Hội đồng Bảo an và... Việt Nam

30/09/2007 22:55 GMT+7

Có thể gọi Hội đồng Bảo an là "trái tim quyền lực" của Liên Hiệp Quốc khi nắm vai trò tối quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về an ninh quốc tế. Nhân sự kiện Việt Nam sắp trở thành thành viên không thường trực, Thanh Niên xin giới thiệu đôi nét về cơ quan này.

Trái tim quyền lực

Hội đồng Bảo an (HĐBA) hình thành ngay sau khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) chính thức được thành lập. Ngày 17.1.1946, kỳ họp đầu tiên của HĐBA được tổ chức tại London, thủ đô nước Anh. Kể từ đó, cơ quan này nắm trong tay chiếc gậy quyền lực của LHQ. Khác với những cơ quan ngang hàng, chẳng hạn như Hội đồng Kinh tế - Xã hội, HĐBA không chỉ có chức năng đề xuất, gợi ý mà còn có thể "uốn nắn" các quốc gia thành viên nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh cho thế giới.

Theo Hiến chương LHQ, cơ quan này có thể điều tra những mối bất đồng hoặc nguy cơ dẫn tới xung đột quốc tế, từ đó đưa ra giải pháp nhằm điều chỉnh tình hình nếu nhận thấy bất đồng có thể đe dọa hòa bình và an ninh thế giới. HĐBA cũng có thể đem ra xét xử tại tòa án quốc tế các cá nhân phạm tội ác chiến tranh, đề nghị Đại hội đồng LHQ rút tư cách thành viên của một nước.

Hiến chương LHQ còn quy định HĐBA có quyền kêu gọi các nước thành viên tuân thủ lệnh cấm vận kinh tế mà cơ quan này đưa ra. Ở một mức cao hơn, HĐBA có thể đưa ra phương án hành động trong hoàn cảnh "hòa bình quốc tế bị đe dọa". Khi có xung đột, HĐBA không chỉ "đưa ra phương án" mà có thể trực tiếp hành động, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực để "tái lập an ninh và hòa bình". Trong lịch sử, HĐBA từng nhiều lần "ra tay" khi có xung đột quân sự, chẳng hạn như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn 50 năm, cuộc chiến Iraq - Kuwait năm 1991, các sứ mệnh tại Somalia, Li-băng...

Chức Chủ tịch HĐBA được các nước luân phiên nắm giữ. Tháng 9 vừa qua, Pháp giữ ghế chủ tịch luân phiên và hiện Ghana đang giữ cương vị này. Indonesia và Ý sẽ lần lượt nắm ghế chủ tịch luân phiên trong hai tháng cuối của năm 2007.

Trong bộ máy HĐBA, có một số quốc gia đóng vai trò chủ đạo.

Toàn cảnh một buổi họp của HĐBA - Ảnh: AFP

Thành viên thường trực...

Có thể nói quyền lực của HĐBA nằm phần lớn trong tay 5 nước thành viên thường trực, nhiều lúc người ta gọi nôm na nhóm này là "ngũ đế". Nhóm thành viên thường trực ban đầu gồm: Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Pháp và Vương quốc Anh. Đến năm 1971, ghế thành viên thường trực của Đài Loan được chuyển về cho Trung Quốc và tiếp sau đó, Đài Loan cũng mất hết tư cách thành viên trong tất cả các tổ chức trực thuộc LHQ. Đến năm 1991, Nga trở thành quốc gia kế thừa ghế thành viên thường trực của Liên Xô. Hiện nhóm thành viên thường trực HĐBA gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Vương Quốc Anh.

Theo Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân, "ngũ đế" cũng là nhóm quốc gia duy nhất trên thế giới có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiện nay, Pakistan, Ấn Độ và có thể cả Israel cũng có vũ khí hạt nhân nhưng đây là các quốc gia không ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Còn CHDCND Triều Tiên, nước từng tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân, thì đang trên đường chấm dứt toàn bộ chương trình hạt nhân của mình. Bốn trong số năm thành viên thường trực hiện là những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh (tính theo giá trị xuất khẩu). Riêng Trung Quốc xếp thứ bảy về xuất khẩu vũ khí.

Quyền quan trọng nhất của mỗi nước thành viên thường trực là quyền phủ quyết. Chỉ cần một lá phiếu phủ quyết là có thể "giết chết" sự ra đời của bất cứ nghị quyết nào. Đây chính là một trong những điểm đặc trưng của HĐBA. Trong các cuộc bỏ phiếu, quyền phủ quyết được thể hiện bằng một lá phiếu chống; sự vắng mặt của một thành viên thường trực tại cuộc bỏ phiếu không được coi là hành động phủ quyết. Trong lịch sử, Liên Xô (và Nga) là nước nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết nhất: 122 lần; Mỹ xếp thứ nhì với 81 lần.

Khi Việt Nam là thành viên

Nếu thắng cử, Việt Nam sẽ giữ tư cách thành viên không thường trực HĐBA trong 2 năm: 2008 và 2009. Cũng như các nước thành viên khác, Việt Nam phải có đại diện thường xuyên tại trụ sở LHQ ở New York để tham gia tìm kiếm giải pháp khi có tình hình đặc biệt xảy ra, ảnh hưởng tới an ninh quốc tế.

