Thấy gì về cuộc chạy đua không gian Mỹ - Trung Quốc qua hai robot tự hành trên sao Hỏa?

23/05/2021 14:29 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở trong một cuộc chạy đua không gian về sao Hỏa. Xe tự hành Chúc Dung của Trung Quốc hôm 15.5 đã đáp thành công lên hành tinh này trong lần phóng đầu tiên, chỉ vài tháng sau khi NASA đổ bộ robot thám hiểm Perseverance.

Xe tự hành Perseverance là xe tự hành do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ phát triển, còn xe tự hành do Trung Quốc phát triển mang tên Chúc Dung, vị thần lửa trong truyền thuyết.
Cả hai tàu vũ trụ trên đều đang thực hiện sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa.
“Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang cạnh tranh trong một cuộc đua chính trị trên trái đất, vì thế không ngạc nhiên khi cuộc đua không gian hiện cũng đã trở thành một phần trong cuộc đua trên,” theo Dean Cheng, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Di sản.
Mỹ hiện đang dẫn đầu trong sứ mệnh thám hiểm này với hơn 50 năm nghiên cứu về sao Hỏa.
Vào tháng 2 vừa rồi, Perseverance đã trở thành xe tự hành thứ 5 của Mỹ hiện diện trên sao Hỏa.

Mỹ và Trung Quốc hiện đang trong cuộc đua không gian thông qua hai xe tự hành đang vận hành trên sao Hỏa.

Chụp màn hình Wall Street Journal

Trung Quốc là nhân tố mới trong trang sử thám hiểm hành tinh đỏ khi chỉ mới bắt đầu nghiên cứu vào năm 2006.
Tuy nhiên, quốc gia này có một kế hoạch to tát cho Thiên Vấn 1 - sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của mình.
Chia sẻ về sứ mệnh này, ông Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn bày tỏ: “Việc tàu Thiên Vấn 1 vừa là một tàu bay trên quỹ đạo, vừa có thiết bị đổ bộ và xe thám hiểm cho thấy một nước đi táo bạo của Trung Quốc trong sứ mệnh đầu tiên.”
Tham vọng này khiến xe tự hành Chúc Dung trở nên khác biệt hơn so với xe tự hành Perseverance của NASA. Sau đây sẽ là những nhiệm vụ mà cả hai phải thực hiện trên sao Hỏa, và những điều sẽ hé lộ về cuộc đua không gian mới giữa hai cường quốc. 
Đổ bộ lên sao Hỏa là một nhiệm vụ khó,” theo ông Jonathan.
Jonathan McDowell là một nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Smithsonian thuộc ĐH Harvard. Ông đã nghiên cứu những chương trình không gian trên toàn cầu trong hơn 40 năm. 
“Việc này khó hơn việc đáp xuống trái đất từ không gian bởi vì khí quyển trên hành tinh này mỏng hơn nên dù đáp cũng sẽ không hoạt động hiệu quả được. Và nó cũng khó hơn việc đáp lên mặt trăng vì không thể chỉ sử dụng tên lửa đẩy là được. Bạn sẽ muốn đảm bảo tối ưu hoá các cơ hội đổ bộ thành công bởi vì có quá nhiều điều có thể tác động đến nhiệm vụ,” ông McDowell cho biết.
Tàu đổ bộ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc, khi thả khoang đáp và đưa xe tự hành Chúc Dung xuống sao Hỏa, đã có một giải pháp trung gian khác là sử dụng dù giảm tốc và động cơ tên lửa đẩy để cho cú đáp nhẹ nhàng hơn.
Trung Quốc đã chọn một khu vực đổ bộ tương đối dễ dàng. Đó là một lưu vực sông tại bắc bán cầu sao Hỏa, được gọi là Utopia Planitia.
Đó cũng là nơi mà NASA đã đáp thành công tàu đổ bộ thứ hai của mình là Viking 2 vào năm 1976. 

Utopia Planitia là nơi mà xe tự hành Chúc Dung của Trung Quốc đổ bộ lên.

Chụp màn hình Earth Sky

“Khu vực này không có nhiều ngọn núi lớn hay khe núi lớn hoặc vách đá có thể khiến xe tự hành bị rơi xuống đất, và vì vậy đây là một khu vực tốt để thử nghiệm và thám hiểm cho lần đầu tiên," theo ông McDowell.
Vì đây đã từng là địa hình đổ bộ cũ của NASA, tàu Perseverance đã đáp xuống một khu vực khác có tên là Jezero Crater. 
Ông McDowell cho biết: “Tàu Perseverance đã đổ bộ trên phần rìa của một đồng bằng cổ xưa. Vì vậy khu vực này là một sự kết hợp của các địa hình hõm sâu, và những ngọn núi có dốc thoải.”
Đây là một khu vực đổ bộ khó hơn so với khu Utopia Planitia. Tuy nhiên, tàu Perseverance được trang bị một hệ thống đổ bộ có tên Skycrane. Nó giúp giữ tàu lơ lửng trên mặt đất trong khi một hệ thống máy tính quan sát quét các vật cản.
Điều này có nghĩa là, cả hai quốc gia đều đã đặt ra những mục tiêu khoa học cụ thể cho hai xe tự hành của họ khi đổ bộ trên hai dạng địa hình khác nhau.
Và một trong những mục tiêu trọng tâm của Trung Quốc chính là làm quen với hành tinh mới này. 
Chia sẻ về xe tự hành Chúc Dung, ông McDowell nói rằng: “Nó được trang bị một loạt các dụng cụ có tiêu chuẩn giúp các nhà khoa học Trung Quốc hiểu cách vận hành các dụng cụ trên sao Hỏa.”
Xe tự hành Trung Quốc đến Utopia Planitia dĩ nhiên được trang bị công nghệ tối tân hơn công nghệ mà NASA đã trang bị nhiều thập niên trước.
“Công nghệ mà xe tự hành Trung Quốc đang mang trên mình có thể tương tự với công nghệ của xe tự hành Spirit và Opportunity mà NASA đã phóng lên nhiều năm về trước. Và nó vẫn là một công nghệ khá hiện đại,” ông McDowell nhận xét.
Xe tự hành Chúc Dung được trang bị một máy ảnh đa quang phổ. Thiết bị này có thể chụp nhiều ảnh với nhiều bộ lọc khác nhau để nghiên cứu các loại đất đá trên bề mặt sao Hỏa.
Nó cũng có một radar xuyên đất phát ra các sóng radio. Khi radar hướng xuống mặt đất, robot tự hành có thể nhận tín hiệu và thu thập dữ liệu về những thứ dưới lòng đất, cụ thể là nước đá.

