Luật im lặng của CIA

03/11/2010 23:31 GMT+7

Ít hé lộ thông tin để bảo đảm các nguyên tắc tình báo, đôi khi CIA khiến Quốc hội Mỹ phật ý vì kín kẽ quá mức.

Từ sau vụ 11.9.2001 đến tận giữa tháng 6.2009, CIA đã giấu Quốc hội về một chương trình chống khủng bố bí mật, theo New York Times. Cục Tình báo trung ương đã hành động dưới chỉ thị của Phó tổng thống lúc ấy là Dick Cheney. Sau khi trở thành Giám đốc CIA vào tháng 2.2009, ông Leon Panetta đã cho ngừng ngay kế hoạch và báo cáo lên Quốc hội vài tháng sau đó. Theo một số nghị sĩ và quan chức tình báo Mỹ, chương trình này không liên quan đến những nghi vấn về việc tra tấn tù nhân. Nhiều tháng sau sự kiện 11.9, chính quyền Tổng thống George W.Bush vẫn lo ngại về một vụ tấn công khác của al-Qaeda. Vì thế, giới lãnh đạo tình báo lập ra một kế hoạch chống khủng bố “cứng rắn” và quyết định không trình lên Quốc hội. Trong báo cáo của mình, ông Panetta chỉ cho biết kế hoạch chưa từng được thực hiện trọn vẹn nhưng không nói rõ chi tiết.

Bình mới rượu cũ

Những nghi ngờ về tính chính xác trong các báo cáo của CIA là nguyên nhân thành lập các ủy ban giám sát ngành tình báo của Quốc hội từ thập niên 1970. Luật của Mỹ quy định các ủy ban của Quốc hội “được cung cấp thông tin về mọi hoạt động tình báo một cách thường xuyên và trọn vẹn, kể cả những kế hoạch đang trong thời gian chuẩn bị”. Bất đồng càng tăng cao trong các nhiệm kỳ của Tổng thống Bush, khi CIA và một số cơ quan tình báo khác tập trung vào cuộc chiến chống al-Qaeda. Phe Dân chủ khẳng định ông Bush đã hạn chế nguồn thông tin tình báo cho Quốc hội và từ lúc Tổng thống Obama lên nắm quyền, họ luôn muốn thay đổi cơ chế của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) để cải thiện việc trao đổi thông tin giữa CIA với Quốc hội. Tuy nhiên, ông Obama cho biết có thể phủ quyết nếu các dự luật làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc bảo mật của ngành tình báo.

New York Times dẫn lời nghị sĩ Dân chủ Adam Smith nhận định về vụ CIA và ông Cheney che giấu thông tin: “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi gặp khó khăn trong việc nhận thông tin từ CIA. Nhưng dân chúng luôn đòi hỏi chúng tôi phải tường trình rõ ràng về mọi hoạt động của cơ quan này”. Trong khi đó, nghị sĩ Cộng hòa Peter Hoekstra thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện cho rằng có thể du di cho việc giữ kín thông tin tình báo trong trường hợp kế hoạch chưa được hoàn thành. Nhưng ông cũng thừa nhận CIA không tôn trọng các đòi hỏi chính đáng của Quốc hội.

Đằng sau sự yên lặng

Ngân sách hoạt động khổng lồ

Theo công bố của Chính phủ hôm 29.10, trong năm tài khóa 2010 vừa kết thúc, ngân sách dành cho hoạt động tình báo của Mỹ là 80,1 tỉ USD, chiếm 12% ngân sách quốc phòng. Trong đó, riêng chương trình Tình báo quốc gia tiêu tốn 53,1 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiết lộ kinh phí của ngành tình báo. Trước đó, theo tờ Washington Post, Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) tăng từ 7.500 nhân viên năm 2002 lên 16.500 nhân viên hiện nay.

Kể từ sau khi được thành lập năm 1947, không ít lần CIA bị cáo buộc “vượt rào” về mặt pháp lý, đạo đức trong hoạt động. Nhà báo Tim Weiner của tờ New York Times nhắc lại tuyên bố của tướng John Magruder trong những ngày CIA còn đang được “hoài thai”: “Các hoạt động tình báo có thể dẫn đến thường xuyên vi phạm luật lệ. Cả Lầu Năm Góc lẫn các bộ, sở đều không thể thực hiện những nhiệm vụ nhiều rủi ro như thế. Vì thế, cần có một đơn vị chuyên biệt để lãnh nhận trách nhiệm này”. Giám đốc CIA giai đoạn 1953-1961 Allen Dulles cũng từng xác nhận: “Ám sát chính trị cũng thuộc phần việc của chúng tôi nếu tổng thống cho phép. Trong trường hợp đó, chúng tôi phải đảm bảo nếu CIA bị cáo buộc giết người ở nước ngoài thì tổng thống vẫn có thể khẳng định không hay biết gì cả”, theo Le Monde Diplomatique.

Dưới sự hậu thuẫn của Washington, CIA từng bị cáo buộc dính vào ám sát chính trị, đảo chính, cố tình tạo nên bất ổn, buôn bán vũ khí… ở nhiều nước. Phần lớn các nhiệm vụ tuyệt mật này bị báo chí và những ủy ban điều tra thuộc Quốc hội phanh phui. Một trong những điểm nhấn đáng nhớ chính là vụ Iran-Contragate, CIA bán vũ khí cho Iran để cung cấp tài chính cho lực lượng phản cách mạng Nicaragua năm 1986. Chính Tổng thống Bush từng ký một sắc lệnh năm 2002 quy định: “Không một công ước Geneva nào được áp dụng vào cuộc chiến với al-Qaeda”.

Đến nay, CIA vẫn chưa thật sự hoàn thành nhiệm vụ tối thượng: đảm bảo tổng thống Mỹ luôn nắm rõ mọi vấn đề quan trọng trên thế giới. Cơ quan này không thể dự đoán trước cuộc cách mạng năm 1979 đưa Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo, cũng chẳng tiên liệu cụ thể về thời điểm nhạy cảm cuối thập niên 1980 của khối Liên Xô, và đặc biệt đã để Osama bin Laden đánh sập tòa nhà WTC ngay giữa New York năm 2001… Theo Le Monde Diplomatique, nguyên nhân vì CIA đảm đương quá nhiều nhiệm vụ, hoạt động như một tổ chức bán quân sự chứ không chuyên tâm khai thác thông tin. Cái chết của 7 mật vụ tại một căn cứ quân sự ở Afghanistan hồi đầu năm đã chứng minh điều này. Cục Tình báo Trung ương Mỹ từ lâu vẫn có một lực lượng bán quân sự, Đơn vị Biệt động (Special Activities Division - SAD). Trước đây, SAD ít khi được huy động, nhưng từ sau vụ 11.9, mọi chuyện đã thay đổi. Washington thường xuyên điều động lực lượng này thâm nhập các nước như Pakistan và Somalia, như “tiền quân” trong các chiến dịch vây bắt đầu não al-Qaeda. Nhiều cựu mật vụ lo ngại về việc chính phủ đang “quân sự hóa” CIA và khiến cơ quan tình báo danh tiếng nhất thế giới ngày càng xa rời nhiệm vụ lịch sử: tình báo và gián điệp.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.