Trẻ Việt học tiểu học ở Ba Lan

16/10/2004 22:32 GMT+7

Tôi có hai đứa cháu học ở trường tiểu học tại Vacsava, Ba Lan. Nhân sang thăm các cháu, việc đầu tiên tôi quan tâm là xem các cháu học hành ra sao.

Bố mẹ chúng mải lo làm ăn, chẳng quan tâm mấy đến việc học hành của con. Sáng, bố mẹ chỉ kịp chuẩn bị cho mỗi đứa một cái bánh mì kẹp dăm bông, giục chúng đeo cặp lên vai và vừa đi, vừa ăn. Giao con cho nhà trường xong, bố mẹ vội vã lao vào vòng xoáy của công việc! Buổi chiều, ai về trước thì đến trường đón con. Đến năm học lớp 5, cu D. được tự đi về và còn được ủy quyền đón em H. học lớp 2, nên bố mẹ cũng đỡ vất vả. Các trường tiểu học đều gắn với các cụm dân cư, nên học sinh đi lại rất tiện lợi. Những trường tiểu học nho nhỏ hai, ba chục lớp, mỗi lớp từ 25 đến 30 học sinh với khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh, thảm cỏ, sân chơi, bãi tập... thật yên tĩnh êm đềm.

Ở Ba Lan, các trường tiểu học đều học bán trú. Buổi trưa bố mẹ đóng tiền cho con ăn ở trường, bậc giáo dục phổ cập chỉ có trường công lập, được miễn học phí. Ngoài khoản tiền ăn trưa và tiền chi cho sinh hoạt tập thể của học sinh do hội cha mẹ học sinh của lớp tự thu, tự chi, học sinh không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào khác cho nhà trường. Cháu H. kể: "Lớp có một bạn nhà nghèo, cô giáo xin cho bạn không phải đóng tiền ăn".

Buổi sáng, trẻ học đến 12 giờ mới nghỉ. Ăn trưa xong, trẻ chơi tự do, nhẹ nhàng (không cho trẻ có thói quen ngủ trưa). Chiều bắt đầu từ 14 giờ, trẻ học các môn như vẽ, thủ công, nhạc, thể dục... và hoàn thành các bài học, bài tập trong ngày. Môn bơi là môn bắt buộc với học sinh. Giờ bơi trẻ học ở bể bơi của trung tâm thể thao quận. Đến lớp 5, hầu hết học sinh vượt chuẩn bơi 50 mét. (Giá ở ta cũng thế thì mỗi năm đỡ được nhiều học sinh chết đuối vì không biết bơi !). Ở các cụm dân cư đều có khá nhiều sân chơi cho trẻ mẫu giáo, thanh, thiếu nhi, nên chiều tan học về và những ngày nghỉ, trẻ chẳng chịu ngồi trong nhà. Chỗ này chơi đá bóng, bóng rổ; chỗ kia chơi xà đơn, xà lệch, patin... Sân chơi nhiều, trẻ ít, nên chúng cứ phải gọi nhau, rủ bạn để chơi. Không ai chỉ huy cả, trẻ tự chơi với nhau rất vui vẻ, thuận hòa. Vả lại quanh sân luôn có người già ngồi nghỉ trên các ghế đá dưới lùm cây, hễ chúng có gì quá đáng là họ liền khuyên bảo... Mấy tháng liền, tôi quan sát không thấy trẻ cãi lộn, đánh nhau...

Buổi tối, ăn xong, các cháu chơi một lúc rồi đi ngủ, chả học hành gì. Tôi sốt ruột, hỏi: "Các cháu không học bài, làm bài à?". Các cháu trả lời thản nhiên: "Học bài, làm bài xong hết ở lớp rồi!". Mẹ cháu giải thích thêm: "Nếu thấy trẻ về nhà vẫn phải làm bài, phụ huynh sẽ phê bình giáo viên: Tại sao đẩy trách nhiệm ở trường về gia đình! Ngoài những buổi học ở trường theo thời khóa biểu, tuyệt đối không có dạy thêm - học thêm...".

Sách giáo khoa cải cách, sau khi thử nghiệm, đã in chính thức rất đẹp, với nhiều tranh, ảnh... Nhưng cả sách học (studentbook) và sách bài tập (workbook), học sinh đều làm bài (đánh dấu, viết, vẽ...) ngay vào sách. Giáo viên kiểm tra học sinh bài nào, cũng ghi ngay ý kiến đánh giá vào bài ấy trong sách. Như vậy sách học sinh chỉ dùng một lần; học sinh mới, mua sách mới.

