Làng pijama

10/12/2011 10:35 GMT+7

Dù chỉ là bộ đồ ngủ được du nhập từ nước ngoài nhưng gần cả trăm năm qua, bộ pijama đã gắn liền với những ngư dân làng chài ven biển cùng những buồn vui và nhiều kỳ thú.

Dù chỉ là bộ đồ ngủ được du nhập từ nước ngoài nhưng gần cả trăm năm qua, bộ pijama đã gắn liền với những ngư dân làng chài ven biển cùng những buồn vui và nhiều kỳ thú.

Tháng giêng năm ngoái, tôi có dịp đưa Ishikawa, một tình nguyện viên của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến Phan Thiết, Bình Thuận nghe hò bả trạo và xem bộ xương cá ông lớn nhất Đông Nam Á tại Vạn Thủy Tú. Ishikawa băn khoăn không hiểu vì sao người dân ở đây lại rất thích mặc pijama, thậm chí nhiều người còn diện cả bộ đồ ngủ mới toanh này đi dự lễ hội.

Pijama là một bộ quần áo rộng lụng thụng, là loại trang phục thông thường mặc khi ngủ. Giới quý tộc Anh đã chọn may pijama bằng satin từ thế kỷ 19. Các bộ pijama bằng satin được coi như “xe hơi Rolls Royce” so với giá trị của các bộ đồ ngủ thông thường.

Pijama du nhập vào VN từ hành trang trong vali của các quan chức Pháp mang đến. Đối với họ, ở đất nước nhiệt đới, pijama là thứ tốt nhất để bảo vệ họ tránh được muỗi và nóng bức khi ngủ.

“Lá cờ cấp cứu” pijama

Ông Nguyễn Biện (78 tuổi), một lão ngư ở làng chài Đức Thắng, mặc bộ pijama màu nâu, vừa vá lưới vừa cười móm mém cho biết bản thân ông từ nhỏ đến lớn đã mặc qua cả trăm bộ pijama và chưa hề có bất cứ bộ âu phục nào khác. Pijama đã theo ông từ giấc ngủ đến lúc đi biển, ăn giỗ hay đứng ra làm chủ hôn dựng vợ gả chồng cho con cái.

“Đồ pijama may rộng rãi, quần dây thun nên mặc rất thoải mái. Hơn nữa là đồ một màu nên mặc để thắp nhang cúng kính tổ tiên thay cho áo dài nhìn cũng gọn gàng và thành kính lắm” - ông Biện giải thích. Theo ông, người miền biển không thích se sua, làm gì cũng muốn nhanh gọn. Thấy người sắp chết đuối, mặc pijama thì chỉ cần tuột cái quần là nhảy xuống nước cứu người được ngay.

Lão ngư này cho biết khi còn trai tráng rong ruổi ở các vùng biển, pijama đã cứu ông cùng những bạn nghề thoát chết nhiều phen. Ông Biện kể năm ông hơn 30 tuổi, đang đánh cá ngoài khơi thì ghe bị phá nước. Bảy người đàn ông trên ghe chỉ còn biết cầu Nam Hải đại tướng quân (tức cá ông) và cả nhóm đồng thanh hát một đoạn truyền khẩu thuộc lòng để mong những anh linh đã khuất cứu giúp:

Những người nghĩa khí tài ba
gặp cơn nước loạn phải ra liều mình
những người tử trận đao binh
gian truân cát lấp, gửi mình Trường Sa
những người thuyền bá linh đinh
gặp cơn sóng gió hãi kình rước thây...

Sau đó họ dùng hai tay áo pijama cột lên một đoạn cây để thân áo làm cờ báo tín hiệu cấp cứu. Pijama luôn được may bằng vải mộc, nhẹ nên khi làm cờ bay phần phật rất mạnh, thậm chí nếu bị sóng biển đánh ướt, lát sau là khô ngay. Nhờ vậy, “lá cờ pijama” đã được các “bổn đạo” (người cùng hành nghề biển, theo cách gọi của ngư dân - NV) phát hiện và cả bảy người đều được cứu sống.