Hình ảnh đầu tiên mà xe tự hành Chúc Dung gửi về trái đất.

Chụp màn hình newscientist.com

Giống với xe tự hành Chúc Dung, xe Perseverance cũng thực hiện khảo sát sao Hỏa, nhưng nó có kích thước lớn hơn. Nhờ vậy, NASA đã trang bị nhiều công cụ hơn cho Perseverance, như trực thăng điều khiển từ xa Ingenuity, mở ra cơ hội thám hiểm hành tinh này với quy mô lớn hơn trong một ngày gần nhất. 
Ông McDowell cho biết: “Đó là một vật thể đầu tiên có thể thực hiện chuyến bay điều khiển từ xa trong bầu không khí của một hành tinh khác. Đây là một thử thách thiên về kĩ thuật tương đối khó."
Một trong những mục tiêu chính của tàu Perseverance là tìm hiểu về sự sống trên hành tinh đỏ này, và các nhà khoa học cho rằng việc đem các mẫu vật về lại trái đất chính là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu đó.
Robot thám hiểm Perseverance được trang bị một cánh tay robot có thể khoan xuống mặt đất, khai thác đá và thu thập đất vụn. Những mẫu vật này sẽ được đặt vào nhiều ống sạch để ngăn sự ô nhiễm. Sau đó chúng được lưu trữ ở trong thân của xe tự hành.

Xe tự hành Perseverance của Mỹ.

Chụp màn hình Space.com

NASA dự tính sẽ đem mẫu vật về trái đất vào năm 2031 trong một sứ mệnh chung với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu
“Mặc dù trong nhiều khía cạnh tôi nghĩ rằng công nghệ không gian Mỹ vẫn là công nghệ tân tiến nhất, nhưng sứ mệnh không gian mà Trung Quốc đang thực hiện cũng rất là ấn tượng. Họ đã bắt kịp rất nhanh chóng,” ông McDowell bày tỏ. 
“Chương trình không gian của Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ từ các ban lãnh đạo cấp cao của nước này từ những ngày đầu tiên, khởi đầu từ thời ông Mao Trạch Đông,” theo ông Dean Cheng, nghiên cứu viên tại Quỹ Di sản.
Ông Dean Cheng cho rằng hệ thống chính trị ổn định ở Trung Quốc giúp nước này có khả năng thực hiện những mục tiêu dài hạn, và đảm bảo kinh phí cho những mục tiêu này.
Vì vậy, dù có rất ít các thông tin công khai về kinh phí đầu tư cho không gian của Trung Quốc, ông Cheng cho rằng con số này không hề nhỏ.
“Trung Quốc không công khai những con số đó. Tuy nhiên theo những gì chúng tôi biết, chẳng hạn như, Trung Quốc có đến 4 cơ sở phóng tàu vũ trụ. Đó là con số nhiều hơn so với các nước khác,” ông Cheng nói.
Chương trình không gian nhà nước đầu tư của Trung Quốc khiến nó trở nên khác biệt hơn so với cách mà NASA thực hiện các chương trình đó.

Trung Quốc có 4 cơ sở phóng tàu vũ trụ.

Chụp màn hình BBC

Ông Cheng cho rằng: “Ví dụ với Mỹ, họ đã bàn tính việc trở lại mặt trăng trong ít nhất là 20 năm rồi. Nhưng với mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và mỗi tổng thống, các ưu tiên sẽ thay đổi, việc đầu tư do đó cũng sẽ thay đổi.”
Kinh phí thường niên dành cho NASA đã không còn trở lại đỉnh cao của thập niên 1960, và đã dao động liên tục nhiều năm qua.
Việc robot thám hiểm Chúc Dung đổ bộ và vận hành trên sao Hỏa cho thấy Trung Quốc đang thực hiện được nhiều hơn và nhanh hơn với thời gian ngắn hơn so với Mỹ.
Thành công này không chỉ là một cột mốc đáng tự hào của quốc gia mà sẽ là một bước quan trọng để nước này có thể thực hiện thành công các mục tiêu không gian khác, bao gồm việc xây dựng một căn cứ trên mặt trăng và Trạm Vũ trụ Quốc tế của riêng họ. 
“Những cuộc thám hiểm đến mặt trăng và sao Hỏa có thể xem là cách Trung Quốc đưa ra một sự thể hiện chính trị rằng đây là một nước có năng lực công nghệ và có hệ thống chính trị tốt,” ông Cheng nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.