Nói hay hơn hay nói

21/10/2008 21:08 GMT+7

Nhiệt tình, chính xác, truyền cảm, linh hoạt là "8 chữ vàng" mà người dẫn chương trình khắc cốt ghi tâm.

Sắc, trí đều cần

Nhiều bạn trẻ bị hấp dẫn bởi một công việc nhẹ nhàng, có thu nhập cao và luôn xuất hiện một cách nổi bật trước công chúng: dẫn chương trình. Nghề này còn được gọi là MC (Master of Ceremonies) mà nếu dịch suông từng chữ sẽ là "chủ của buổi lễ". Điều này phần nào khẳng định vai trò quan trọng làm chủ tình huống của một MC.

Một MC bình thường ở đám cưới, quán bar, vũ trường... chỉ cần "biết nói", có ngoại hình cũng kiếm được thấp nhất khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng; còn MC chuyên nghiệp và có tên tuổi thì tiền thù lao trung bình lên đến 5-6 triệu đồng/chương trình hoặc hơn nữa. Tùy theo quy mô và địa điểm tổ chức chương trình mà tiền cát-sê nghệ sĩ cao hay thấp; từ đó, chương trình sẽ thu hút được những tên tuổi ở mức nào tham gia. MC còn là một "nghề sống được" của giới sinh viên. Chị Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi - giảng viên trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM kể: "Từ khi còn là sinh viên năm nhất, tôi đã tham gia dẫn chương trình cho các hội thi của trường. Rồi từ đó, tôi được biết đến qua những lần xuất hiện trên tivi và được mời cầm micro cho các trường ĐH khác". 

"Cầu nối" hay "máy nói"?

Ông Nguyễn Quý Hòa, Phó giám đốc Đài truyền hình TP.HCM nhận định: "Một người dẫn chương trình giỏi không chỉ có khả năng giao tiếp trước công chúng, hay chỉ giỏi một chuyên môn, mà phải có kiến thức toàn diện, đặc biệt là phải giỏi một ngoại ngữ nào đó… vì họ không thể chỉ "chôn chân" trong một thể loại chương trình nhất định. Mặt khác, họ là người dẫn chuyện chứ không phải là người nói nhiều hay nói thay người khác".

MC Quốc Dũng (ảnh, ngồi giữa) chia sẻ thêm: "Người MC cần nhất là có tấm lòng, chỉ khi có tấm lòng, bạn mới thật sự đồng cảm và hòa mình vào chương trình và làm tốt được". Trao đổi về trải nghiệm, kinh nghiệm trong nghề, bạn Phương Ngân (Hà Nội) tự sự trong cuộc thi viết "Nghề của tôi" với bài: Tôi - kẻ "ngoại đạo" trong nghề MC trên diễn đàn nghề nghiệp jobviet.com: "Tôi phát hiện ra: chương trình đầu tiên mình làm chưa tốt vì tôi chỉ biết nói theo những gì sẵn có, tôi bị động và không tham gia khâu chuẩn bị, và cả kịch bản chương trình. Những lần sau, được tự mình biên tập, sắp xếp, lên kịch bản chạy từ đầu tới cuối, nên tôi chủ động trong từng câu nói và từng tình huống bất ngờ". Tự nhìn nhận để rút kinh nghiệm và không ngừng phấn đấu là một yếu tố cần thiết để phát triển, trong nghề MC và cả các nghề khác.

"Dù đã 2 tuổi nghề nhưng Phượng chưa bao giờ tự hài lòng với những gì mình có. Phượng mong muốn trở thành một MC chuyên nghiệp nên bản thân luôn cố gắng tự rèn luyện, hiện Phượng cũng đang học thêm lớp báo chí văn bằng 2, học thêm ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật, tranh thủ học hỏi các anh chị đi trước, nắm bắt các cơ hội để được thực hành và rèn luyện thường xuyên" - MC Hồng Phượng, biên tập viên Đài truyền hình TP.HCM nói. Để trở thành một chiếc cầu nối thực sự giữa ban tổ chức chương trình với công chúng, chứ không phải là một chiếc "máy nói" đơn điệu, người muốn theo nghề MC cần không ngừng bổ sung kiến thức - đặc biệt về văn hóa xã hội, vốn sống, kỹ năng giao tiếp, phong thái tự tin...

Được biết, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM có mở các lớp về dẫn chương trình, Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Le & Associates cũng có các khóa đào tạo dành cho các doanh nghiệp về kỹ năng trình bày trước công chúng... 

Hồng Hạnh - Hoàng Oanh

Kỳ sau: Nghề ca sĩ

Đồng tổ chức chương trình

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.