Mùa lũ - Chòng chành đường đến lớp

05/11/2008 10:26 GMT+7

Bé Lê Thị Ngọc Huyền, mới học lớp 1, chưa biết lội (bơi), nhưng vì nhà nghèo, cha mẹ bận làm thuê kiếm sống nên bé phải tự mình vượt lũ đến trường. Bé xíu, rụt rè đi từng bước dò dẫm trong mênh mông nước để về nhà, bất ngờ một đợt sóng phạt ngang, Huyền lạng người chao đảo ngã xuống dòng nước.

Chúng tôi không thể lội ngang dòng để giúp cháu đành cắn răng nhìn cháu một mình chống chọi với dòng nước chảy xiết, hai tay quơ lấy chiếc cặp đang bị sóng nhấn chìm. Đến bờ. Hỏi ba mẹ đâu để cháu đi một mình nguy hiểm vậy? Bé Huyền vuốt nước trên mặt trả lời: “Ba mẹ con bận đi hái bông điên điển và giăng lưới nên con phải đi học rồi về nhà một mình”, hỏi chuyện vài câu, thấy cô bé rùng mình vì lạnh, chúng tôi vội hối cháu về nhà.

Gian nan đường đến lớp
 
Mùa lũ. Những học sinh Trường tiểu học “C” Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú tỉnh An Giang) áo trắng quần xanh cởi dép, xăn quần, cõng trên lưng chiếc cặp nặng trĩu bì bõm vượt lũ đến trường. Ở phía bờ bên kia, có bốn cháu học sinh bị sóng đánh ngang đầu, ngã dúi vào nhau.

 
 Các em nhỏ sang đò
Sóng đi qua, bọn nhỏ đứng dậy và trên người chúng chẳng còn thứ gì khô. Đúng lúc đó, chúng tôi gặp cô giáo Nguyễn Thị Minh Thư, dạy lớp của cháu Huyền. Cô nói, giọng rất buồn: “Lớp tôi có 14 học sinh, trong đó gia đình Huyền nghèo nhất nên dù đã nhập học hơn một tháng, nhưng đồ dùng học tập của Huyền chỉ có tấm bảng nhựa, mấy cây viết chì của trường tặng, một quyển vở trường cho. Bố mẹ em chỉ sắm nổi mỗi cuốn sách tập đánh vần, các loại sách học khác cháu vẫn thiếu”. Nhìn bóng cháu Huyền chỉ còn là dấu chấm nhỏ giữa biển nước mênh mông dập dềnh sóng nước, chúng tôi cảm thấy cổ mình nghẹn lại. Con đường học tập của bé, sao gian nan thế?!

Trịnh Minh Sơn (lớp 5) nhà ở tổ 10, ấp Mỹ Bình lội nước đi học buổi sáng, chiều, Sơn phải cõng bé Ngọc, em gái út, 8 tuổi đến trường bởi cha mẹ Sơn bận bịu làm thuê kiếm sống. Đã không ít lần hai anh em Sơn bị trượt ngã giữa dòng nước lũ. Rồi các em lại tự bơi, tự gượng dậy để đến trường với bộ quần áo ướt và lấm lem bùn đất.

Nhưng lũ mặc lũ, những học trò bé nhỏ vùng sông nước vẫn cố vượt qua những con sóng chụp đầu để đến trường, suốt nhiều năm như thế. Xót con, và muốn con không bỏ học, bà con vùng Láng Linh phải bỏ việc làm đưa con em đi học bằng xuồng ba lá hoặc chính họ cõng con đến trường. Huyện, tỉnh nghe báo cáo những chuyện thương tâm cũng xót xa và từ 4 năm qua, lãnh đạo huyện Châu Phú đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí đưa rước học sinh đến trường bằng đò.

Ông lái đò mùa lũ
 
Một ngày có mặt ở các tuyến kênh 8, kênh Bờ Dâu, chúng tôi thấu hiểu phần nào sự cơ cực của học sinh nơi đây. Từ 5giờ30, học sinh ở Láng Linh tụ họp lại một mỏm đất cao đứng chờ đò đến rước, có những học sinh vùng ngập sâu chỉ còn biết đứng ở mép nhà ngóng bóng con đò.

Học sinh chỉ học một buổi đã cực, nhiều học sinh lớp 1, học ghép vì trường cũng bị ngập thì vất vả hơn nhiều vì phải học hai buổi /ngày như cháu Trần Nhựt Hào, học lớp 1, nhà trên kênh Bờ Dâu. Có bữa vừa học xong buổi sáng, xuống đò nó chạy vội về nhà kêu cha mẹ bới cơm trưa mang theo rồi tất tả chạy trở ra bờ kênh vì sợ trễ buổi học chiều. Trên đò đến trường, nó mới tranh thủ giở ngăn cơm ra ăn.

Ông Nguyễn Văn Hận (ấp Bình Điền, xã Bình Phú), người lái đò vượt lũ đưa học sinh đến trường trong chương trình hỗ trợ kinh phí của huyện kể tôi nghe một ngày vượt lũ với 6 chuyến đò đi về của ông bắt đầu từ 4 giờ sáng và cháu học sinh cuối cùng về đến nhà vào khoảng 18 giờ 30. “Mỗi ngày xã trả cho tui 80.000 đồng, nhưng phải đưa rước đến 6 bận, với trên 70 học sinh. Từ đầu vụ đến giờ tui đã tự bỏ tiền túi mua 43 lít xăng để chạy. Đến cuối năm xã mới tính lại, tui chẳng quan tâm lời lỗ gì bởi khi nhìn tụi nhỏ lội nước tím da đến trường, thật không cầm lòng” – ông Hận tâm tình.

