Cảnh sát đặc nhiệm

20/11/2006 22:26 GMT+7

Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (phía Nam) đóng quân trên địa bàn TP.HCM với nhiệm vụ chống khủng bố và giải cứu con tin.

Công việc đặc biệt nguy hiểm như thế nên lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) luôn phải đối diện với lằn ranh mong manh giữa sự  sống và cái chết.

Chiến sĩ trẻ Đặng Thanh Tuấn (đại đội chống không tặc) năm nay mới 23 tuổi. Tuấn thuộc tổ đánh bắt tiếp cận tội phạm trên máy bay. Trong ba vị trí: dự phòng, bắn tỉa, đánh bắt thì đánh bắt là quan trọng nhất. Ở tổ này được hỗ trợ các loại vũ khí tương ứng. Tuấn là người thường xuyên phải "xáp lá cà" với các đối tượng tội phạm nguy hiểm. Tuấn nói rằng, khi đối diện trực tiếp với tội phạm trong máy bay, phải tập trung phán đoán mọi phản ứng của đối tượng để có bước xử lý tiếp theo. Nếu sơ suất, trước hết là ảnh hưởng đến tính mạng của anh em trong đội và hậu quả cho đất nước sẽ rất khó lường. Vì thế, anh em xác định, phải thắng bằng mọi giá! 


Đại úy Nguyễn Trường Giang, Đội trưởng Đội Chống khủng bố đang trình bày phương án chống khủng bố tại dinh Thống Nhất - Ảnh: Bảo Thiên

Tiểu đoàn CSĐN số 2 luôn phải ứng trực 24/24 giờ. Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nên hầu hết họ là những người ưu tú, được tuyển chọn từ nhiều đơn vị. Họ không chỉ có thể lực tốt, có tinh thần thép mà còn là những người nhiệt huyết với nghề. Tiểu đoàn được chia làm 3 đội (đội chống không tặc, đội chống khủng bố trên nhà cao tầng và đội chống khủng bố trong xe buýt). Màn đu dây tử thần của những "người nhện" bằng xương, bằng thịt để trấn áp tội phạm và giải cứu con tin từ nhà cao tầng khiến những ai chứng kiến phải rợn tóc gáy. Những con người lực lưỡng bám vào sợi dây mong manh, thoăn thoắt leo lên những bức tường dựng đứng, chông chênh không một điểm tựa. Đó là chưa kể đến tình huống những tên tội phạm dùng vũ khí chống cự lại. Bao nhiêu nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước... Chiến sĩ Đoàn Văn Trung tâm sự rằng, sở dĩ anh em đều muốn xông pha làm nhiệm vụ là để rèn luyện lại chính mình. Khi luyện tập chỉ là tình huống giả định nhưng khi đối diện với thực tế, mình có dám đương đầu không lại là chuyện khác. Vả lại, anh em hiểu được bọn tội phạm kia nguy hiểm như thế nào, nếu không bắt kịp thời thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.


Phút thư giãn của Tiểu đoàn CSĐN số 2 - Ảnh: Bảo Thiên

Đại úy Khưu Thanh Triều, Phó tiểu đoàn trưởng cho biết, CSĐN là lực lượng sau cùng tiến vào đánh bắt tội phạm, là lực lượng quyết định thắng lợi của mỗi đợt tấn công, khi các lực lượng khác không thể tiếp cận được. Thế nên, chiến sĩ CSĐN là những người luôn đối diện với tử thần. Nhớ lại những ngày cùng anh em xuống Vũng Tàu tập bắn, đại úy Triều không khỏi bùi ngùi: "Tháng đó là vào mùa mưa. Anh em phải sống trong rừng, muỗi nhiều như lá. Bếp lửa nhóm lên lại bị mưa dập tắt”. Thế nhưng anh em vẫn tập luyện miệt mài, để bây giờ, Tiểu đoàn CSĐN số 2 sở hữu một lực lượng tinh nhuệ nhất, sẵn sàng ra quân bất cứ lúc nào".

Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, bà con đều đã in đậm dấu ấn của chiến sĩ CSĐN. Các anh là những người luôn đem lại niềm vui và sự bình yên cho dân. Mỗi lần mở đợt về nguồn, các anh lại xuống tận địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Những căn nhà tình nghĩa, tình thương được xây cất, những cây cầu mới được dựng lên, những con đường được sửa lại... Các anh không chỉ  chiến đấu quên mình mà làm việc cũng quên mình.

Vùng biên giới Xa Mát (Tân Biên - Tây Ninh) trong một ngày gay gắt. Nắng, gió, bụi phủ mờ cả cây cối hai bên đường. Trên những nền nhà mới được đặt móng, chúng tôi đã có dịp chứng kiến các chiến sĩ CSĐN làm việc như những bác thợ chuyên nghiệp. Bàn tay của họ cứng rắn trong chiến đấu bao nhiêu thì càng mềm mại trong xây dựng bấy nhiêu. Thật khó quên hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhung cười móm mém chỉ tay về các chiến sĩ đang xây nhà: "Có mấy chú về, xã vui như Tết". Nhưng mẹ bỗng lấy tay áo lên chùi mắt: "Mấy chú đi thì nhớ lắm".

Mẹ già là thế, cười đó, khóc đó, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, mẹ yêu các chiến sĩ đặc nhiệm như con của mình. Ngày tiểu đoàn hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị, người dân bịn rịn không muốn chia tay. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ", giờ đây lại trào nước mắt. CSĐN là thế, "đi dân nhớ, ở dân thương".

B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.