Sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 chương trình nâng cao: Nâng cao... những sai lầm

20/09/2006 22:01 GMT+7

Về hình thức, sách giáo khoa (SGK) Lịch sử lớp 10 được in rất đẹp, công phu. Nhưng phần nội dung - mà trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ xin bàn về phần Lịch sử thế giới - có quá nhiều lỗi, thậm chí là những sai lầm rất lớn mà lẽ ra, đã là SGK thì không được phép sai phạm.

1. Sự mâu thuẫn về kiến thức là một lỗi gần như phổ biến. Chẳng hạn, tr.14, phần viết về xã hội ở các nhà nước phương Đông cổ sơ khai: "Những ông vua chuyên chế... mặc quần áo bằng tơ lụa"; trong khi ở tr.41 lại khẳng định: "Thời Đường đã sản xuất được lụa in hoa". Chẳng lẽ 3.000 năm trước Công nguyên, Ai Cập hay Lưỡng Hà đã biết dệt lụa? Tr.28, SGK cho rằng trường ca Illiad và Odissée là nói về thời thơ ấu của loài người; trong khi ai cũng biết 1.500 năm trước ở Ai Cập hay Lưỡng Hà đã có nhà nước. Vậy thời thơ ấu của loài người có nghĩa là gì? Người đọc không biết căn cứ vào đâu mà SGK có thể kết luận là các chủ nô Athènes giàu đến mức "không một quý tộc phương Đông nào có thể so sánh được"(tr.25)?

Cũng Tr.14 còn cho thấy một lỗi là SGK khẳng định nông dân nộp thuế cho quý tộc, trong khi rất rõ thuế là nộp cho nhà nước, còn tô là nộp cho địa chủ. Có thể dẫn ra những thí dụ tương tự mà không cần bình luận nhiều: Con người có những phẩm chất riêng của mình; trong đó có việc, biết để dành thức ăn đến hôm sau... (tr.118) (!). Tr.78 viết Vương quốc Thái được lập vào thế kỷ XIV trong khi tr.68 lại trích dẫn tấm bia của vua Ra-ma Kam-heng, vương quốc Su-khô-thay năm 1292; sau năm 1065, đạo Hồi bắt đầu được truyền bá đến Iran (tr.56)... Thậm chí, SGK còn đi xa hơn nữa khi cho rằng tục thờ Lin-ga và Y-ô-ni của người Chăm có trước khi Hinđu giáo được truyền vào (tr.69) (?).

Xin được nhấn mạnh rằng quan điểm của người viết bài này không tán thành bất kỳ một sự phân ban hay nâng cao nào đối với môn Lịch sử. Chúng ta cứ nói nhiều, nói mãi về việc bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ; tại sao lại có sự phân biệt về cái cội nguồn, gốc rễ để tạo nên chính tinh thần và giá trị ấy? Không lẽ sinh viên ngành tự nhiên tương lai phải có trình độ hiểu biết về lịch sử dân tộc thấp hơn một công dân Việt Nam khác?

2. Rất nhiều câu văn tối nghĩa và việc sử dụng từ không chính xác. Chẳng hạn: "An Nam" lãnh thổ của nước ta thời ấy" (tr.40); Khi gặt về, họ đập lúa bằng néo gỗ hoặc cho súc vật giẫm lên... vì vậy, thu hoạch mùa màng rất thấp (tr.87). Đọc những câu trên, học sinh chắc chắn không hiểu: lẽ ra viết "tên gọi", vì sao SGK lại thay bằng "lãnh thổ"? Việc đập lúa làm sao lại ảnh hưởng nhiều đến thế thu hoạch của mùa màng?

3. Trong hai bài đọc thêm (có lẽ đây là những "cái đinh" của chương trình "nâng cao"?), SGK sai khó chấp nhận. Thứ nhất, ở tr.90: vua và hầu hết lãnh chúa phong kiến không biết chữ. Chúng tôi xin hỏi: Căn cứ vào đâu để SGK khẳng định chắc hơn đinh đóng cột rằng vua không biết chữ? Đừng ngụy biện là trích dẫn từ Poliansky. SGK đã trích của ai mà không phê phán, chú giải, có nghĩa là đồng tình. Không biết chữ làm sao đọc và ký văn bản, giấy tờ?

Tr.112: Ông (Rabelais) ám chỉ bọn tu sĩ như những con đen tuyền, con khoang trắng, Hồng y giáo chủ như con đỏ chót và Giáo hoàng là con chúa tể. Tất cả bọn chúng chỉ biết ăn cho béo. Tôn giáo là chuyện cực kỳ nhạy cảm, có nên trích dẫn như thế hay không?

Tr.53: nhà hiền triết Sít-đác-ta, tự xưng là Sa-kya Mu-ni... Viết về Đức Phật mà dùng chữ "tự xưng", theo chúng tôi là không hợp lẽ. Đó là chưa muốn nói rằng, “Sa-kya” không phải là tự xưng mà là tên gọi của dòng họ hay bộ tộc.

Tại sao trường học nào cũng có những câu của Khổng Tử, mà SGK lại không chọn một bài đọc thêm nào về Khổng cả? Nhất là, Khổng Tử luôn là một tấm gương sáng ngời về tự học, tự vươn lên trong nghèo khó, một "vạn thế sư biểu" không một ai phản đối.

Dù chưa "nâng cao", SGK vẫn phải là chân lý, là pháp lệnh. Ít nhất, SGK cũng phải là "người bạn tốt" của chân lý. Bỏ ra nhiều công sức và tiền của rồi nâng cao những sai lầm, hạ thấp phần chất lượng bằng những thiếu sót khó có thể biện giải. Quả thực, không thể không có những nỗi buồn!

Hà Văn Thịnh
(ĐH Khoa học Huế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.