Niềm hy vọng vào cổ phiếu “Vua”?

03/12/2009 13:33 GMT+7

(TNTT>) Sau 3 phiên tăng trần mạnh mẽ và là nhân tố chính giúp hai chỉ số chứng khoán hồi phục, hôm qua 2.12, các cổ phiếu (CP) ngân hàng cũng bị giảm mạnh trở lại. Liệu loại CP “vua” này có còn đáp ứng được sự tin yêu của nhà đầu tư hay không vẫn còn là câu hỏi bí ẩn.

Kịch tính trong phiên giao dịch hôm qua phải kể đến EIB của Ngân hàng Eximbank. Mở cửa, EIB đã giảm giá khá mạnh, hòa chung vào xu hướng giảm điểm của thị trường. Tuy nhiên, trong nửa đầu đợt khớp lệnh liên tục, sức mua cao khủng khiếp của EIB đã đẩy giá CP này tăng mạnh trở lại và có lúc đã gần chạm tới mức tăng trần. Thế nhưng, lượng xả hàng quá mạnh về cuối phiên khiến đóng cửa thị trường, giá EIB giảm 100 đồng/CP, chỉ còn 24.300 đồng/CP. Thế nhưng, trong bối cảnh các CP ngân hàng khác như STB, VCB, CTG, ACB... đều giảm mạnh, EIB vẫn được xem là ngôi sao sáng. Khối lượng giao dịch thành công của EIB hôm qua đã tăng mạnh với gần 9,8 triệu CP, gấp gần 12 lần so với phiên trước đó, và chiếm gần 1/5 lượng giao dịch trên sàn TP.HCM. Phiên này khối ngoại lại tiếp tục mua vào mạnh mẽ với hơn 1,7 triệu EIB. 

Theo nhận định chung của một số chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, lý do của phiên giảm điểm hôm qua bên cạnh hoạt động chốt lời mạnh mẽ còn có thêm thông tin về việc Chính phủ không kéo dài gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Ở những phiên trước, các nhà đầu tư đã đánh giá cao về chính sách tiền tệ mới áp dụng sẽ cởi trói cho hoạt động ngân hàng, từ đó hy vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong những tháng tới cũng tăng cao. Vì vậy, khi giá các CP ngân hàng đã giảm mạnh về vùng khá hấp dẫn như EIB chạm mức 20.200 đồng/CP, STB ở mức 22.000 đồng/CP, ACB ở mức 33.000 đồng/CP… sức mua gia tăng khiến đẩy giá CP này đi lên.

Hơn nữa, khi room tín dụng sẽ quay trở lại bằng không từ đầu năm, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Chắc chắn khi đó, lợi nhuận của ngân hàng sẽ đạt mức cao trong quý đầu năm mới. Còn nếu tính đơn giản hơn, việc giá các CP ngân hàng hiện nay với P/E 10 trở xuống, nhà đầu tư được nhận cổ tức không thua gì lãi suất gửi tiết kiệm. Đó là chưa kể khi chứng khoán đã giảm xuống quá mức, khả năng bật lên trở lại khá cao.  

Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, khối ngân hàng luôn nắm nhiều trái phiếu Chính phủ và khoản đầu tư đó cũng mang lại lợi nhuận đáng kể. Ví dụ: Với danh mục trái phiếu cuối năm 2008 của Ngân hàng ACB khoảng 12.000 tỉ đồng, với lãi suất trái phiếu Chính phủ khoảng 8,5-9%/năm, ACB có thể thu được lợi nhuận khoảng 1.000 tỉ đồng, tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2009.

Sau những biến động khá nhanh của thị trường chứng khoán Việt Nam, giờ đây nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn những CP nào mà có thể an toàn và nắm giữ dài hơi hơn là để “lướt sóng”. Có thể CP ngân hàng sẽ tiếp tục trở lại là CP “vua” trong mắt các nhà đầu tư.

Trung Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.