"Các nhà báo hãy... bình tĩnh khi xem phim về nghề báo"

11/10/2005 23:11 GMT+7

Sau thành công của Lưới trời, cặp đạo diễn - biên kịch Phi Tiến Sơn và Nguyễn Mạnh Tuấn một lần nữa khai thác đề tài nhạy cảm: nghề báo. 20 tập phim đầu tiên (do hãng TFS sản xuất) sẽ được bấm máy vào cuối tháng 9 này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn và tác giả kịch bản về bộ phim này.

* Thưa anh Phi Tiến Sơn, vì sao anh lại chọn kịch bản Nghề báo để làm phim?

- Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Cuộc sống có rất nhiều khía cạnh cho phim ảnh khai thác, tôi thì rất quan tâm đến vấn đề thời sự, mà báo chí chính là lĩnh vực nóng bỏng nhất. Hơn nữa, muốn mô tả cuộc sống một cách sôi động thì cách tốt nhất là tiếp cận các phóng viên. Tôi và anh Tuấn từng làm việc với nhau, hiểu nhau cũng khá nhiều, việc tiếp tục hợp tác với nhau là chuyện bình thường thôi.

* Hình ảnh các phóng viên, trong một số phim gần đây đã khiến khán giả, nhất là những người trong nghề, rất bức xúc (ngơ ngơ, buồn cười có, dở hơi, lố bịch cũng có; hay phóng viên xuất hiện thì luôn phải kèm theo máy ảnh - áo ký giả...). Với Nghề báo, các anh sẽ làm thế nào để thuyết phục người xem?

- Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Vì phim hoàn toàn về nghề báo nên sẽ khai thác được nhiều mặt của vấn đề, đi sâu tận ngõ ngách tâm hồn - lối sống cũng như mối quan hệ đa chiều của một nhà báo. Hình thức không mấy quan trọng mà cái chính là ở nội dung: họ nghĩ gì, làm như thế nào, giải quyết mối quan hệ ra sao... Mà nhà báo cũng là người bình thường thôi, chủ yếu là cuộc sống của họ thường gắn với thời sự và các biến chuyển, biến động xã hội.

Anh Tuấn từng làm báo trước khi viết văn, “bà xã” của anh hiện đang công tác trong ngành - họ sẽ giúp tôi trong quá trình làm phim. Tôi cũng tiếp xúc nhiều với báo chí, dĩ nhiên tôi sẽ tiếp tục "thâm nhập", bằng nhiều cách khác nhau, để nắm bắt rõ hơn "tình hình".

- Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Là người "trong lò chui ra" nên khán giả cứ yên tâm, chúng tôi sẽ không xa thực tế. Nếu có "nói xấu" thì đó là cái xấu đúng, nếu đề cập mặt tốt thì cũng chẳng phải tô hồng. Xin nói thêm rằng, hình ảnh nhà báo trong phim bị khán giả chê, có thể do định kiến chủ quan của đạo diễn - đưa nhân vật mình không thích (ngoài đời) vào phim để giễu cợt, gây cười hoặc dù có khách quan nhưng thiếu hiểu biết chuyên môn thì nhân vật hời hợt là điều tất yếu.

* Với Nghề báo, ngoài việc phản ánh hiện thực đời sống báo chí, những người làm báo... còn có thông điệp nào khác?

- Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Tôi không có tham vọng gửi gắm điều gì lớn lao, hay có ý tưởng cao siêu gì. Chỉ muốn nói: đây là nghề đặc biệt, và những con người làm nghề này là người đặc biệt - nhưng cũng rất bình thường. Trên các phương tiện truyền thông, người ta thường thấy sự cảm thông, chia sẻ của người viết đối với hoàn cảnh, số phận... của các cá nhân, vấn nạn nào đó, nhưng rất hiếm trường hợp ngược lại. Đơn giản tôi muốn gửi đến khán giả sự cảm thông đối với lao động nghề báo.

* Các nhà báo trong phim có "thấp thoáng" bóng dáng của gương mặt nào trong làng báo?

- Đạo diễn Phi Tiến Sơn, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Chắc chắn không. Các phóng viên trong phim chủ yếu thuộc lĩnh vực chính trị xã hội. Ngoài công việc, họ sẽ có yêu đương, và đau khổ... Lao động của người làm báo, cả bề nổi lẫn bề sâu, đều được khai thác một cách trân trọng. Khán giả hãy yên tâm - sẽ không có chỗ nào sai, có điều các nhà báo khi xem có giật mình, có tự ái hay không thôi...

* Tên phim có vẻ khô khan quá?

- Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Đúng là so về mặt tiếp thị, phim sẽ thua xa Những cô gái chân dài, Gái nhảy... Tuy nhiên, theo chúng tôi cái tên không phải là yếu tố quyết định mà chính là chất lượng nội dung.

Nguyên Vân
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.