Về thời điểm lịch sử của một tư tưởng

13/10/2007 01:01 GMT+7

Khẩu hiệu của giới doanh nhân hôm nay: "Một đội ngũ, một tầm nhìn" gợi nhớ đến đội ngũ ấy với những bước thăng trầm nghiệt ngã dưới tác động cũng của một tầm nhìn trước Đổi mới, để từ đó hiểu rõ một tầm nhìn khác, tầm nhìn ghi dấu ấn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có cách hiểu, cách học tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, sống động.

Trên ý nghĩa ấy, nhân "ngày Doanh nhân Việt Nam", xin nói kỹ hơn về thời điểm xuất hiện câu nói giản dị, dễ hiểu song rất súc tích về mục tiêu kinh tế và xã hội của xã hội mới: "Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu và giàu thì giàu thêm".

Câu ấy Bác Hồ nói với "các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa" vào ngày 20.2.1947, trong dịp về thăm tỉnh Thanh. Ý tứ ấy được nhắc lại trong bài viết Thanh Hóa kiểu mẫu hiện còn bản gốc lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ, người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước".

Trước khi nói vào ý tứ sâu xa của Bác, xin hãy lưu ý đến việc Bác vào thăm Thanh Hóa vào dịp ấy. Đó là thời điểm cực kỳ khẩn trương, một tháng sau ngày "Toàn quốc kháng chiến 19.12.1946", Trung ương và Chính phủ đang chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Lúc ấy, Bác Hồ đang làm việc ở chùa Thầy, Sơn Tây cách Hà Nội không xa, nơi đang diễn ra cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân thủ đô kìm chân giặc, Bác đã bất ngờ quyết định cần đi ngay vào Thanh Hóa trước khi lên Việt Bắc. Ngày 17.2.1947 xuất phát, đêm nghỉ lại ở đồn điền Chi Nê, hôm sau vào đến thị xã Thanh Hóa. Tại đây, ngày 20.2.1947 Bác làm việc với cán bộ và gặp gỡ nhân dân để động viên nhân dân trường kỳ kháng chiến.

Tin chắc vào thắng lợi, chính vào lúc tình hình hết sức khẩn trương đó, Bác dành nhiều thì giờ nói về việc xây dựng xã hội mới, và câu nói vừa dẫn ra ở trên chính là nội dung vừa đơn giản, vừa dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người, thể hiện được khát vọng cháy bỏng của mọi tầng lớp nhân dân, không thiếu một ai. Với Hồ Chí Minh, không một tầng lớp xã hội nào không được quan tâm.

Ở đó thể hiện rõ cơ sở xã hội của đường lối xây dựng xã hội mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là rất rộng lớn, cơ sở đó là dân tộc. Trong đó, phạm vi các giai cấp và tầng lớp không thay đổi, chỉ tăng lên về chất lượng để thành một tập hợp mới mạnh mẽ hơn, bền chắc hơn của khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, có thể có rơi rụng người này hoặc người khác, chứ không có chuyện loại bỏ tầng lớp này hoặc tầng lớp khác theo kiểu sử dụng "bạn đường" có thời hạn, để khi cần thì vứt bỏ. Trong tư tưởng và trong hành động, trong ứng xử với con người, với đồng bào mình của Hồ Chí Minh trước sau như nhất.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh không tầng lớp xã hội nàọ "nửa đường đứt gánh", càng tuyệt đối không có chuyện "qua sông đắm đò". Ngẫm nghĩ kỹ những bước thăng trầm với những sai lầm trong cải cách ruộng đất rồi phải sửa sai, trong cải tạo công thương nghiệp làm triệt tiêu nguồn lực kinh tế khiến cho đất nước lâm vào khủng hoảng, buộc phải có Đổi mới, càng thấy rõ nét thiên tài của sức nghĩ, của tầm nhìn Hồ Chí Minh.

Gợi lại điều này trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, một cột mốc trong hành trình của dân tộc đi về phía trước để hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân của dân tộc và thời đại.

Câu nói giản dị và nổi tiếng đó của Bác là một trong những minh chứng lịch sử để chứng ta khẳng định Đổi mới bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh, Đổi mới là trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tương Lai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.