Đất đai - không thể xem là một loại hàng hóa

09/11/2005 16:57 GMT+7

Nhu cầu của người dân và doanh nghiệp sản xuất về nhà ở và đất cho sản xuất kinh doanh hiện tại rất cao. Hãy thử làm một cuộc thống kê về số lượng các gia đình có nhu cầu về nhà ở tại TP.HCM hiện nay. Đây chính là phần cầu của thị trường, chưa kể đến số người có tiền thừa muốn kinh doanh bất động sản (BĐS).

Mức thu nhập của đại đa số người dân hiện không theo kịp mức giá quá cao của BĐS, thử hỏi với thu nhập cỡ trung bình khá khoảng 3 triệu đông/tháng thì đến bao giờ mới mua được một căn hộ chung cư cỡ 500-600 triệu? Chỉ có những người giàu và có tiền thừa mới mua được. Đơn giản, hãy làm một cuộc khảo sát xem các chung cư ở TP.HCM số người chính thức đứng tên căn nhà chung cư mà họ đang sử dụng xem được bao nhiêu phần trăm, sẽ thấy phần lớn là những người có tiền mua rồi cho thuê lại hoặc bán lại.

Thị trường BĐS chỉ lành mạnh khi người dân có nhu cầu nhà ở thực sự tham gia. Thị trường trong thời gian qua là thị trường của phần lớn nhà đầu cơ; người có thu nhập thấp chỉ đủ tiền mua đất nông nghiệp, rồi liều cất nhà để ở thôi, điển hình là khu vực Gò Vấp, Bình Chánh... Tất nhiên như vậy thì không thể có qui hoạch được rồi.

Chúng ta đang rơi vào một vòng luẩn quẩn - để giá đất tăng lên quá cao chúng ta sẽ rất khó làm quy hoạch, do đền bù giải tỏa khó, có qui hoạch xong rồi bán cũng khó đến tay những người có nhu cầu thực sự, vì họ không đủ tiền mua, và rồi họ cũng sẽ lại liều đi mua đất nông nghiệp, cất nhà để ở và tất nhiên sẽ mua bán bằng giấy tay.

Nhà nước nên có chính sách kéo giá đất xuống mức để đại đa số người dân chấp nhận được, tất nhiên là phải đi kèm điều kiện mỗi người (trên 18 tuổi) chỉ được quyền đứng tên sử dụng trên một diện tích đất ở (thổ cư) nhất định nào đó, cỡ 200m vuông chẳng hạn; nếu muốn sử dụng hơn phải chịu một mức thuế nào đó, vì đất đai là tài nguyên có hạn, không thể tích lũy như vàng bạc được. Nếu cứ xem đất đai như các hàng hóa khác để thị trường tự quyết định thì chúng ta sẽ đẩy những người nghèo ra đường mất, đến lúc đó hậu quả xã hội thật khó lường.

Tâm lý người dân bây giờ cứ có một chút tiền thừa là đầu tư vào đất, vì người ta quan niệm "người thì càng ngày càng đông, mà đất thì có đẻ ra thêm đâu" tranh thủ có tiền là mua đất ngay, để mai sau cho con cháu và có bán lại thì chắc chắn cũng có lời. Nhà nước nên có chính sách thay đổi cách suy nghĩ này, vì như vậy chẳng làm sinh thêm của cải vật chất cho xã hội, mà thực chất chỉ là tiền từ túi người này chạy sang túi người khác, hoặc tiền của chung chạy vào túi cá nhân thôi.

Vì những lý do trên, có thể đưa ra một số cách “phá băng” thị trường BĐS như sau:

- Đưa giá đất trở về với giá trị thực của nó, để là sao người có nhu cầu thực sự mua được.

- Không thể xem đất đai là hàng hóa như các hàng hóa khác được, vì đất đai không bao giờ sinh thêm, nên phải có định mức cho từng người dân, ai muốn hưởng thêm phải chịu thêm một khoản thuế nhất định nào đấy, thì như vậy mới làm cho công bằng xã hội được.
 
- Có thêm qui định đất dùng cho mục đích sản xuất, kinh doanh, để những người bỏ vốn ra làm ăn, làm lợi cho xã hội, họ cũng sẽ chỉ chịu những mức thuế nhất định (tất nhiên phải kèm theo điều kiện ràng buộc để giám sát đối tượng này).

- Đất đai hiện đang đóng băng, nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã đầu cơ đất đai đang tìm cách làm cho thị trường đất đai sôi động lại như trước ( thị trường ảo). Nhà nước phải cứng rắn trong vấn đề này, vì đó là quyền lợi của đại đa số nhân dân, của các thế hệ con cháu chúng ta sau này.

Nguyễn Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.