Mỗi nghị quyết của LHQ phải được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị bất cứ thành viên thường trực nào phủ quyết mới được thông qua. Như vậy, nếu trở thành thành viên, Việt Nam sẽ có quyền bỏ phiếu đối với những nghị quyết liên quan tới các vấn đề an ninh quốc tế. Việt Nam cũng có thể tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của HĐBA tại nhiều nơi trên thế giới.

...và không thường trực

Sau 5 nước quyền lực nói trên là nhóm các nước thành viên không thường trực của HĐBA, được bầu theo nhiệm kỳ hai năm; các nhiệm kỳ bắt đầu vào tháng 1 hằng năm. Nhóm này không có quyền phủ quyết nhưng có thể thảo luận với "ngũ đế" để tiến tới việc đưa ra giải pháp nhằm giải tỏa bất đồng.

Từ năm 1946-1965, HĐBA có 6 thành viên không thường trực nhưng con số này sau đó được nâng lên 10 thành viên với "quota" cho mỗi khu vực như sau: châu Phi: 3, châu Á: 2, châu Mỹ La-tinh và Caribe: 2, Tây u và các nước khác: 2, Đông u: 1. Trong số đó, có một suất thuộc về khối Ả Rập, luân phiên giữa châu Phi và châu Á (hiện Qatar - một nước châu Á - đang giữ suất này). Các thành viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới. Các thành viên hiện tại gồm: Bỉ, CH Congo, Ghana, Indonesia, Ý, Panama, Peru, Qatar, Slovakia và Nam Phi.

Từ năm 2000 trở về trước, Israel không được xếp vào bất cứ khu vực nào trên thế giới nên không thể trở thành thành viên không thường trực của HĐBA hoặc tham gia một số cơ quan của LHQ. Xét về vị trí địa lý, Israel rơi vào nhóm châu Á nhưng do hàng loạt nước trong thế giới Ả Rập không "chơi" với Israel nên nước này vẫn đứng ngoài cuộc. Từ năm 2000 - 2004, khi được xếp vào nhóm Tây u và các nước khác, vai trò của Israel được mở rộng ra.

Những "cuộc chiến"

Binh sĩ Indonesia tham gia lực lượng của LHQ - Ảnh: Defenselink.mil

Các cuộc bầu cử thành viên không thường trực đôi khi diễn ra rất gay cấn. Chẳng hạn như vào năm ngoái, Venezuela và Guatemala đã bất phân thắng bại trong cuộc đua vào HĐBA cho nhiệm kỳ 2007-2008. Sau 47 lần bỏ phiếu, người ta phải đi tới giải pháp thỏa hiệp và chọn... Panama vào thay thế. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình huống trớ trêu như thế. Vào năm 1979, trong thời đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, Cuba và Colombia cũng cạnh tranh nhau khốc liệt trong một cuộc bầu cử kéo dài tới 3 tháng, với 155 vòng bỏ phiếu. Cuối cùng, một giải pháp trung gian được đưa ra: cả Cuba lẫn Colombia rút lui và Mexico trở thành "ngư ông đắc lợi".

Ở cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ 1960-1961, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất phân thắng bại, sau đó phải tiến tới giải pháp thỏa hiệp: mỗi nước giữ tư cách thành viên một năm. Trước đó, vào nhiệm kỳ 1956-1957, một cuộc chiến dai dẳng cũng đã nổ ra giữa Nam Tư và Philippines. Sau nhiều vòng bất phân thắng bại, Nam Tư đã giành chiến thắng, nhưng nước này chỉ giữ nhiệm kỳ một năm và "thoái vị" để nhường chỗ cho Philippines.

Những thế lực mới

Cùng với sự đổi thay của thế giới, HĐBA đứng trước yêu cầu phải "làm mới bản thân". Theo một kế hoạch cải tổ được đề xuất gần đây, số thành viên thường trực có thể sẽ tăng thêm 5 quốc gia nữa, trong đó các ứng cử viên được đề cập nhiều nhất là Đức, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ và một quốc gia châu Phi (có thể là Nam Phi hoặc Nigeria). Gần đây, đại diện của một số quốc gia gợi ý rằng có thể 5 thành viên thường trực mới sẽ không được trao quyền phủ quyết. Những đề xuất trên hiện đang gây nhiều tranh cãi và việc có thêm thành viên thường trực HĐBA là một vấn đề của tương lai khá xa.

Ngài Phủ quyết

Giai đoạn 10 năm đầu tiên sau khi LHQ thành lập, Liên Xô là thành viên nổi tiếng với "mật độ phủ quyết dày đặc". Nước này có đến 79 lần "nói không" trong thời gian đó, đến mức ông Vyacheslav Molotov (ảnh), đại biểu nhân dân và sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đã được gán biệt danh "Mr. Veto" (Ngài Phủ quyết).

Ông Molotov thường "nói không" trong việc kết nạp thành viên mới vào LHQ để trả đũa việc Mỹ không công nhận thể chế các nước cộng hòa tồn tại trong Liên bang Xô Viết. Ông Molotov (1890- 1986), chính là một trong những tác giả của Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô vào năm 1939. Tên ông cũng được đặt cho "món" cocktail Molotov, loại vũ khí tự chế bằng cách đổ xăng vào chai. Loại bom này được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả diệt xe tăng.

Châu Minh Linh (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.