Thẩm mỹ nơi giảng đường

01/11/2008 18:48 GMT+7

Những buổi lễ báo cáo tốt nghiệp của sinh viên (SV) ngành Thiết kế thời trang luôn mang tính đặc thù: phong phú, sôi động và lấp lánh dưới ánh đèn màu.

Trường học cũng là sân chơi

Thiết kế thời trang là một nghề gần đây rất phát triển, nhiều trường ĐH-CĐ-TCCN đã mở ngành này nhằm giúp những bạn trẻ có năng khiếu và đam mê thời trang có cơ hội học tập, theo đuổi. Những buổi lễ báo cáo tốt nghiệp của SV ngành Thiết kế thời trang luôn phong phú sôi động với những nét rất riêng: sân khấu, sàn diễn với ánh đèn chấp chới quét xa quét gần, trang phục nhiều màu sắc độc đáo và người mẫu sinh viên tuy chưa phải chuyên nghiệp nhưng chân vẫn rất... dài.

Tiếng hò reo cổ vũ, tiếng nhạc say mê, ánh đèn flash của hàng chục tay máy kỹ thuật số chớp liên tục khiến cho các buổi báo cáo tốt nghiệp không khác gì một chương trình biểu diễn thời trang thực thụ. Hằng năm, SV khoa Thiết kế thời trang trường ĐH Hồng Bàng, ĐH Văn Lang chuẩn bị rất công phu cho những bộ sưu tập tốt nghiệp của mình. Có những bộ tốn kém cỡ vài chục triệu đồng, nhưng quan trọng là được thỏa đam mê. Dù thi thoảng cũng còn nhiều khuyết điểm, chẳng hạn bộ váy quá ngắn gây “hoang mang” cho người xem, hoặc đâu đó trên trang phục có những điểm nhấn hơi... kỳ quặc, hoặc người mẫu nhún nhảy chưa uyển chuyển lắm rồi bất thình lình ngã lăn quay... Nhưng chương trình vẫn cứ hấp dẫn, vẫn cuốn hút, vì đây không chỉ là bài báo cáo tốt nghiệp mà còn là sân chơi của những bạn trẻ mới bắt đầu bước vào nghề.

Nghề cần sáng tạo và có “gu”

Tại buổi báo cáo tốt nghiệp của 70 học sinh lớp trung cấp khóa 4 và 30 SV lớp ngắn hạn trong chương trình liên kết đào tạo thiết kế với Úc do trường CĐ Bách Việt tổ chức tối 8.10, cũng có nhiều bộ sưu tập khiến các vị giám khảo phải cho điểm tuyệt đối. Giám khảo Nguyễn Hoàng Thịnh Trị - giảng viên, nhà kế thời trang khá khó tính trước mỗi bộ sưu tập. Nhìn vào trang phục lấy ý tưởng từ biển và bọt sóng, anh đùa: “Sao tôi thấy chúng giống những đám mây vàng, mây trắng, mây đen quá?”. Với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ bóng đêm, anh thắc mắc: “Bóng đêm có bao giờ có màu xanh hay đỏ?”. Những phản biện tinh tế và thẳng thắn giúp cho nhiều học sinh chợt nhận ra những bất hợp lý trong sản phẩm của mình.

Đáng ghi nhận ở chỗ nhiều học sinh vừa thiết kế vừa tự may đồ. Giám khảo, nhà thiết kế Lê Thanh Phương cắc cớ: “Làm thợ may và nhà thiết kế khác nhau như thế nào?”. Cô học sinh nhỏ bé... run run trả lời: “Nhà thiết kế là người sáng tạo ra những mẫu mã, ý tưởng cho trang phục còn thợ may là người thực hiện nó”. Tiếng vỗ tay rào rào. Giám khảo hỏi tiếp: “Vậy em muốn làm một thợ may giỏi hay một nhà thiết kế dở?”. “Dạ, làm thợ may giỏi ạ”. Giảng viên Thịnh Trị nhận xét: “Tôi thấy học sinh này đã lựa chọn rất đúng. Hãy làm một thợ may giỏi chứ đừng làm một nhà thiết kế tồi. Thợ may giỏi thì sẽ góp phần cùng nhà thiết kế tạo ra sản phẩm thời trang hoàn thiện, còn nhà thiết kế mà dở thì thợ may giỏi mấy cũng không “đỡ” được”.

Dù sao những sản phẩm thời trang trong buổi báo cáo tốt nghiệp của học sinh - SV chưa thể nói rằng bạn là người giỏi hay bạn là người không có khả năng, bởi đây hoàn toàn chỉ là sự khởi đầu. Nhà thiết kế Lê Thanh Phương khuyên bạn trẻ muốn theo đuổi ngành này cần phải học hỏi nhiều, quan tâm nhiều đến “gu” thẩm mỹ, biết được cái đẹp là gì và quan trọng nhất là phải sáng tạo, không sao chép. Còn nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Thịnh Trị nhắn nhủ: “Những ngày học ở trường lớp với những sản phẩm tốt nghiệp chỉ là nền tảng đầu tiên để các em tiếp tục bước vào thị trường thiết kế thời trang. Tôi thấy có nhiều em bộc lộ rõ ràng năng khiếu và khao khát được nâng cao. Vậy thì hãy sáng tạo, học hỏi lên cao nữa và nhất là phải có cá tính riêng biệt”.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.