Tuyên chiến với lãng phí - Bài 11: Những công trình thủy... hại !

17/10/2005 22:49 GMT+7

Triển khai Chương trình 135 nhằm giúp đồng bào các xã vùng cao có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương đúng của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi đã biến những điều tốt đẹp kia thành những chuyện khôi hài. Vì vậy, nhiều người dân ở huyện vùng cao Tây Trà gọi những công trình thủy lợi với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng thuộc dự án 135 là "công trình thủy... hại".

Đang là mùa mưa, hầu như các ngả đường về huyện vùng cao này đều bị nước lũ băm nát. Ngay cả tuyến huyết mạch từ Trà Bồng lên Tây Trà cũng bị lũ lụt phong tỏa, mới "giải phóng" được hai hôm nay. Để lên "chộ mặt" hai trong số hàng chục công trình "thủy hại" ở huyện vùng cao này, chúng tôi chỉ có thể chọn một nơi: xã Trà Trung. Đây là xã nằm dưới chân núi Cà Đam - nơi đặt tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng 45 năm trước. Do địa thế hiểm trở nên Trà Trung đã thành ốc đảo mấy chục năm qua. Mùa khô còn có xe U-oát bò theo tốc độ của rùa, còn mùa này chỉ độc một phương tiện là xe Min-khơ của cánh xe ôm. Sự cách trở giao thông đã biến Trà Trung thành một trong số rất ít xã của huyện Tây Trà thành xã nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi. Chính vì lẽ đó mà khi chọn Trà Trung để đầu tư, người ta gật đầu cái... rẹt. Xã có hai công trình, một thủy điện kết hợp với thủy lợi được mang tên Nước Biếc và một công trình "thủy lợi chay" mang tên Nước Châu.


Đường ống thủy lợi Nước Châu
đã vỡ

800 triệu đồng = 100 bóng đèn

Ông Hồ Văn Quế, một cán bộ của xã Trà Trung nói: "Cái Nước Biếc này được làm từ lúc con bò nhà tao còn là con nghé, nay con bò đã đẻ ba lứa rồi mà nó vẫn lúc sáng lúc tối câm". Ông nói thêm: "Mưa vừa rồi lớn quá, ống nước bị kẹt đất trong đó nên nó chỉ sáng... ban ngày thôi". Đi một vòng trong thôn Vàng, đếm cả thảy dăm chục nóc nhà. Bình quân mỗi nhà hai bóng đèn, nhiều lắm chỉ khoảng một trăm bóng. Nhà nước bỏ 800 triệu đồng đầu tư công trình này để một trăm bóng đèn "lúc tối lúc sáng" hoặc "chỉ sáng vào ban ngày" như ông Quế nói, quả là chơi sang! Nghe chúng tôi chi li như thế, một giáo viên "cắm bản" trong thôn nói: "Họ kết hợp thủy lợi nữa chứ không chỉ thủy điện đâu". Thế nhưng theo lời ông Quế, 5 ha ruộng của thôn Vàng từ lâu nay vẫn chỉ được tưới bằng nước... trời (!).

Thủy lợi tưới... rừng

Có thể nói công trình thủy lợi Nước Châu ở xã Trà Trung này là như thế. Bởi lẽ, Nhà nước bỏ ra 600 triệu đồng nhưng không lấy đâu ra ruộng để tưới cả. Chủ tịch UBND Trà Trung, thay vì "giải trình" với chúng tôi về cái vụ "thủy lợi tưới rừng" này, lại gãi đầu trông tội nghiệp: "Dân tao nó đói lắm. Xã có 133 gia đình thì 50 nhà đói, 73 nhà lúc đói lúc lưng lửng, 10 nhà không đói". Tôi hỏi: "Là những gia đình nào?". "Như gia đình tao chẳng hạn. Vì có lương hằng tháng". Hóa ra 10 nhà không đói là những cán bộ của xã. Tôi hỏi ông chủ tịch xã: "Anh ước điều gì?". Không trả lời trực tiếp câu hỏi, ông chỉ ngùi ngùi: "Nếu dùng toàn bộ số tiền làm thủy điện, thủy lợi ấy mà cho dân tao nó nuôi bò thì chắc nó hết đói". Tôi nhẩm tính: 1,4 tỉ đồng cho hai công trình nọ là mua được 1.000 con bò, thả kín núi Cà Đam. Bài toán mà ông chủ tịch xã đưa ra ấy chắc chắn là những người làm dự án không thể không biết.

Công trình thủy lợi Nước Châu - kinh phí xây dựng 600 triệu đồng, kế hoạch tưới cho 4 ha ở thôn Đam - hiện ra trước mắt chúng tôi. Con đập dài chừng 20 mét, không có lòng hồ mà chỉ nối một đường ống dài chừng 1.000 mét để về tưới... núi (?!). Tôi hỏi ông Quế:


Thủy lợi Nước Châu
"Tưới được bao nhiêu mà không thấy ruộng?". Ông Quế nói giọng lơ lớ: "Mình có biết đâu! Nhà nước xây cái đập nhưng dân nó không có ruộng thì tưới cái gì?". Rồi ông "khai" rằng, thôn Đam hiện có nửa sào ruộng được hưởng nước "của Nhà nước" nhưng nay đường ống vỡ rồi, phải đợi ông trời! Tôi hỏi: "Sao không khai hoang?". Là hỏi chỉ để mà hỏi thế thôi, núi Cà Đam cao cả ngàn mét, "khai" làm sao cho có ruộng được kia chứ !

Bao nhiêu công trình "thủy hại"?

Chúng tôi ghé một quán nước tại huyện lỵ Trà Bồng, tình cờ gặp một cán bộ chuyên theo dõi các công trình 135 ở đây. Nghe tôi ca cẩm về sự tệ hại của các công trình thủy lợi và có ý định lên Trà Phong - một xã vùng cao khác của Tây Trà, anh "suỵt" thật khẽ: "Đi đến đâu thì cũng thế cả thôi, ông bạn "nhiệt tình cách mạng" ạ ! Trong số 72 công trình 135 được thực hiện ở Trà Bồng và Tây Trà với số tiền trên 25 tỉ đồng thì thủy lợi và thủy điện chiếm 46%. Số liệu 240 ha ruộng được hưởng nước từ các công trình này là số liệu trên giấy thôi". Rất nhiều công trình thủy lợi đầu tư tiền tỉ không hiệu quả. Cơ quan thanh tra thì chỉ mới thanh tra ngẫu nhiên 12/36 công trình và phát hiện "sai trái" 94 triệu đồng ! Có lẽ không cần bình luận gì thêm nữa.

Nguyễn Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.