Tăng hỏa chứ không hạ hỏa

19/12/2010 00:08 GMT+7

Việc chính quyền thành phố Ishigaki của Nhật Bản vừa quyết định chọn ngày 14.1 là ngày đánh dấu việc Nhật Bản xem quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư) là một phần của lãnh thổ Nhật Bản đã vấp phải sự phản đối ngay lập tức của Trung Quốc.

Đây là khu vực Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền từ trước tới nay. Việc định ra một ngày kỷ niệm chính thức như thế là một cách khẳng định chủ quyền gián tiếp, nhắc lại sự việc ngày 14.1.1895, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đặt quần đảo này dưới quyền quản lý và tài phán của mình và sáp nhập quần đảo vào lãnh thổ Nhật Bản. Trung Quốc lên tiếng phản đối ngay vì đó cũng là một cách khẳng định chủ quyền. Trong khi phía Nhật Bản coi sự việc ngày 14.1.1895 là “khai phá quần đảo” thì phía Trung Quốc coi đó là “dùng bạo lực chiếm đóng quần đảo của Trung Quốc”.

Lập luận và phản ứng của cả hai phía trong thực chất không có gì lạ vì vốn vẫn luôn là như vậy kể từ khi tồn tại cuộc tranh chấp chủ quyền. Chỉ có điều đáng chú ý là động thái này của chính quyền thành phố Ishigaki lại diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ giữa hai nước trở nên trắc trở hơn trước sau vụ việc đụng độ giữa tàu tuần dương của Nhật Bản và tàu đánh cá của Trung Quốc ở vùng biển thuộc quần đảo này. Ngày 17.12 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản lại công bố định hướng mới trong chính sách quốc phòng mà nội dung mấu chốt nhất là coi Trung Quốc và Triều Tiên là những mối đe dọa về an ninh tiềm tàng và đáng gờm nhất, cũng như sẽ có bố phòng chiến lược mới để đối phó. Căng thẳng cũ vẫn còn, bất đồng trước vẫn còn, mà giờ lại thêm những động thái mới không thể nói có tác động tích cực tới mối quan hệ giữa hai nước nói chung và tới triển vọng của việc giải quyết mối bất hòa về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nói riêng. Có vẻ như chiều hướng trong phương diện quan hệ này là còn tăng hỏa chứ chưa hạ hỏa.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.