Bế tắc trước tình trạng người châu Phi "nhập cư"

26/11/2008 23:38 GMT+7

Ban giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo mở đợt tổng kiểm tra rà soát người nước ngoài cư trú trên địa bàn, như một động thái siết chặt công tác quản lý nhập cảnh.

Cơ quan điều tra mệt mỏi

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra các vụ án do người nước ngoài gây ra, ngày càng nhiều ở TP.HCM. Vụ nhóm người Nigeria chém nhau ở Q.Phú Nhuận vào ngày 12.11.2008 là một điển hình. Công an đã bắt 8 người, thu 2 búa chẻ củi, 1 búa đóng đinh. Những người này nói tiếng Anh rất thành thạo nhưng khi công an quận lấy lời khai thì họ giả vờ bập bẹ, tiếng được tiếng mất. Có lúc họ lắc đầu tỏ ra không hiểu hoặc khai báo lung tung, ngồi lì ra đó... Điều tra viên và cán bộ phiên dịch (PA18) mất nhiều giờ mới hoàn tất được biên bản lời khai. Thậm chí, những người bị bắt còn khai man ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều tra. Như lúc ở trụ sở Công an Q.Phú Nhuận, một người khai tận mắt thấy 2 đồng bọn của mình chém người; chỉ ra đích danh, rồi đồng ý ký vào biên bản. Tuy nhiên, khi hồ sơ được chuyển lên Công an TP.HCM thụ lý thì người này khai ngược lại hoàn toàn. Anh ta còn đổ thừa do cán bộ phiên dịch sai, trong khi vị cán bộ này cũng chính là người đảm nhận nhiệm vụ thông dịch cho điều tra viên ở Công an TP.HCM hiện giờ! Một đội trưởng Đội Điều tra án của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, bức xúc: “Những người này tỏ ra rất xảo quyệt và dùng nhiều thủ đoạn của một tội phạm dày dạn kinh nghiệm để đối phó với cơ quan điều tra. Đến nay, vụ chém nhau ở Q.Phú Nhuận vẫn còn trong quá trình điều tra, 1 người đã được bảo lãnh cho về, 1 người đang ở Trung tâm bảo trợ xã hội”.

Đợt tổng kiểm tra rà soát (từ đầu đến giữa tháng 11.2008), PA18 đã phát hiện 109 trường hợp người nước ngoài vi phạm, trong đó người các nước châu Phi chiếm hết gần 95%, cụ thể: 99 người mang quốc tịch Nigeria, Nam Phi: 3 người, Ghana: 1 người... Trong đó, có 58 trường hợp không có giấy tờ tùy thân, 37 trường hợp sống lang thang, trễ hạn thị thực; 10 trường hợp gây mất trật tự công cộng; 1 nhập cảnh trái phép…
Mới đây (5.11.2008), trong buổi làm việc với chính quyền thành phố, đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cũng thừa nhận: “Tình hình tội phạm người nước ngoài ở thành phố ngày càng diễn biến phức tạp. Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đối mặt với không ít khó khăn như: bất đồng ngôn ngữ nên không thể thu thập đủ chứng cứ để xử lý hình sự. Hiện các cơ quan chức năng không có người phiên dịch các thứ tiếng bản địa. Đã có nhiều trường hợp, tội phạm nước ngoài gây án ở Việt Nam khi bị bắt chỉ sử dụng ngôn ngữ bản địa mặc dù biết tiếng Anh để đối phó với cơ quan điều tra".

Ngoài ra, theo một lãnh đạo cơ quan điều tra, do Việt Nam chưa có hiệp định hỗ trợ tư pháp đối với một số nước châu Phi, nên đã ảnh hưởng nhất định đến công tác điều tra. Nhiều tội phạm bị đề nghị trục xuất nhưng không có giấy tờ tùy thân, khi cơ quan chức năng nước ta làm việc với cơ quan ngoại giao phía bạn, họ thường từ chối tiếp nhận người vi phạm.

Chưa có nhà tạm giữ, chưa có luật điều chỉnh

Giải pháp được cho là hữu hiệu và cấp thiết nhất hiện nay là buộc xuất cảnh những trường hợp quá hạn thị thực. Tuy nhiên, công tác buộc xuất cảnh đang đối mặt với không ít khó khăn.

 
 Một “phù thủy” lừa đảo rửa đô la đen - Ảnh: Đàm Huy

Một trong những nguyên nhân khiến công tác buộc xuất cảnh những người quá hạn thị thực bị trì trệ là do đa số những người này nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực loại D. Đây là loại thị thực có giá trị 15 ngày, không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ở trong nước đứng ra bảo lãnh. Cho nên khi cơ quan công an buộc xuất cảnh thì họ không có khả năng tài chính, cũng không có người bảo lãnh đứng ra mua vé máy bay cho về nước. Trong khi đó cơ quan ngoại giao của một số nước chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam xử lý vụ việc liên quan đến công dân của họ. Tính sơ, nếu đưa hết khoảng 400 người châu Phi đang lưu trú quá hạn thị thực ở TP.HCM về nước, thành phố tốn ít nhất vài trăm ngàn USD!

