Trộm trong trường đại học

14/11/2009 15:49 GMT+7

Hiện tượng trộm cắp trong trường đại học không phải là chuyện mới nhưng thời gian gần đây lại rộ lên ở một số trường, gây hoang mang cho sinh viên.

Sinh viên (SV) Nguyễn Thị Kim Liên (khoa ngữ văn Anh) kể lại cho chúng tôi nguyên nhân mất chiếc laptop vì cả tin người bạn mới. Do thường xuyên ngồi học ở dãy nhà C Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, Liên gặp gỡ Giang nơi đây. Mỗi khi ra ngoài, Giang gửi nhờ Liên giữ tất cả mọi thứ, kể cả ví tiền. Được tin tưởng như thế, Liên cũng thấy mến người bạn mới. Lần nọ, Liên gửi lại túi xách và chiếc laptop cho Giang để đi vệ sinh nhưng khi ra đến nơi, Giang cùng tài sản của Liên đã biến mất...

Trộm tràn lan

Trường ĐH KHXH-NV (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 - TPHCM) thường xuyên có SV bị mất trộm laptop, kim từ điển, dụng cụ học tập, máy MP3, điện thoại di động..., đến nỗi trở thành nỗi ám ảnh đối với phần đông SV trong trường. Gần đây nhất, SV Nguyễn Ánh Hồng (khoa xã hội học) bị mất ba lô trong đó có chiếc laptop hiệu Siemens (trị giá 16 triệu đồng) và một kim tự điển. Trước đó 2 ngày, một SV nữ để giỏ xách bên ngoài nhà vệ sinh, khi trở ra chiếc túi đã không còn.

SV Hoàng Văn Hợi (khoa nhân học), nạn nhân của một vụ trộm, cho biết các đối tượng trộm cắp thường ăn mặc lịch sự, mang theo sách vở tới các khu vực học tập của SV tại nhà C, D của trường, lân la làm quen với những SV khá giả rồi tìm cơ hội để ra tay. Ngoài ra, có không ít trường hợp SV bị mất xe máy khi gửi trong trường, do các đối tượng trộm cắp làm vé xe giả y như thật khiến nhà xe cũng không phát hiện. Mới đây, có một đối tượng ăn mặc lịch sự, giả vờ là giáo viên của trường, đàng hoàng đi vào hầm để xe của CBCNV rồi lấy chiếc SH, phóng ào ra trước mặt bảo vệ tẩu thoát. Vụ việc được nhà trường báo cho công an, đối tượng này đã bị Công an phường Bến Nghé phối hợp với Công an quận Bình Tân bắt gọn sau đó.

Cơ sở 2 Trường ĐH Luật TPHCM (quận Thủ Đức), Trường ĐH Thể dục Thể thao II, trường ĐH GTVT (quận 2), Trường ĐH Nông Lâm cũng thường xuyên nằm trong tầm ngắm của “đạo chích”. Có khi đối tượng đóng giả SV lên tận phòng giả vờ tìm người nhà, cũng có khi chúng trà trộn vào giảng đường, lớp học. Trắng trợn nhất là vụ trộm tại ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các đối tượng đã vào ký túc xá, mở cửa sau lấy đi 15 chiếc xe máy của SV mà bảo vệ không hề hay biết. 

Quản lý lỏng lẻo, sinh viên thờ ơ           

Sở dĩ Trường ĐH KHXH-NV thường xuyên bị mất trộm là do lượng SV quá đông, vừa là SV hệ chính quy, sau ĐH, lại vừa có học viên các lớp ngoại ngữ... Trong khi đó, việc quản lý của nhà trường có phần lỏng lẻo . Theo ghi nhận của chúng tôi, những trường mà SV mặc đồng phục, đeo thẻ, bảo vệ kiểm tra giấy tờ tùy thân đối với người ngoài một cách kỹ càng từ cổng vào, như trường ĐH Bách khoa, ĐH Y Dược TPHCM..., thì thường ít mất trộm.

Trả lời chúng tôi về hiện tượng mất trộm xảy ra thường xuyên ở Trường ĐH Nông Lâm, một vị trong ban giám hiệu nhà trường nói: “SV chủ quan, lơ là nên mất đồ dùng, xe máy thì tự chịu chứ nhà trường không can thiệp. Chỉ khi nào SV ở ký túc xá bị mất trộm thì tùy theo từng trường hợp, nhà trường sẽ xem xét”. Còn ông Đinh Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH KHXH-NV, cho biết: “Hiện tượng trộm cắp vốn đã có từ lâu trong trường, không chỉ SV mà CB-CNV của trường cũng nhiều lần phản ánh. Đây là điều nhức nhối mà nhà trường chưa giải quyết được”. Ông Thạch cho rằng do trường có vị trí hai mặt giáp đường lớn, khuôn viên trường lại rộng nên các đối tượng xấu dễ vào. Trong khi đó, đội ngũ bảo vệ của trường không có nghiệp vụ bảo vệ nên thường giải quyết tình huống theo cảm tính. Để hạn chế tình trạng này, nhà trường sẽ nâng cao nghiệp vụ cho bảo vệ và sắp tới sẽ gắn thẻ điện tử đa năng ngắn hạn và dài hạn để quản lý tất cả những người ra vào trường.

Tuy nhiên, từ những vụ bị mất trộm trên cũng cho thấy, chính SV đã quá thờ ơ với việc tự bảo vệ tài sản của mình khi dùng dụng cụ học tập để giữ chỗ ngồi hoặc để túi xách bên ngoài nhà vệ sinh... Với việc quản lý còn bất cập của nhà trường, để bảo toàn tài sản, trước mắt chỉ còn cách SV phải nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ. 

Theo Thành Đồng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.