Đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với Việt Nam

02/12/2006 15:58 GMT+7

Ngày 1/12, Liên minh Mỹ- Việt ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO đã gửi thư cho các nhà lãnh đạo hai viện Quốc hội Mỹ đề nghị nhanh chóng thông qua Qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam trước khi Quốc hội khóa 109 nghỉ làm việc.

Bức thư gửi ông J.Dennis Hastert, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, lãnh tụ phe thiểu số Hạ viện, ông Bill Frist, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện và ông Harry Reid, lãnh tụ phe thiểu số Thượng viện, nêu rõ: Các thành viên của Liên minh chúng tôi, gồm hơn 150 công ty Mỹ, các nhóm chủ trang trại, các hiệp hội và tổ chức lợi ích công chúng, muốn lưu ý quí vị về những thiệt hại trên lĩnh vực thương mại nếu Mỹ không áp dụng PNTR một khi tư cách thành viên WTO của Việt Nam có hiệu lực vào cuối tháng 12/2006. Chúng tôi yêu cầu các vị hãy mau chóng hành động để thông qua PNTR với Việt Nam trước khi các chủ trang trại, những người lao động và các công ty của Mỹ phải trả giá do mất các hợp đồng, mất cơ hội bán hàng và tiếp cận thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, chúng tôi cũng đề nghị phải có sự công bằng trong các biện pháp được đưa ra áp dụng với ngành công nghiệp dệt may.

Bức thư viết tiếp: Với việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn gia nhập WTO ngày 28/11 qua, quy chế thành viên WTO của Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay. Nếu Mỹ không áp dụng PNTR với Việt Nam, tất cả các cam kết của Việt Nam với WTO sẽ không phải đương nhiên có hiệu lực với Mỹ. Nước Mỹ sẽ ở thế bất lợi trong việc tiếp cận thị trường quan trọng gần 84 triệu dân này, trong khi các đối thủ của chúng ta lại hưởng lợi nhờ những cơ hội mới được tạo ra từ việc Việt Nam gia nhập WTO và đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam.

Sau khi nhắc lại rằng PNTR với Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ, bức thư một lần nữa kêu gọi Quốc hội Mỹ hãy hành động để giải quyết vấn đề PNTR với Việt Nam trong những ngày còn lại của khóa 109, trước khi việc không áp dụng qui chế này có thể gây thiệt hại cho khả năng cạnh tranh của Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Tham gia ký tên vào bức thư trên có đại diện các tổ chức và tập đoàn công ty hùng mạnh ở Mỹ, trong đó có công ty Boeing, Citigroup, Chevron, Hiệp Hội công nghệ kĩ thuật tin học...

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.