Thêm cái khó nữa khiến công tác giải quyết số người quá hạn thị thực này rơi vào bế tắc. Đó là hiện nay ở nước ta chưa có nhà tạm giữ, chưa có luật hình sự điều chỉnh hành vi vi phạm luật cư trú đối với người nước ngoài giống như nhiều nước khác trên thế giới. Chính quyền thành phố cũng đã thấy rõ điều đó qua kiến nghị gửi Chính phủ: “…Về phía ta, các biện pháp chế tài về xử lý người nước ngoài vi phạm quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, gây tâm lý coi thường pháp luật; khi phát hiện người nước ngoài vi phạm ta chưa có nơi tạm giữ. Các biện pháp xử lý trong thời gian qua (lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh, đẩy đuổi…) chỉ mang tính tạm thời, tốn kém về nhân lực, kinh phí nhưng hiệu quả không cao…”. Trong đợt tổng kiểm tra rà soát người nước ngoài lưu trú ở thành phố vừa qua, PA18 đã phát hiện nhiều trường hợp sống lang thang, trễ hạn thị thực. Cơ quan công an liên lạc với Trung tâm bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM) để gửi số người trên nhưng trung tâm cũng không có đủ nhân viên để quản lý. Ở các nước khác, cảnh sát bắt giữ người vi phạm luật cư trú thì có nơi tạm giữ và có luật điều chỉnh nên người nước ngoài sợ, không dám vi phạm. Ở Việt Nam, với trường hợp trễ hạn thị thực, cơ quan công an chỉ có duy nhất biện pháp chế tài là xử phạt hành chính từ 500.000 - 2 triệu đồng/trường hợp. Với mức phạt quá nhẹ này, đồng thời không được phép tạm giữ quá 24 giờ như hiện nay, quy định đó chưa đủ sức răn đe người nước ngoài vi phạm.

“Thật là tiến thoái lưỡng nan! Cơ quan công an không thể giữ họ quá thời gian quy định, nhưng cũng không thể thả họ, nên tạm thời giao số người quá hạn thị thực cho chủ nhà trọ bảo lãnh, giám sát, chờ phân loại xử lý” – một cán bộ của PA18 lắc đầu ngao ngán.

Kiến nghị chấn chỉnh việc cấp thị thực

Trước đây, đã có tình trạng người các nước châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực B3 (dành cho thương gia, có đơn vị bảo lãnh) nhưng hầu hết ở lại Việt Nam không chịu về. Khi phát hiện, công an đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với đơn vị bảo lãnh và yêu cầu mua vé máy bay cho số người này về nước. Do nhiều lần bị phạt tiền, một số đơn vị chuyên “bảo lãnh” đã không dám làm dịch vụ này nữa. Nhưng kể từ khi nước ta cho phép cấp thị thực loại D, cộng với công tác quản lý cấp thị thực của ta chưa chặt chẽ đã vô hình trung tạo kẽ hở cho số người trên lợi dụng nhập cảnh vào Việt Nam, rồi ở lì lại không về. “Mỗi lần ra đường, cứ thấy người ở các nước châu Phi mà kiểm tra thì chắc chắn có đến 90% quá hạn thị thực. Có nhiều trường hợp xin thị thực vào Việt Nam 15 ngày nhưng ở đến 2 - 3 năm trời” - một cán bộ của PA18 khẳng định như vậy.

Để giải quyết khó khăn trên, vừa qua UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp chấn chỉnh công tác cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Cụ thể: hạn chế cấp thị thực cho số người có quốc tịch các nước châu Phi xin nhập cảnh nhưng lý do, mục đích không rõ ràng, không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, đón hoặc bắt buộc khi nhập cảnh phải có vé khứ hồi. Có sự trao đổi, thống nhất chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan trong việc giải quyết các vấn đề nhập cảnh của người nước ngoài ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao các nước châu Phi khuyến cáo công dân họ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với những trường hợp vi phạm cần giải quyết thông qua đường ngoại giao như mất hộ chiếu, giấy tờ hết hạn, không có kinh phí mua vé máy bay… thì thông báo và đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao nước có công dân vi phạm cùng phối hợp hoặc liên hệ với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), giúp đưa số người này trở về nước càng sớm càng tốt không để dây dưa, kéo dài gây khó khăn, phức tạp cho công tác xử lý. Cấp thiết nhất, Bộ Công an sớm ban hành quy định về xây dựng, sử dụng nhà lưu giữ người nước ngoài vi phạm trong thời gian chờ xử lý.

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.