Nghệ sĩ - ông bầu Phước Sang: Mê nghề hay mê tiền?

27/12/2008 13:32 GMT+7

Nói đến Phước Sang hiện giờ, người ta hình dung ra ngay một ông bầu cỡ bự với hàng loạt sân khấu và phim ăn khách, đến nỗi có người buột miệng: “Hình như Phước Sang đụng vào đâu là ở đó đẻ ra tiền”!

Thật ra Phước Sang đã theo nghiệp “làm bầu” từ khi còn ngồi ghế trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM niên khóa 1984-1989. Là sinh viên năm thứ 3, anh đã móc sô cho bạn bè đi diễn hài kịch khắp các cơ quan, xí nghiệp. Cái nhóm hài ngày ấy gồm anh và Huỳnh Phúc Điền, Mai Dũng, Phương Bình, Xuân Thu, Hồng Nga... chạy từ nhà văn hóa phường, quận, tới Đà Lạt, Vũng Tàu, và cuối cùng mỗi người sắm được... vài chỉ vàng.

Quả là “giàu có” so với đời sinh viên lúc ấy. Rồi từ đó bạo gan đầu tư cho sân khấu 135 Hai Bà Trưng (năm 1990), khán giả đông rần rần suốt 7 ngày trong tuần. Có thể nói địa chỉ 135 là cái nôi giúp rất nhiều diễn viên trẻ thành danh, chẳng hạn Minh Nhí, Cát Phượng, Hữu Châu... với những kịch bản hài nghiêm túc như Vụ án con bò, Rể Tây, Hội thi nói láo.

Đến năm 1992, Phước Sang nhảy vô làm phim và thắng lớn với Tình yêu vực thẳm, Em và Michael Jackson, Cô bé mộng mơ, Con không lấy vợ, cùng biết bao phim cải lương không còn nhớ nổi. Năm 1996, anh trở thành ông bầu của sân khấu Kịch Sài Gòn. Mới đây, Phước Sang lại đầu tư cải tạo rạp Đại Đồng và ra mắt liên tiếp hai vở, đều bán vé rất chạy. Và bây giờ người ta chỉ thấy một Phước Sang - giám đốc mà quên mất một Phước Sang - nghệ sĩ của làng sân khấu...

* Người ta lấy làm lạ tại sao mới là sinh viên thôi, anh đã “bạo gan” đi móc sô tùm lum như vậy. Tôi nhớ không lầm hồi ấy kỷ luật nhà trường gắt gao lắm, và xã hội chưa có cái nhìn thoáng về tư nhân.

- Chị nói đúng. Hồi đó tư nhân ra làm ăn thường bị gán cho danh từ “con buôn”, cứ xem như cái gì ghê gớm lắm so với thánh đường nghệ thuật. Nhưng tụi tôi đói quá, phải “mở đường máu” mà đi. Bây giờ chị thấy tôi mập mạp như vầy chứ hồi đó tôi ốm nhách, cả lũ bạn tôi cũng vậy, đứa nào cũng chỉ ăn gạo tem phiếu, và thiếu thốn mọi thứ nhu yếu phẩm, đến xe đạp cũng là giấc mơ.

Tôi nghĩ, phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Thế là lăn ra làm đủ thứ nghề. Nào vá xe, giữ xe, hậu đài, khiêng vác... miễn có cơm ăn để ngồi học là được. Nhưng làm một thời gian, tôi bàng hoàng tự hỏi: “Ủa, mình còng lưng ngồi học để làm những việc này hay sao? Mình phải sống bằng chính cái nghề của mình chứ, nếu không nghỉ quách cho rồi!”. Thế là tôi mon men tìm đến các cơ quan quen biết của bạn bè, thử xin người ta cho mình biểu diễn trong các dịp văn nghệ. Người ta đồng ý. Tôi kéo cả đám bạn đi theo.

Từ đó dắt díu nhau đi hoài, và tôi trở thành “bầu”. Dần dần tích lũy kinh nghiệm, biết điều nghiên thị trường, biết quản lý số lượng diễn viên đông hơn. Tôi nhớ những kỷ niệm đau thương lúc mới chập chững vô nghề. Đó là lần diễn tại Đà Lạt vào mùng 2, mùng 3 Tết, toàn “ngôi sao”, mà bán được... 17 vé.

Hóa ra, ngày Tết dân Sài Gòn kéo nhau lên cao nguyên thưởng thức khí trời, ai mắc gì đâm đầu vô khán phòng. Còn dân bản xứ thì tranh thủ cơ hội này để buôn bán kiếm tiền, ai lại đi coi hát. Tôi lỗ một trận sặc gạch! Lần khác kéo nhau đi Phan Thiết, cứ nghĩ mùa trăng người ta nghỉ đi biển, sẽ lo giải trí. Ai ngờ dân Phan Thiết chỉ thích nhạc trữ tình, không khoái hài. Vậy đó, thất bại nhiều lần mới có thành công.

* Thế anh có xao lãng việc học không?

- Không đâu. Tụi tôi lý tưởng lắm, và học rất nghiêm túc. Thời đó thầy cô “khó” lắm, nhờ vậy chúng tôi nên người. Phòng ốc chật chội, tập tuồng phải chia nhau từng nhóm chiếm lĩnh chừng 5m2, rồi chuyền từng lon trà đá lên lầu, vô cùng vất vả. Nhưng đứa nào cũng rất “máu”.

