Câu hỏi lớn đối với an ninh Mỹ

29/12/2009 00:20 GMT+7

Làm sao một người nằm trong hồ sơ theo dõi lại có thể mang chất nổ lên máy bay? Đây là câu hỏi mà chính quyền Tổng thống Obama phải trả lời với dân Mỹ.

Nghi phạm Umar Farouk Abdulmutallab, 23 tuổi, người Nigeria, từng là một cậu bé ngoan hiền, chí thú học hành. Tuy nhiên, đích thân cha của Abdulmutallab - là một doanh nhân giàu có - mới đây đã tới Đại sứ quán Mỹ ở Nigeria và cảnh báo rằng con trai ông ta đang trở nên cực đoan một cách nguy hiểm. Nghi phạm trẻ tuổi này cũng từng đến Yemen, đất tổ của trùm khủng bố Osama bin Laden và hiện vẫn là một nơi mà lực lượng al-Qaeda hoạt động mạnh. Nghĩa là, đối với người Mỹ, Abdulmutallab chứa chấp nhiều nguy cơ. Và người Mỹ đã được cảnh báo về điều này.

Thế nhưng vào dịp Giáng sinh vừa qua, Abdulmutallab vẫn có thể mang chất nổ lên chuyến bay 253 của hãng Northwest Airlines và chỉ bị phát hiện khi sắp sửa hành sự. Hôm 27.12, Bộ trưởng An ninh nội địa Janet Napolitano khẳng định rằng hệ thống an ninh Mỹ đã phát huy tác dụng. “Nghi phạm đã bị ngăn chặn trước khi gây ra bất cứ thiệt hại nào”, bà Napolitano nói trên đài CNN. Quả đúng là an ninh Mỹ đã ngăn chặn được Abdulmutallab trước khi người này kịp thủ ác. Tuy nhiên, việc để cho nghi phạm - vốn đã được cảnh báo - mang được chất nổ lên máy bay là điều khó có thể chấp nhận đối với người dân tại Mỹ, nơi mà các thủ tục kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay đối với tất cả các hành khách - chứ chưa nói gì tới những người trong danh sách theo dõi - được tiến hành hết sức gắt gao.

Sau sự kiện 11.9.2001, Mỹ đã tăng cường an ninh, đặc biệt là an ninh hàng không, lên mức cao nhất có thể. Đến năm 2006, khi âm mưu sử dụng chất nổ lỏng để đánh bom một loạt máy bay chở khách xuyên Đại Tây Dương bị phát hiện, an ninh hàng không càng được siết chặt.

Một trong những biện pháp an ninh quan trọng là việc Chính phủ Mỹ đã lập ba danh sách theo dõi: danh sách nguy cơ tiềm tàng chứa 550.000 tên người; danh sách nguy cơ cao hơn chứa 18.000 tên; danh sách cấm đi máy bay chở khách có 4.000 tên. Theo BBC, hồi tháng trước, giới chức Mỹ đã liệt Abdulmutallab vào danh sách theo dõi chung. Hôm 27.12, bà Napolitano giải thích trên CNN: “Abdulmutallab nằm trong danh sách theo dõi chung, bao gồm trên nửa triệu người... Chưa có thông tin đủ tin cậy, theo nghĩa là những thông tin mang tính nguy cơ cao, để đưa nhân vật này vào danh sách đặc biệt”.

Lời bà bộ trưởng hẳn nhiên không làm hài lòng giới lập pháp. “Có phải chúng ta đang chứng kiến một sự hỏng hóc trong hệ thống tình báo tới mức khi thấy dấu hiệu báo nguy chúng ta vẫn không nhận ra?”, AP dẫn lời hạ nghị sĩ Pete Hoekstra. “Tôi cảm thấy rất phiền lòng về nhiều khía cạnh trong vụ này, trong đó có vấn đề tại sao một nghi phạm lại có thể thoát khỏi tầm ngắm của Bộ Ngoại giao và giới thực thi pháp luật khi chính người cha của nghi phạm đã cảnh báo về hành vi cực đoan của con ông ta”, thượng nghị sĩ Joseph Lieberman nói.

Từ góc độ này, có thể thấy bộ máy an ninh Mỹ rất cần được rà soát lại như chính mệnh lệnh mà Tổng thống Barack Obama ban ra sau “sự kiện dịp Giáng sinh”. Mới đây thôi, một quân nhân tên là Nidal Malik Hasan đã xả súng bắn chết 13 đồng đội tại căn cứ Fort Hood ở Texas. Trước khi thủ ác, Hasan đã được chú ý về các hành vi cực đoan, tương tự Abdulmutallab. Có vẻ người Mỹ đang gặp vấn đề trong việc xử lý nguy cơ.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.