thị trường về tay các công ty liên doanh”.

Một thực tế là dù các mặt hàng dầu gội sữa tắm đã và đang tăng giá 10 - 20%, chất tẩy rửa tăng giá 5 - 15%, nhưng các đại lý dễ dàng chấp nhận bán sản phẩm tăng giá của các công ty liên doanh hoặc hàng nhập khẩu hơn, vì đi kèm với việc lên giá luôn có các điều kiện ưu đãi như hỗ trợ về quảng cáo, tặng vật phẩm trưng bày, tăng thêm hoa hồng khi lấy hàng số nhiều...

Giá còn tăng đến đâu?

Giá sẽ tăng đến đâu đang là câu hỏi lớn. Tùy theo từng nhóm mặt hàng, các giám đốc công ty đều đưa ra những dự đoán khác nhau và chính bản thân họ khẳng định “dự đoán không chắc chắn trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động như hiện nay”. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ đầu tư hệ thống Maximark nhận xét: từ tháng 4/2005 đến nay, giá cả hàng tiêu dùng đã liên tục tăng, nhưng tốc độ tăng chậm và không có hiện tượng tăng đột biến. Cụ thể ngay sau khi xăng dầu tăng giá mới thì phải sau 2 - 4 tuần giá hàng hóa mới tăng. Do vậy hiện nay các công ty chỉ chuẩn bị mức tăng giá khoảng 3 - 5% cho hàng hóa sau đợt bán hàng khuyến mãi tháng 9. Và có thể tháng 10 - 12, họ sẽ tiếp tục nhích giá tăng, và giá hàng tết sẽ tăng khoảng 7 - 15% so với hiện nay.

Theo Bích Nga
(Sài Gòn Tiếp Thị)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.