Làm gì để đường phố không rác?

23/10/2008 11:43 GMT+7

Để đường phố không còn rác phải kêu gọi tất cả người dân cùng hành động, nếu không sẽ xảy ra tình trạng hết phong trào đâu lại vào đấy

Ngoài ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác cũng là nguồn ô nhiễm nhức nhối của TPHCM trong suốt những năm qua. “Làm gì để đường phố không rác?”. Câu hỏi này lại được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại buổi làm việc xung quanh chủ đề “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị” sáng 22-10, do Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM chủ trì.

Chọn mô hình cho từng quận, huyện

Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM cho biết từ đầu năm 2008 đến nay đã tham mưu và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chương trình hành động “Vì đường phố không rác” với những mô hình mang tính đặc thù riêng cho từng quận, huyện. Ví dụ như, để đạt được tiêu chí “Văn minh-xanh-sạch” tại quận 1, ngoài việc chọn thêm 10 tuyến đường không rác và tiếp tục duy trì 37 tuyến đường không rác đã thực hiện trong năm 2006, chính quyền địa phương còn thực hiện chương trình “Chợ không rác” và “Công viên không rác”. Trong khi đó, tại huyện Hóc Môn với đặc trưng của một huyện ngoại thành, ý thức chấp hành về môi trường của người dân còn thấp nên các đơn vị liên quan đã chọn mô hình “Xác định điểm nóng, xử lý tồn đọng” để ra quân tổng dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh... Đối với tình trạng kênh rạch ngập ngụa rác ở quận Bình Thạnh, Sở TN-MT và các đơn vị liên quan đã chọn tiêu chí “Chung sức với kênh rạch xanh” để hành động. Cụ thể, chỉ tính các đợt ra quân tổng dọn vệ sinh trong tháng 6 và tháng 7-2008, chương trình đã huy động được hơn 5.585 lượt người tham gia, thu gom trên 85.822 tấn rác, xóa 22 tụ điểm rác tự phát, nạo vét 720 tấn bùn ở rạch Bùi Hữu Nghĩa... Nhằm tránh tình trạng “vớt rác hôm trước hôm sau lại đầy” sau khi nạo vét xong tuyến rạch Bùi Hữu Nghĩa, Sở TN-MT đã chủ động bàn giao tuyến rạch này cho chính quyền và người dân địa phương bảo vệ.

Thiếu nhà vệ sinh công cộng

Các đại biểu HĐND TPHCM cho rằng hiện nay số nhà vệ sinh công cộng ở TP còn quá ít, nhiều khu vực không có nhà vệ sinh nên xảy ra tình trạng tiểu tiện mất vệ sinh. Sở TN-MT cho biết đã khảo sát xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại 23 quận, huyện trên địa bàn TP và giao cho Công ty Thanh niên Xung phong TP đầu tư xây dựng. Công ty Thanh niên Xung phong TP đã nhận được 43 địa điểm để xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các quận, huyện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 23 địa điểm tại quận 3, 4, 5, 6, Gò Vấp, Tân Phú chưa được các quận này cấp phép để tiến hành xây dựng. 

Với phương châm “Cửa nhà không rác, thu gom đúng giờ” từ đầu năm đến nay, quận 6 đã tập trung tuyên truyền mô hình này đến 100% hộ dân. Bên cạnh đó, mô hình “Phường không rác” tại quận 8 bước đầu cũng đã được đông đảo người dân ủng hộ...

Hành động thay phong trào

Ông Trần Đại Đồng, Phó Giám đốc Công ty Đô thị, cho biết thêm trong 9 tháng đầu năm 2008, đã lắp đặt 420 thùng rác loại trên địa bàn quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh và đang chuẩn bị lắp thêm 60 thùng rác trên địa bàn quận 6. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM, hiện nay tình trạng xả rác ở các tuyến đường lớn còn rất phổ biến, do đó cần phải rà soát lại để có kế hoạch thực hiện hiệu quả. Thượng tọa Thích Thiện Tánh, Phó Ban Thường trực Ban trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, cho rằng cần phải giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cấp phường và tổ khu phố trong việc ngăn chặn tình trạng vứt rác bừa bãi. Ngoài ra, cũng phải giao trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý thùng rác công cộng để tránh tình trạng bị phá hỏng.

Ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện Ủy ban MTTQ VN TPHCM, cho rằng khối lượng công việc Sở TN-MT đã thực hiện từ đầu năm 2008 đến nay rất nhiều, tuy nhiên, cần tổng kết đánh giá lại, xem còn tồn đọng những vấn đề gì chưa làm được để xác định nguyên nhân cụ thể do ai, cách khắc phục ra sao... “Vai trò của các câu lạc bộ phụ nữ, hưu trí... trong việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở các địa phương rất lớn, do đó chúng ta phải có những kế hoạch phối hợp thực hiện để đạt hiệu quả cao hơn...” - ông Lưu góp ý thêm.

“Để đường phố không còn rác phải kêu gọi tất cả người dân cùng hành động, nếu không sẽ xảy ra tình trạng hết phong trào đâu lại vào đấy”- thượng tọa Thích Thiện Tánh nhấn mạnh.

Theo Trung Thanh / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.