"Cây kéo" tình nguyện

31/10/2010 15:55 GMT+7

Từng là trẻ lang thang được Hội Chữ thập đỏ TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) bảo bọc trong Trung tâm Mái ấm tình hồng, nay anh Nguyễn Đức Sơn đã quay lại để giúp các em có hoàn cảnh như anh dạo trước...

Tiệm cắt tóc nhỏ Thanh Sơn, nằm trên QL1 thuộc phường Đông Giang, TP Đông Hà mở ra hơn 3 năm nay. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ông chủ trẻ vẫn ngày ngày đi về nơi từng có một tuổi thơ khốn khó...

Quê anh ở tận xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng mới 7 tuổi anh đã lạc gia đình và dạt về Đông Hà. Còn quá nhỏ để anh có thể nhớ được địa chỉ chính xác của gia đình mà tìm về nên đành chọn gầm cầu Đông Hà làm nơi trú ngụ. Ban đầu, đứa trẻ vô gia cư lê lết xin ăn, khi thì ổ bành mì khô rang, khi thì được chén cơm nguội... cốt sao cho qua ngày. Dạo ấy những tiểu thương ở chợ Đông Hà không lạ gì thằng nhóc nhỏ thó, giọng trọ trẹ lui tới mỗi ngày. Mùa đông, anh bán nước chè nóng, hè về anh lại chuyển sang bán kem...

Năm 1998, Hội Chữ thập đỏ TP Đông Hà tổ chức đợt điều tra về các đối tượng trẻ lang thang trên địa bàn. "Người ta hỏi chúng tôi là có ước muốn gì? Mấy đứa khác nói muốn có nhiều tiền, muốn về quê, còn tôi nói tôi chỉ ước muốn có một mái nhà để sống như bao bạn khác... Thế là tôi được về sống tại Trung tâm Mái ấm tình hồng", Sơn nhớ lại.

Hơn 3 năm anh đã được sống trong sự bảo bọc của những tấm lòng, của những nhà hảo tâm và được vui chơi, học hành cùng bạn bè trang lứa. Thời gian này, Sơn cảm nhận hơn bao giờ hết cái gọi là tình người... Đến hạn ra khỏi trung tâm, Sơn quay về Hà Tĩnh để tìm người thân. Niềm vui đoàn tụ chưa lâu, Sơn nộp đơn trở lại Trung tâm Mái ấm tình hồng để trở thành một tình nguyện viên...

Anh Sơn đến với nghề cắt tóc như là một cái duyên bởi "sư phụ" dạy nghề cho anh cũng là một tay kéo tốt bụng thường đến trung tâm cắt tóc miễn phí. Và như một sự đền đáp tiếp nối, khi tay kéo bắt đầu vững, anh là thợ cắt tóc "độc quyền” của lớp lớp đàn em sau này. Đến nay, đều đặn hằng tháng Sơn vẫn mang kéo, lược trở về trung tâm, trường Nguyễn Đình Chiểu, Hội người mù của tỉnh để “múa kéo” từ thiện. "Tôi chẳng có nhiều bạc tiền, chỉ mỗi cái nghề, may ra giúp đỡ cho các em được phần nào bớt mặc cảm. Tôi không bao giờ coi đó là việc trả nợ đời... bởi nợ đời thì trả lúc nào cho đủ” - anh Sơn giãi bày.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.