Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Đừng sợ tăng trưởng “nóng”!

20/10/2005 23:45 GMT+7

Hôm 20/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Các đại biểu tiếp tục lo ngại về kinh tế phát triển không bền vững cũng như chỉ ra những rào cản phát triển - những vấn đề không mới nhưng chưa được giải quyết.

Lãng phí: Rào cản của phát triển

Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) tỏ ra rất bức xúc về tình trạng nền kinh tế phát triển dựa trên việc khai thác tài nguyên đất, khoáng sản, dầu, than, nguyên liệu thô... mà chưa giải quyết các yếu tố về cơ chế để phát huy nguồn nhân lực, tài lực của đất nước. Ông Dung dẫn chứng: "Việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước quá chậm, chủ yếu kinh doanh bằng vốn nhà nước, dựa vào lợi thế nhà nước, cơ chế động lực không có... thành ra hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp và thua lỗ nhiều". Ông Dung chỉ ra rằng, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước khi chuyển cổ phần hóa thường cố tình giữ 51% vốn nhà nước để "dựa vào mác Nhà nước". "Do vậy, dù chúng ta chuyển đổi doanh nghiệp số lượng nhiều nhưng vốn nhà nước giảm không đáng kể (khoảng 9%)", ông Dung nói. Về việc không khai thác được nguồn trí lực vốn rất dồi dào, ông Dung ví dụ: "Một ngành nọ có 24 viện nghiên cứu, khi sắp xếp chỉ có 1 viện đồng ý trực thuộc tổng công ty, 23 viện còn lại đòi thuộc bộ, có nghĩa là vẫn duy trì cơ chế hành chính trong nghiên cứu". Theo ông Dung, đây là khu vực rất nhiều tiềm năng nhưng không được khai thác.

Lãng phí cũng được các đại biểu liệt vào hàng những rào cản đối với sự phát triển. Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) phê phán: "Theo tài liệu tôi có, đoạn đường từ Liễu Giai đến Đội Cấn (Hà Nội) chưa đầy 1 km mà tốn 90 tỉ đồng, đắt gấp 5 lần trung bình thế giới. 1 km đoạn từ Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến đến Nguyễn Trãi tốn 218 tỉ đồng, xấp xỉ 4 triệu USD/km trong khi trên thế giới, đường cao tốc cũng chỉ có 1-1,5 triệu USD/km".

Cần thoát khỏi tư duy tăng trưởng 1 con số

Trong phần thảo luận về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ngày 20.10, hầu hết các ý kiến đều đưa ra nhận định: tốc độ tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2006 cần phải cao hơn mức 8%. Đại biểu Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) nhận xét thẳng thắn: "Chúng ta cứ lo phát triển phải đạt được hệ số an toàn nhất định mà không nhận thấy là số tuyệt đối của ta còn quá thấp. Nếu Trung Quốc tăng trưởng GDP đầu người 7%/năm thì bằng Việt Nam tăng trưởng 14%, GDP đầu người Thái Lan tăng 7% thì bằng Việt Nam tăng 28%. Nếu ta cứ luẩn quẩn ở tư duy tăng trưởng 1 con số, tránh tăng trưởng nóng cùng các hệ số an toàn nhất định thì Việt Nam sẽ mãi tăng trưởng GDP lùi so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến việc đuổi kịp các nước phát triển. Mục tiêu đặt ra là năm 2010 GDP đầu người của Việt Nam sẽ đạt 1.000 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước như hiện nay thì có thể chuẩn nghèo lại tăng lên và rút cục Việt Nam vẫn chưa thoát nghèo".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) lưu ý: "GDP năm 2005 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng thì vẫn thấp. Trong các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thì yếu tố vốn đầu tư chiếm tỷ lệ ngày càng tăng, năng suất lao động cũng như cơ cấu và chất lượng đầu tư đóng góp ngày càng giảm". Ông Trân cũng đưa ra một đánh giá của Ngân hàng thế giới về chất lượng đầu tư: trong số 23 quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam thì Việt Nam đứng thứ 3 về huy động vốn đầu tư cho phát triển nhưng lại đứng thứ 17 về chất lượng đầu tư.

Đánh giá về chỉ tiêu kiểm soát lạm phát, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) nhận xét: "Chỉ số giá cả tăng cao được giải thích chủ yếu là do giá cả của các yếu tố đầu vào bên ngoài tăng mạnh và không thể kiểm soát được. Thế nhưng, Thái Lan, Trung Quốc - những nước trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới tăng cao, chỉ số lạm phát của họ vẫn ở mức dưới 2,8% là sao?".

"Đã đến lúc phải có những biện pháp thật mạnh và quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hư hỏng trong một bộ phận cán bộ, công chức. Tôi đề nghị, bất kỳ một công chức nào không giải thích được một cách chính đáng nguồn gốc tài sản lớn bất thường của mình sẽ bị đình chỉ công tác mà chưa cần xét xử theo các thủ tục tố tụng của pháp luật. Nếu như phát hiện ra bằng chứng của sự phạm pháp thì cần phải loại vĩnh viễn cán bộ đó ra khỏi bộ máy công chức". (Đại biểu Nguyễn Lân Dũng - Đắk Nông)

"Tại nhiều địa phương, kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ em còn thừa rất nhiều. Tại sao lại như vậy? Có phải trẻ em có sức khỏe hoàn hảo hơn cả các nước tiên tiến trên thế giới hay không ? Xin thưa, rất nhiều bà con phải rất khốn khổ, vay mượn khắp nơi để đi khám chữa bệnh cho con em dưới 6 tuổi mà chưa được hưởng những quyền lợi của việc khám chữa bệnh miễn phí. Tôi nghĩ, điều này có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo địa phương và của cả những đại biểu đang ngồi tại đây". (Đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang)

"Năm 2005 là năm đời sống nhân dân phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, giá cả mặt hàng sản xuất tiêu dùng đều tăng đột biến, lương tăng 1 thì giá tăng đến 1,5 lần.  Người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, phải đối mặt với quá nhiều sức ép". (Đại biểu Trịnh Thị Nga - Bình Phước)

Hoàng Ly - Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.