Tránh sai lầm khi chữa nói ngọng

26/10/2010 09:20 GMT+7

Trẻ nói ngọng, phát âm không chuẩn làm các bậc phụ huynh lo rối ruột vì sợ ảnh hưởng đến giao tiếp, đến việc học ngoại ngữ của con cái sau này.

Trên nhiều diễn đàn, các bậc cha mẹ trẻ than phiền vì đưa con đến bệnh viện rồi vẫn không biết điều chỉnh thế nào, ở thời điểm nào là phù hợp.

100% trẻ được chữa hết ngọng

Đó là kết quả điều trị tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội trong việc chữa tật nói ngọng ở trẻ. Không quá khó khăn như nhiều người vẫn tưởng, hiện nay việc luyện tập bằng cách nói chuyện tự nhiên hay sử dụng bộ từ thử và câu mẫu dưới sự trợ giúp của bác sĩ và chuyên gia ngôn ngữ sẽ giúp trẻ hết ngọng, phát âm chuẩn. Tuy nhiên, phương pháp âm ngữ trị liệu không dựa hết vào bác sĩ mà cần đến sự hợp tác chặt chẽ của phụ huynh.

Để phát âm chuẩn phụ âm “kh”: gốc lưỡi chạm nhẹ lên vòm miệng, tạo âm “khừ” trong miệng (chạm tay vào cổ họng thấy rung lên), đẩy hơi mạnh và phát tiếng - Ảnh: N.Hà

ThS Đặng Thái Thu Hương - khoa phục hồi chức năng Bệnh viện ĐH Y Hà Nội - cho hay nhiều người quá sốt ruột cho việc học ngoại ngữ của con nên đưa trẻ đi điều trị rất sớm - từ khoảng 3 tuổi. Nhưng lứa tuổi này trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển về phát âm, cơ thể có thể tự điều chỉnh dần. Nhiều trẻ đến 6-7 tuổi mới hết ngọng. Song thông thường khoảng 4-5 tuổi là trẻ đã định hình cách phát âm. Trẻ đến tuổi đi học mà vẫn ngọng nghịu thì phụ huynh cần quan tâm điều chỉnh, để lâu trẻ sẽ bị mặc cảm, khó chữa hơn.

Đừng “đổ oan” cho cái thắng lưỡi

Để sửa ngọng, trước hết trẻ phải được luyện để sửa một âm sai, rồi sửa âm đó trong các âm tiết, sau đó sửa âm trong từ, âm trong câu ngắn. Phải chờ đến khi âm đó được tạo đúng trong hội thoại bình thường mới sửa sang âm khác. Không nên sửa vài âm một lúc vì trẻ hay quên và dễ nhầm lẫn các âm.

Có hai loại nói ngọng: ngọng do phát triển và ngọng bệnh lý. Ngọng bệnh lý là trẻ không học nói giống trẻ bình thường, chỉ có thể tạo được rất ít từ đúng, thậm chí phát âm bất kỳ từ nào cũng thiếu phụ âm đầu. Với trẻ nói ngọng sinh lý, ngọng do phát triển, khi lớn lên trẻ vẫn phát âm như lúc mới tập nói. Chẳng hạn, một trẻ 8 tuổi nói “quả hế” thay vì nói “quả khế” giống y như trẻ 2-3 tuổi.

Hiện nhiều người quan niệm trẻ có thắng lưỡi ngắn, dính dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) nên nói ngọng. “Điều này hoàn toàn sai lầm”, bà Hương khẳng định. Dính thắng lưỡi có thể gây trở ngại cho phát âm, song biến chứng của viêm tai giữa, một tổn thương thần kinh... cũng dẫn đến chậm nói. Cha mẹ ít quan tâm, ít chơi và nói chuyện với trẻ có thể làm trẻ khó phát triển ngôn ngữ. Đáng tiếc, quan niệm về nguyên nhân dính thắng lưỡi quá phổ biến đến mức hầu hết trẻ đều được cắt thắng lưỡi trước khi điều trị phục hồi tại viện.

Theo ThS Hoàng Đình Ngọc - phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, ngọng do bệnh lý không thể dồn hết vào nguyên nhân thắng lưỡi ngắn. Thắng lưỡi là một màng rất mỏng ở phía dưới lưỡi, nếu ngắn quá sẽ khiến lưỡi khó cử động. Song việc phát âm là sự cộng hưởng của rất nhiều bộ phận, từ khu vực tiếp nhận âm thanh (tai) cho đến các phần góp vào sự phát âm: miệng, lưỡi, răng, môi, thanh quản... Lưỡi quá to, quá dày, răng cửa trên bị khe hở... đều có thể gây ra lỗi phát âm. Ông Ngọc dẫn chứng: “Ngạt mũi cũng làm biến đổi giọng của trẻ, không điều trị nguyên nhân ngạt mũi, trẻ nói giọng mũi thành quen, khó sửa. Việc cắt thắng lưỡi chỉ là một tiểu phẫu, song cần hạn chế tối đa can thiệp ngoại khoa vì vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định”.

Một bác sĩ ở Viện Răng hàm mặt quốc gia thì cho rằng dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh nhẹ, gặp ở 4-5% trẻ sơ sinh, nam nhiều hơn nữ. Trước đây dính thắng lưỡi thường được chỉ định cắt sớm ngay sau khi được chẩn đoán. “Song kinh nghiệm cho thấy phụ huynh nên chờ theo dõi một thời gian vì ngoài nguy cơ tác dụng phụ của gây tê, chảy máu, nhiễm trùng sau mổ, việc cắt sớm có thể làm tổn thương cơ lưỡi”, vị bác sĩ này cho biết. Theo đó, chỉ nên can thiệp sớm khi thắng lưỡi bị dính nhiều ảnh hưởng đến việc bú của trẻ.

ThS Ngọc cho biết thêm nhiều trẻ nói ngọng đến khám tại viện cứ ngỡ mắc bệnh lý nào đó, hóa ra là do ở nhà được cưng, ông bà, bố mẹ nựng bằng những từ thiếu phụ âm đầu hoặc nựng theo cách chuyển tất cả phụ âm đầu sang cùng một phụ âm (chẳng hạn gọi “táu tiêu tủa tà” thay vì “cháu yêu của bà”) khiến trẻ bắt chước, dần thành quen, không luyện tập sẽ khó bỏ và thành lỗi phát âm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.