Châu Âu chao đảo trước dịch cúm gia cầm

14/10/2005 23:52 GMT+7

Làng Ceamurlia de Jos (Romania) nằm trên lưu vực sông Danube là nơi hứng chịu đòn tấn công đầu tiên của vi-rút cúm gia cầm. Tuần trước, giới chức địa phương thông báo có 3 trường hợp chim chết với những triệu chứng cúm rõ rệt. Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ (đất nước chỉ có 3% lãnh thổ thuộc châu u) cũng phát hiện gần 2 ngàn con chim chết vì bệnh tại làng Kiziksa. Sau một thời gian hoành hành tại Đông và Đông Nam Á, vi-rút cúm gia cầm đã đi ngược lên phương Bắc, tới Mông Cổ, Kazakhstan và Nga rồi đánh thẳng vào trái tim châu u.

 

 

Kết quả xét nghiệm hôm 13.10 cho thấy vi-rút gây bệnh tại Thổ là loại H5N1 cực kỳ nguy hiểm, từng cướp đi sinh mạng của hơn 60 người tại châu Á. Tại Romania, các mẫu phân tích cũng phát hiện có vi-rút cúm gia cầm nhưng chưa thể khẳng định có phải là "sát thủ" H5N1 hay không. Ngay từ khi dịch cúm bùng phát tại châu Á cách đây 2 năm, đã có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ dịch lan ra trên diện rộng. Đến khi vi-rút cúm tàn sát chim chóc và vật nuôi tại Mông Cổ, Nga và Kazakhstan thì châu u đã rung chuông báo động. Có một điều chắc chắn rằng, một khi nước Nga bị cúm gia cầm tấn công thì cả châu u cũng đứng trước nguy cơ to lớn. Những đàn chim di trú từ Nga bay đến vùng đồng bằng sông Danube và một số khu vực tại Nam u có thể mang theo mầm bệnh.

 

Sau khi phát hiện ổ bệnh, nhà chức trách Romania và Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập "vành đai trắng" có bán kính 3 km quanh các ngôi làng Ceamurlia de Jos và Kiziksa. Tình trạng "giới nghiêm" có thể được duy trì trong vòng 3-4 tuần. Tiếp sau đó là chiến dịch tiêu hủy gia cầm. Đến hôm qua, Bộ Nông nghiệp Romania đã tiêu hủy được 3 ngàn trong số 40 ngàn gia cầm cần giết để ngăn chặn dịch. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiêu hủy 5 ngàn gia cầm. Trước những nguy cơ sát sườn, châu u cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống tới mức cao nhất có thể. Liên minh châu u (EU) đã áp dụng lệnh cấm nhập chim sống từ các quốc gia bị dịch. Hôm qua, giới chức y tế EU đã họp khẩn cấp tại Brussels để bàn biện pháp chống đỡ. Theo Cao ủy phụ trách y tế của EU M.Kyprianou, một trong những biện pháp đầu tiên cần được tiến hành là không cho gia cầm tiếp xúc với các loại chim di trú ở khu vực dịch bệnh. Tiếp đến, công tác phòng dịch, đặc biệt là tiêm vắc-xin cho người và vật nuôi phải được triển khai nhanh chóng ở những khu vực có nguy cơ cao.

Cùng thời điểm dịch cúm gia cầm tấn công châu u, đất nước Colombia ở Nam Mỹ cũng đã phát hiện chim chết do cúm. Dù vi-rút gây bệnh tại đây không phải là loại H5N1 nguy hiểm, nhưng khả năng loài sát thủ tí hon này tấn công Nam Mỹ là không thể loại trừ. Bên cạnh đó, làn sóng chim di trú từ châu u tới châu Phi vào mỗi mùa đông cũng mang theo hiểm họa tiềm tàng. Có thể thấy, cúm gia cầm giờ đây không còn là vấn đề của một quốc gia, một khu vực hay châu lục mà là một nguy cơ toàn cầu. (BBC, Reuters)

 

Châu Minh Linh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.