Mô hình hỗ trợ đò đưa học sinh đi học mùa lũ của huyện đang hoạt động tốt, những hộ đói ăn mùa lũ cũng giảm do dân tự lực mưu sinh khi họ biết con họ đến trường an toàn. Nhưng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư xã Thạnh Mỹ Tây cho biết - niên học 2008-2009, huyện Châu Phú cắt khoản kinh phí hỗ trợ này và xã đành phải họp dân để thông báo chi phí đò đi học- Xã hỗ trợ 50%, phụ huynh góp 50%. “Nhưng nói thì nói vậy, chứ từ đầu mùa lũ đến giơ øthường chủ đò phải tự xuất tiền túi ra để chạy đò đưa đón học sinh”, ông Hùng nói.

Cô nuôi dạy trẻ mùa nước nổi

 
Một điểm giữ trẻ mùa lũ ở xã biên giới Phú Hội (An Phú - An Giang)
Xã vùng biên giới Phú Hội (huyện An Phú) vào những ngày con lũ xấp xỉ đạt đỉnh, đồng nước mênh mông. Nhiều năm qua, người dân xã Phú Hội mừng khấp khởi khi con em mình được trông giữ một cách an toàn miễn phí. Đến xã Phú Hội, nương theo tiếng hát bi bô ngọng nghịu của lũ trẻ, chúng tôi đến điểm giũ trẻ mùa lũ do chị Huỳnh Thị Kim Liên ở ấp An Nhơn phụ trách. Trên 30 trẻ từ 1 đến 8 tuổi được gởi đến đây mỗi ngày. Những đứa trẻ được mang đến gửi hầu hết thuộc con em gia đình nghèo.

Cha mẹ chúng phải ngụp lặn dưới nước để kiếm sống hàng ngày nên trong xóm nhiều năm trước, thỉnh thoảng cha mẹ đi hái bông điên điển trở về, gọi con lạc giọng vẫn chẳng thấy con đâu. Tìm kiếm mãi mới thấy con đã tím lạnh dưới làn nước lũ đục ngầu, lạnh lẽo. Địa phương cũng xót tái tê khi thỉnh thoảng lại nhận tin một cháu chết bởi rơi xuống nước khi cha mẹ vắng nhà nên đã xin huyện hỗ trợ chi phí mở điểm giữ trẻ mùa lũ trong mấy năm gần đây.
 
Bảo mẫu ở đây đều được học cách chăm sóc trẻ, nấu ăn, dạy trẻ hát, ru ngủ cho trẻ con. Mỗi tháng họ chỉ nhận chi phí hỗ trợ 500.000 đồng, nhưng vì xem chúng như con nên các cô đã chăm sóc các cháu hết lòng, suốt những mùa lũ qua.

Niềm vui của họ là nhìn lũ trẻ vui đùa trong sự an toàn và chị Liên cùng các đồng sự của mình cũng rất vui khi biết cha mẹ các cháu nhờ thế mà kiếm đủ gạo ăn hàng ngày trong mùa nước nổi.

Ban đầu các chị nghĩ mình sẽ bỏ cuộc vì lũ trẻ khóc la um sùm khiến các chị cảm thấy bất lực và các chị bị hàng xóm cằn nhằn nhưng “nghĩ đến cảnh cha mẹ các cháu hàng ngày phải ra đồng giăng câu, đặt lợp mưu sinh, để các em nhỏ ở lại nhà chỉ sơ sẩy té nước chết, chúng tôi thấy lòng mình đau nhói. Nghĩ mà thương mấy cháu nên dù cực khổ đến mấy chúng tôi cũng nhận giữ”, chị Liên nói trong tiếng trẻ hát bi bô.

Chị Nguyễn Thị Liễu, cho biết - cứ 6 giờ sáng chị đưa con đến điểm giữ trẻ, chiều rước con về, thật yên tâm kiếm sống. Trước đó, chị và chồng phải chia nhau ở nhà giữ con nên mùa lũ cũng đồng nghĩa là mùa đói của gia đình chị. Chị kể giọng rất vui: “Không chỉ an toàn mà về nhà chúng còn biết hát và ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ hơn trước, tui không biết nói sao để bày tỏ hết sự cảm ơn của gia đình mình đến những cô bảo mẫu. Tôi hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục được duy trì để con em chúng tôi được bảo đảm tính mạng và gia đình tôi an tâm làm ăn thoát nghèo”. Trẻ gửi ở các điểm trên ngoài chi phí giữ trẻ được nhà nước bảo trợ 100%, con họ còn được hỗ trợ 5.000 đồng /cháu/ 2 suất ăn mỗi ngày.

Có thể nói, nhờ có những mô hình giữ trẻ được hình thành trên nền tảng tình cảm yêu thương trẻ con của những người làm công tác này mà hiệu quả mang lại cho người dân rất lớn. Chị Nguyễn Thị Tiết Liệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Hội, cũng nhận giữ 45 trẻ mùa lũ, nhiều năm qua...

Theo Đăng Nguyên/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.