Các cháu tôi cũng học một số môn như Việt Nam, trừ có môn Tôn giáo, thay môn Đạo đức. Nhiều môn chỉ có chương trình và sách cho giáo viên như: Nhạc, Vẽ, Thể dục, Thủ công... Tuy không có sách giáo khoa, nhưng trẻ rất thích những môn này và kỹ năng thực hành của các em khá tốt. Ngoại ngữ rất được quan tâm. Học sinh học tiếng Anh từ lớp 1, mỗi tuần 3 tiết. Sách tiếng Anh ngay từ lớp 1 đã dùng sách của Đại học Oxford biên soạn. Đến lớp 6 (THCS) học sinh học thêm ngoại ngữ thứ hai, chủ yếu là tiếng Đức, Pháp... Các loại sách "ăn theo" sách giáo khoa hầu như không có. Giáo viên chỉ dạy học sinh theo sách giáo khoa là đủ. Các sách đọc thêm của học sinh ngoài chương trình là tùy sở thích, hứng thú của mỗi em... Trong lớp giáo viên khuyến khích mọi học sinh được tự do bày tỏ ý kiến; nói sai không sợ bị quở phạt, mà được giáo viên giúp sửa chữa. Giáo viên cố làm sao cho mọi học sinh đều phải đọc tài liệu, phải làm bài tập, phải trình bày, tranh luận... phải bộc lộ bản thân xem hiểu bài như thế nào, chứ không ngồi khoanh tay, im thin thít để nghe, để chép! Nhờ đó học sinh chủ động, tự tin; em kém, em giỏi đều bộc lộ rõ; cá tính sáng tạo được tôn trọng, phát triển...

Tính nhân đạo, bao dung trong nội dung giáo dục, có lẽ không khác nhau lắm giữa các nước, ở đây chú ý đến quan hệ và phương pháp giáo dục. Từ lớp 1 đến lớp 3, giáo viên không cho điểm, lớp 4-5 có cho điểm các bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm. Điểm cho từ 1 đến 5, bài thật xuất sắc cũng được 5+ (cộng). Việc học không "vì điểm", không xếp thứ hạng trong lớp, khiến học sinh bớt ganh đua, kèn cựa. Cha mẹ học sinh đến lớp đón con, không ai hỏi: "Hôm nay được mấy điểm ?" để "thưởng nóng" hay trách mắng con! Họ chỉ hỏi: "Học có vui không? Hôm nay có chuyện gì thú vị không?". Và trẻ có khối chuyện buồn cười, thú vị ở lớp để tha hồ kể...

Giáo viên và cha mẹ học sinh có ý thức tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, không cố gò ép trẻ phải phát triển theo những kỳ vọng chủ quan của người lớn. Giáo viên không quá lo lắng "luyện tủ", "nống điểm", "cấy điểm" để lớp mình có nhiều học sinh tiên tiến xuất sắc hơn lớp kia; không lo phân công học sinh "tương trợ" nhau chép bài để 100% học sinh của lớp đều "vở sạch chữ đẹp!"... Tuy thế, lớp nào có những cá nhân xuất sắc, được cử đi thi học sinh giỏi ở quận, thành phố cũng rất tự hào...

oOo

Cháu D. nhà tôi sang Ba Lan lúc 7 tuổi, vào lớp 1, tiếng Ba Lan còn kém, học rất khó khăn. Cô giáo chủ nhiệm lớp mỗi tuần phải kèm cặp 2-3 buổi chiều, suốt từ lớp 1 đến lớp 3. Sau đó cháu học mỗi ngày một khá. Mẹ cháu trả tiền dạy thêm, cô không lấy. Xin được đến thăm nhà cô, cô từ chối, nói: "Làm thế, các cha mẹ học sinh khác sẽ nghĩ gì về tôi và về chị?". Năm nay tôi sang chơi, cháu D. đã học cuối lớp 5 vẫn do cô làm chủ nhiệm. Tôi cố thuyết phục các cháu đưa tôi đến thăm cô giáo, để cám ơn cô cho đúng truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân ta và tặng cô món quà từ Việt Nam mang sang cho phải đạo, nhưng cả nhà đều cười, bảo không thể được! Muốn đến thăm phải gọi điện hỏi, cô đồng ý mới được đến, mà chắc chắn là cô không đồng ý, như nhiều lần trước đây cô đã nói. Để tôi yên lòng, mẹ cháu nói: "Muốn cám ơn và tặng quà chỉ có đến hôm tổng kết năm học, sẽ đưa công khai tại lớp, có đông đủ cha mẹ học sinh"...

