Đi tìm “Miss” nghêu...

05/11/2009 09:26 GMT+7

(TNTT>) Sản vật Việt có không ít “số phận” và kỳ tích đáng tôn vinh. Bạn đã từng thử đề cử một giải “Miss” nghêu?

Nghêu là loài nhuyễn thể, sống ở cả ba miền đất nước. Riêng dân miền Bắc còn gọi nghêu là ngao. Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Bá Thoại  (bệnh viện Đà Nẵng), thịt nghêu có tính thanh nhiệt. Các món ăn từ nghêu giúp bổ gân, bổ thận; làm lông, tóc, móng phát triển và đặc biệt kiện dương, mạnh tình dục.

“Đệ nhất” nghêu Nam Kỳ!

Vài người bạn sành ăn ở Hà Nội đề cử ngay: ngao Bắc Hà chính là "nữ hoàng" nghêu của cả nước. Thế nhưng khi chúng tôi mời họ về Cần Giờ, TP.HCM ăn vài món nghêu ngon, nhắc lại đề cử của họ thì họ... lặng im. Vậy đã đủ hiểu "ngao" lép vế hơn... "nghêu".

Một anh bạn nhà báo có tiếng cũng đề cử nghêu ở bãi biển Ninh Chữ, thuộc xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Theo anh, thịt nghêu ở đây giòn và ngọt đậm. Hỏi mười “ông” Nam bộ sành nghêu, đã có 18 cánh tay biểu quyết nghêu Gò Công, ở bãi biển Tân Thành. Quả thật, thịt nghêu ở đây vừa giòn vừa ngọt thanh, lại bùi và có mùi thơm đặc trưng, tựa sữa bắp nếp non. Được biết, từ tháng năm đến tháng sáu m lịch, nghêu ở đây rất mập. Đây là mùa sinh sản của chúng nên thịt tích tụ nhiều dưỡng chất.

Nghêu Cần Giờ bị xếp sau nghêu Bến Tre vì thịt dai hơn và độ giòn, ngọt cũng kém hơn một bậc.

Vì sao nghêu Gò Công được chuộng?

Hiện bãi cát bồi Tân Thành, Gò Công Đông nằm ở vị trí rất đắc địa: trước mặt là biển Đông, bên trái có sông Soài Rạp, bên phải là cửa Tiểu - một nhánh của sông Cửu Long đục ngầu phù sa. Giới nghiên cứu chuyên ngành cho rằng, vùng hải lưu tiếp giáp này có nhiều phiêu sinh. Thế nên, các loài cá, tôm, nghêu… rất thích “định cư” ở vịnh biển này. Và chúng đã tạo nên “một chuỗi cân bằng động”. Mặt khác, nước biển ở đây cũng nhạt hơn Cần Giờ. Đây có thể là hai nguyên nhân chính khiến thịt nghêu ngon lạ.

Khoảng năm 2000, cũng nghêu của huyện này đủ chuẩn xuất sang châu u, trong khi nghêu các huyện duyên hải khác phải xếp hàng chờ “lập hồ sơ”.

 

Nghêu vừa được bắt, đem lên ăn "nóng" ngon hết chỗ chê - ảnh: Tạ Tri, Quốc Cường

Được biết, tại các hàng quán TP.HCM, nghêu Gò Công hầu như không có diễm phúc diện kiến thực khách. Những xe đẩy bán nghêu trưng bảng “nghêu Gò Công” chỉ là... lừa gạt. Đa số nghêu của địa phương này được các công ty chế biến hải sản thu mua với số lượng lớn để gia công, đông lạnh, bán vào siêu thị hoặc xuất khẩu. Thế là tàn một “kiếp” nghêu ngon, bởi khi bị cấp đông lâu ngày, nhan sắc và “phẩm chất” nghêu xứ Gò Công bị xuống cấp ngay: da nhăn nheo, vị nhợt nhạt.

Do vậy, muốn thẩm định da thịt nghêu Gò Công căng mọng, giòn ngọt, múp rụp ra sao bạn phải về lại bãi biển Tân Thành. Bạn chịu khó lội bộ xuống bãi nghêu, thả ưu phiền cho đàn chim nhạn chở đi và nghe đồng cảm với những ca từ: “Một trưa hè trôi êm/Trên bãi biển ngày nào chung bước/Biển xanh xanh trời xanh màu ngọc bích...” (Trưa hè trên bãi biển Gò Công). Giá nghêu tươi ở đây khoảng 17.000 - 22.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Thích ăn kiểu dã ngoại, bạn chỉ tốn thêm 5.000 đồng để nhờ người bán luộc hoặc hấp giúp. Hay bạn cũng có thể nhờ những quán hoặc nhà hàng gần đó chế biến giúp, tốn thêm 15.000 - 25.000 đồng/kg, tùy món.

“Nghệ sĩ” nghêu

Không ít người bảo đầu bếp là nghệ sĩ... khói lửa hoặc dao thớt. Bởi người đầu bếp giỏi là người thấu cảm nguyên liệu và dày công làm cho món ngon thăng hoa. Với món nghêu tái, ông Trần Minh, bếp trưởng nhà hàng Duyên Hải, ở Cần Thạnh, Cần Giờ, TP.HCM xứng danh là nghệ sĩ bếp. Thoạt nhìn con nghêu còn trắng tươi, lóng lánh y như còn sống. Nhưng kỳ thực thịt nghêu đã chín tái từ trong ra nhờ một dung dịch đặc chế: “kíp chấp”. Nước này có vị chua dịu, thơm thanh của giấm nếp và trên mười vị thuốc bắc tương trợ.

Có thể nói, món nghêu tái là tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực khẩn hoang. Đấy là tổng hòa của vị ngọt, độ giòn và hương vị tinh nguyên của món nướng và hấp. Lạ lùng, miếng nghêu, lát rau có thể chờ khách lai rai cả buổi vẫn còn giòn, ráo. Thật độc đáo!

 Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.