Ngư dân Nguyễn Em và Ngô Văn Nuôi, hai “tín đồ” pijama ở làng chài Hưng Long, cho biết họ thích pijama không chỉ vì thoải mái mà còn rất tiện lợi và tiết kiệm. Hai ngư dân này luôn mặc pijama ngồi “lết” ngoài bancông nhà uống trà buổi sáng, cho biết mặc quần tây nếu cứ ngồi hoài như thế sẽ mòn đít quần ngay và chỉ có nước làm giẻ lau ghe.

“Đối với quần pijama, nếu mòn bên này thì mình... trở qua bên kia để mặc, do đó tụi tui đều yêu cầu thợ khi may quần không bao giờ may túi bởi cái áo có ba túi là quá đủ rồi” - ông Em nói.

Cả hai ngư dân đều rất kén thợ may dù họ là dân biển, ăn sóng nói gió, xem “văn chương không bằng xương cá mòi”. Người miền biển phần lớn chẳng sử dụng cái ân-đờ-que (underwear - quần lót), do đó thợ may nếu không khéo, vải mỏng người mặc sẽ... lộ hàng ngay.

“May không đúng điệu, mặc kiểu này đi ngủ với vợ còn thấy kỳ cục chứ huống chi mặc ra đường” - ông Nuôi khoát bàn tay to bè như chém mái chèo xuống nước nói.


Pijama theo chân ngư dân từ giấc ngủ, vá lưới, đến tiệc tùng và mỗi chiều ra bến đón tàu thuyền từ biển khơi trở về đất liền - Ảnh: N.P.N

Ấm áp pijama

Ngoằn ngoèo qua mấy con hẻm sâu hun hút cạnh cảng Phan Thiết, chúng tôi mới tìm được căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Hoa Đào, người phụ nữ chưa tới 60 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 40 năm may pijama.

Không những may cho ngư dân ở các làng chài Phan Thiết, nhiều ngư dân ở Phan Rí, La Gi nghe tiếng khi có dịp neo đậu tàu ở cảng Phan Thiết liền tìm đến. Tiệm may không có bảng hiệu, chỉ có duy nhất cái máy Singer cổ lỗ nhưng lúc nào cũng đông người đặt may. Chồng mất từ năm 1979 khi bà Đào mới hăm mấy, một nách ba con nhỏ, nhờ nghề may pijama mà bà nuôi các con khôn lớn, học hành đàng hoàng và tất cả đều có gia đình, cuộc sống ổn định.

Bà Đào cho biết công thức may pijama khi cắt, ráp chẳng khác gì may veston, nhất là phải tỉ mỉ khi chạy viền ở cổ, túi, lai áo. Đặc biệt, phần cặp tay phải khéo, nếu không sẽ bị nhăn ngay hoặc ráp cổ phải chuẩn xác nếu không sẽ bị thụng. Vải chọn may pijama phải là nhóm vải kate có đặc tính thấm hút ẩm tốt, mặt vải phẳng, dễ giặt ủi.

Theo bà Đào, vài chục năm trước đồ pijama rất được chuộng, ra đường già trẻ, lớn bé ai cũng mặc. Tiệm may của bà hồi đó tuyển thêm bốn, năm thợ phụ vẫn không giải quyết xuể, nhiều lúc phải khóa sổ không nhận đồ. “Pijama nay có phần thoái trào vì hiện giờ đồ may sẵn, đồ “sida” nhiều quá. Khách hàng bây giờ chỉ là những người 50 tuổi trở lên mới còn chung thủy với pijama...”.

Chúng tôi thắc mắc vì trên đường tìm nhà bà đã gặp một người đàn ông trung niên mặc bộ pijama nhưng áo chỉ có một túi trên và cổ lại được lót cồn. Bà Đào cười giải thích đó chỉ là pijama cách điệu bởi pijama bắt buộc phải cổ mềm, ba túi và dài tay. Tuy nhiên, theo bà Đào, thời bao cấp bà từng cắn răng may pijama ngắn tay vì thiếu vải.

“Thời đó mua vải tem phiếu, loại vải, màu hoa văn của mỗi gia đình đều giống nhau, tôi bàn với mọi người nên may ngắn tay để tiết kiệm dành vải cho người khác - bà Đào kể và nhìn xa xăm về thời hoàng kim của pijama và nói như độc thoại - Hồi đó mặc pijama ngắn tay cũng ấm áp lắm rồi...”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.