NSƯT Hồng Vân cũng học cùng khóa với tôi, chỉ khác lớp thôi, thường xúm lại diễn chung, tập chung, thậm chí nhảy qua lớp của nhau để học dự thính giờ những thầy cô mà mình thích. Tụi tôi thường đưa ra những ý tưởng táo bạo, nên mới được mời sô nhiều vậy. Nói thiệt, hồi đó nghĩ sao diễn vậy, không lo âu, đắn đo gì cả, chứ bây giờ làm gì cũng phải ngó trước ngó sau xem có duyệt được không, có bán vé được không. Một thời tuổi trẻ đẹp làm sao!

* Và anh cũng là một diễn viên hài “chính hiệu” đó chứ?

- Không, tôi tốt nghiệp bằng một vai chính kịch, là vai Chu Bình trong vở Lôi vũ với ngoại hình thon gọn đẹp trai chứ đâu có “bé bự” như bây giờ (cười). Thêm một vai chính kịch nữa là nhân vật họa sĩ trong vở Bông cúc xanh trên đầm lầy được dư luận khen ngợi. Tại đi làm tiểu phẩm để chạy sô riết rồi phát hiện mình có duyên hài đấy chứ.

* Rồi anh đi theo xu hướng hài kịch luôn phải không? Anh có tự ái chăng khi có người bảo sân khấu của anh là sân khấu “bình dân”?

- Tự ái làm gì! Thị trường phải đa dạng sản phẩm. Chúng ta có 60% dân số là người lao động, nếu ai cũng làm kịch cao siêu thì lấy gì phục vụ họ. Tôi chọn 60% này, và thấy nhu cầu hài là có thật, mình phải đáp ứng cho họ.

 
Phước Sang và Đan Trường trên trường quay "Võ lâm truyền kỳ" (hãng phim Phước Sang sản xuất) - Ảnh: Đỗ Tuấn

Kịch Sài Gòn là những câu chuyện đời thường, cập nhật, gần gũi người xem, chẳng hạn Xóm gà, Triệu đô la, Ở đâu có anh hùng, Em lấy chồng xứ lạ... toàn đề cập chuyện tình nghĩa, hiếu thảo. Và tôi chọn hài là hình thức biểu hiện cho phù hợp với đối tượng khán giả đó, miễn có kiểm duyệt coi như “an toàn vệ sinh thực phẩm”, khán giả không bị ngộ độc thì thôi. Mình đừng chủ quan áp đặt một chiều. Mỗi đơn vị có phong cách riêng thì toàn bộ sân khấu mới đa dạng và phát triển.

Thật ra tôi cũng thử dựng chính kịch tại đây rồi, chẳng hạn Lôi vũ, Nguồn sáng trong đời, nhưng không thành công. Hình như mỗi “vùng đất” có gu riêng, mình đành chịu thôi.

* Nhưng anh làm ăn nhiều quá khiến nhiều người thắc mắc không biết Phước Sang mê tiền hay mê nghề?

- Chà, câu hỏi “sốc” quá! Tôi chẳng ngại ngần nói rằng: tôi mê tiền. Có gì xấu đâu, nếu đó là đồng tiền do chính tôi làm ra đàng hoàng. Có tiền tôi mới thực hiện được những hoài bão của nghề.

Thí dụ, mở thêm sân khấu mới ở rạp Đại Đồng, làm phim Áo lụa Hà Đông. Tham vọng tôi lớn lắm, tôi nhắm tới thị trường nước ngoài nên mới làm phim này, và dĩ nhiên là phải có nhiều tiền. Làm ăn mà nói không mê tiền, không lẽ làm một lần rồi bứt vốn nghỉ luôn sao! Và có ai cho tôi đồng nào không nếu tôi nghèo khổ?

Thà tôi kiếm thật nhiều tiền rồi đầu tư cho một tác phẩm xứng đáng, như Áo lụa Hà Đông đã được giải Khán giả yêu thích nhất tại Nhật, Hàn, Trung Quốc, coi như tôi không thẹn với tổ nghiệp.

* Anh bảo rằng mình “tham vọng”. Nhưng cơn bệnh tai biến não thập tử nhất sinh vừa rồi có làm anh giật mình không? Lúc nằm trên giường bệnh, anh suy nghĩ gì về cuộc đời, có thay đổi cách sống?

- Đúng là cơn bệnh có làm tôi giật mình, nhận ra sức khỏe đúng là vàng. Nhưng tôi vẫn biết con người có sinh ắt có tử, đâu lạ lùng gì. Vấn đề là giữa hai khoảng cách sinh tử đó, mình đã làm cái gì để người ta nhớ đến, hay mình chỉ sống như mây bay gió thoảng, vô nghĩa, vô ích? Và chắc chắn là tôi không hề bớt tham vọng, vì như vậy là giảm đi ý chí, làm ăn sao được nữa. Chỉ có điều, từ nay tôi biết kiểm soát, tu bổ cho mình hơn, bớt háo thắng, biết nương tay ga những lúc cần thiết.

* Xin cảm ơn anh.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.