Nơi quy tụ những ý tưởng điên rồ

26/10/2010 14:40 GMT+7

(TNO) “Nếu bạn bị cho là điên rồ tại nơi của mình, hãy đến Media Lab của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)”.

Trên đây là tuyên bố của chính Nicholas Negroponte (em trai cựu thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Negroponte), một trong những lãnh đạo đầu tiên của chương trình Media Lab, nơi sinh viên MIT tha hồ biến các ý tưởng sáng tạo của mình thành sự thật.

Có thể dẫn ra ngay một "ý tưởng điên rồ" đang được triển khai ở Media Lab: chế tạo robot hát opera!

Nhưng có một thực tế: không ít những “ý tưởng điên rồ” của các sinh viên tại đây đã định hình nên ngày hôm nay và chắc chắn “những ý tưởng điên rồ” khác sẽ làm nên tương lai.

Dẫn chứng ư? Media Lab là nơi đã tạo ra cả những đột phá về công nghệ cũng như những chiến dịch xã hội mang nhiều ý nghĩa, chẳng hạn như loại mực điện tử dùng trong thiết bị đọc sách điện tử Amazon Kindle và Sony e-Reader hay sáng kiến Mỗi đứa trẻ một máy tính xách tay đang được thực thi rộng rãi ở các nước nghèo…

Bước vào Media Lab, bạn chắc chắn sẽ bị thu hút bởi những tờ giấy dán tường đầy màu sắc đồng thời được dùng làm công tắc đèn, máy phát nhạc hay để điều khiển các thiết bị điện tử.

Các dự án đang được nghiên cứu tại Media Lab hiện nay thuộc đủ mọi lĩnh vực, từ nghiên cứu về bệnh tự kỷ đến chân giả điện tử, robot thế hệ mới, xe hơi gấp lại được…

 
Xe hơi cá nhân - một trong những ý tưởng được phát triển ở Media Lab - Ảnh: Reuters

Giám đốc chương trình Frank Moss cho biết công việc hàng ngày của các sinh viên là nghiên cứu tất cả các ứng dụng của công nghệ có thể làm thay đổi cuộc sống của con người, từ cách chúng ta quản lý sức khỏe, tài chính đến cách chúng ta sống, giao tế, làm việc, giải trí…

Tất nhiên, xương sống của Media Lab là sự sáng tạo. Tất cả các sinh viên ở đây đều được dạy một điều căn bản nhất: họ có thể làm hầu hết mọi chuyện, biến hầu hết những ý tưởng, dù là khó tin nhất, trở thành hiện thực.

Thế là một sinh viên mới chân ướt chân ráo ở giữa năm thứ nhất cũng đã có thể xây dựng bất kỳ một phần mềm nào, làm bất kỳ một bo mạch nào, có thể dùng máy cắt lazer, tạo ra bất kỳ một vật thể nào bằng kim loại, gỗ, nhôm… dựa trên sự sáng tạo của mình.

Dưới đây là một số dự án được Media Lab triển lãm nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 25 của mình - dịp quy tụ những cựu sinh viên cùng nhiều nhân vật “điên rồ” khác, bao gồm cả Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt:

Gương sức khỏe

Gương sức khỏe là dự án được phát triển nhằm giúp mọi người có thể kiểm tra mạch đập, nhịp tim, nhịp thở của mình cùng lúc bằng cách cực kỳ đơn giản: soi gương.

Sinh viên ngành cơ khí điện tử và y khoa Ming-Zher Poh đã lắp một web camera vào tấm gương 2 chiều. Nó sẽ chụp lại gương mặt của người soi, sau đó phân tích những biến đổi về độ sáng của màu da. Thay đổi này do chính sự lưu chuyển của máu gây nên, rất khó nhận thấy bằng mắt thường. Trong tích tắc, web camera phân tích các dữ kiện và đưa ra đáp số về nhịp tim, nhịp thở mà mạch đập của bạn.

Hãng truyền thông BBC dẫn lời sinh viên Poh: “Ngày nào mọi người cũng soi gương, cũng chú ý tới vẻ bề ngoài của mình. Nhưng với tấm gương này, người ta còn biết các thông tin về sức khỏe nữa”.

Nhà máy chế biến thực phẩm cá nhân

Marcelo Coelho và Amit Zoran đang miệt mài với dự án tạo ra Cornucopia - nhà máy chế biến thực phẩm cá nhân tự động.

Với những chiếc ống trong suốt để đựng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, Cornucopia có thể mau chóng trộn lẫn và chế biến các nguyên liệu thành những loại thức ăn dùng làm món chính, món khai vị và cả món tráng miệng.

 
Cornucopia sản xuất thực phẩm cho từng cá nhân - Ảnh: Marcelo Coelho

Chẳng hạn mẫu Cornucopia hiện đang được trưng bày có thể sản xuất một loại bánh ăn nhẹ được lập trình sẵn, làm từ hạt đậu và sô cô la.

“Nhà máy thực phẩm” Cornucopia cho phép mọi người biết rõ từng thành phần loại thực phẩm mình đang dùng, biết rõ chúng có lợi cho sức khỏe hay không.

Màn hình BiDi

Đây là dự án của giáo sư Henry Holtzman cùng phối hợp thực hiện với sinh viên Matthew Hirsch. Họ muốn cho ra lò một loại màn hình cho phép người sử dụng điều khiển các chương trình mà không cần phải rờ tay vào remote hay chuột.

Nhờ các thiết bị cảm biến quang học lắp trong màn hình, mọi người chỉ việc dùng tay ra hiệu để chạy các chương trình.

Cổ chân giả linh hoạt

Cổ chân giả là dự án của Hugh Herr cùng các học trò, hứa hẹn một mẫu cổ chân giả với sự linh hoạt tối đa cho người dùng, chẳng thua kém là mấy so với cổ chân thật.

Nó bao gồm những sợi dây hoạt động giống chức năng dây chằng cùng một động cơ điện có thể đẩy người sử dụng đi tới và tạo sự linh hoạt tối đa ở cổ chân, giúp người ta có thể đi được trên nhiều loại địa hình khác nhau.

BBC dẫn lời sinh viên Michael Eisenberg cho biết những loại chân giả hiện nay thường không linh hoạt, khiến người dùng phải vận quá nhiều sức và thường gây đau lưng. Eisenberg tự tin rằng sản phẩm của mình có thể khắc phục tất cả những nhược điểm này.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.