Tôi đành chờ đến hôm tổng kết năm học của 2 cháu để đi dự xem sao. Khối lớp 5, sang năm lên lớp 6, chuyển cấp, chuyển trường nên làm khá trọng thể. Các cháu tập trung cả khối nghe cô hiệu trưởng nói chuyện. Sau đó đại diện học sinh các lớp phát biểu, đọc thơ, hát, nói về những kỷ niệm 5 năm học ở trường và lòng biết ơn các thầy cô sẽ không bao giờ quên... Đại diện cha mẹ học sinh phát biểu cảm ơn các thầy cô, cảm ơn nhà trường... Sau đó thầy, trò và cha mẹ học sinh lớp nào về lớp ấy tổng kết nội bộ. Cuối buổi, cảm động nhất là lúc mỗi học sinh vây quanh cô, mỗi em nói những lời cảm ơn và tặng cô một bông hoa (do Hội Cha mẹ học sinh của lớp mua và đưa cho mỗi cháu). Cô đã phải rơi nhiều nước mắt. Cuối cùng đại diện Hội Cha mẹ học sinh nói lời cảm ơn, tặng cô hoa và quà chung của lớp. Nhân lúc đó, mẹ cháu D. mới lên nói lời cảm ơn cô, giới thiệu ông cháu từ Việt Nam sang, đến cảm ơn và tặng cô chút quà nhỏ làm kỷ niệm. Cô giở món quà tặng là chiếc khăn trải bàn ăn, mọi người trầm trồ khen khăn thêu đẹp quá!

oOo

Tôi đã thấy một học sinh gái lớp 5 (người Việt) đã có bài tìm hiểu về "Nạn phân biệt chủng tộc trên thế giới", có kèm nhiều tranh ảnh minh họa, bài dài hơn chục trang, nội dung khá sâu sắc và được đánh máy, trình bày rất ấn tượng. Cũng cháu này, trong một bài tập làm văn về "viết kiến nghị", cháu đã làm thật: "Bản kiến nghị gửi ông Chủ tịch Ủy ban quận" về việc: Không được phá bỏ đường dành riêng cho xe đạp, trong kế hoạch mở rộng đường của quận. Trong đó có đoạn viết: ..."Nếu phá bỏ con đường đó, một số học sinh đi học bằng xe đạp sẽ không an toàn. Nếu xảy ra tai nạn, lúc đó thật đau đớn và ông phải chịu trách nhiệm!... Tôi mong sớm được hồi âm. Xin gửi ông lời chào kính trọng". Nghe đâu ông Chủ tịch quận đã tiếp thu ý kiến của em. Con đường dành riêng cho xe đạp vẫn còn nguyên!

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có trên 30 nghìn người. Con em người Việt phần lớn học khá. Có lẽ đó là niềm an ủi và tự hào nhất của người Việt ở đây. Một số ít người giàu thường cho con vào mấy trường quốc tế học phổ thông, còn lên đại học thì gửi đến các trường danh tiếng ở Anh, Mỹ... Trẻ em người Việt gần đâu thì học đấy lẫn với trẻ em Ba Lan. Trẻ không hề bị phân biệt đối xử. Có em gái người Việt được bầu làm lớp trưởng suốt từ lớp 2 đến lớp 5. Nhiều em đạt giải học sinh giỏi của lớp, của trường và thành phố... Ngoài ra, năm 2003, một em gái lớp 5 đoạt huy chương vàng môn đấu kiếm toàn quốc lứa tuổi 13, một em gái đoạt giải nhất cuộc thi Piano toàn quốc lứa tuổi lên 10... Nói chung trẻ em người Việt không chỉ học tốt mà còn đạt nhiều thành tích rất ấn tượng về âm nhạc, hội họa, thể thao...

Không có cơ sở nào để khẳng định trẻ em Việt Nam có tố chất gì đặc biệt, nhưng có một điều chắc chắn là người mình coi trọng sự học, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học của con và luôn nhắc nhở, thúc ép nó phải học cho tốt! Người Việt Nam gặp nhau, bao giờ cũng hỏi han về chuyện học hành của con. Có người mải làm ăn, kiếm được nhiều tiền, nhưng con hư, bỏ học, cũng coi như thất bại! Trong môi trường: Con người ta "vừa học, vừa chơi", con mình quyết chí, cặm cụi học... hẳn là có hơn! Con nhà nghèo muốn đổi đời thì phải thế!

(Tháng 9/2004)

Mạc Văn Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.