Cúm A/H5N1 đang quay lại

08/12/2010 09:44 GMT+7

Cúm gia cầm đang bùng phát ở một số địa phương khiến nhiều người lo ngại lây lan sang người.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp đã tử vong tại Tiền Giang và Bình Dương. Ở nước ta, dịch cúm A/H5N1 trên người được ghi nhận từ tháng 12-2003 và từ đó tới nay vẫn ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương.

Nguy cơ phát dịch cao hơn mọi năm
 
Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta ghi nhận từ 5 đến 8 ca nhiễm virus cúm A/H5N1 và tỉ lệ từ vong từ 70% đến 100%. Từ năm 2003 đến thời điểm này đã có 119 người mắc, trong đó 60 người tử vong. Hiện nước ta vẫn nằm trong nhóm những nước có nhiều ca tử vong nhất thế giới vì nhiễm cúm A/H5N1.
 
Theo đánh giá của các nhà khoa học, đặc điểm của cúm A/H5N1 ở VN vẫn mang tính tản phát từng ca bệnh riêng lẻ, không mang tính chùm cụm. Dịch cúm A/H5N1 vẫn diễn biến rất phức tạp, cơ chế lây truyền của bệnh là qua đường hô hấp hay ăn uống, tức là khi người tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, sản phẩm bị bệnh như trứng, ăn thịt gia cầm bị bệnh...
 
Vì vậy, việc dịch cúm gia cầm đang trở lại ở một loạt địa phương như Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ là điều kiện thuận lợi để cúm A/H5N1 lây lan sang người. Nhất là qua xét nghiệm, Cục Thú y (Bộ NN-PTNN) đã phát hiện tỉ lệ đàn vịt có lưu hành virus cúm gia cầm trung bình là 4,2% trong khi đàn gia cầm năm nay tăng nhanh tới 16%, khiến cho nguy cơ bùng phát dịch sẽ cao hơn mọi năm. 
 
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, băn khoăn rằng dù từ tháng 3 đến nay nước ta không ghi nhận thêm trường hợp mới nhiễm cúm A/H5N1, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch này ở người là rất cao. 
 

Không giết mổ, sử dụng gia cầm bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm bệnh, chết không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Từ thực tế các đợt dịch cúm A/H5N1 xảy ra những năm qua, nhiều nhà khoa học cũng đã lên tiếng cảnh báo nếu không ngăn chặn kịp thời sự lây lan virus cúm A/H5N1 trên gia cầm, thủy cầm thì rất dễ dẫn đến dịch cúm A/H5N1 trên người.
 
Nhất là trong thời gian cận Tết nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng mạnh, thời tiết lạnh ẩm là điều kiện lý tưởng để virus cúm phát triển và lây lan sang người.
 
Tử vong nhiều do chủ quan
 
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết gần đây số bệnh nhân tới khám với triệu chứng của cúm rất nhiều nhưng chưa có trường hợp nào được xác định nhiễm cúm A/H5N1.
 
Tuy nhiên, điều mà giới chuyên môn lo ngại là bệnh cảnh của cúm A/H5N1 rất giống cúm A/H1N1 (do đều có tổn thương phổi với hội chứng suy hô hấp cấp), nên rất khó phân biệt. Trong khi nguy cơ tử vong của cúm A/H5N1 là rất cao, vì thế người nhà bệnh nhân cần phải nắm rõ tiền sử của bệnh nhân để thông báo với các cơ sở điều trị.
 
Bệnh nhân có hay không tiếp xúc và ăn thịt gia cầm có nguy cơ trước khi khởi bệnh được xem là yếu tố căn bản để phân biệt cúm A/H1N1 và A/H5N1, vì bệnh nhân cúm A/H5N1 chủ yếu lây từ gia cầm mắc bệnh còn bệnh cúm A/H1N1 thì lây từ người sang người.
 
Theo TS Nguyễn Trần Hiển, hệ thống giám sát cúm quốc gia hiện vẫn duy trì tại các địa phương. Qua phân lập virus cúm từ các mẫu bệnh phẩm thì hiện chưa thấy sự biến đổi gien của virus cúm A/H5N1 ở nước ta.
 
Trong khi theo đánh giá của giới chuyên môn, hầu hết các trường hợp cúm A/H5N1 đều tử vong do gia đình chủ quan đưa đến cơ sở y tế muộn, thể bệnh diễn biến rất nặng, tổn thương phổi nặng nề chứ không phải do độc tính của chủng virus cúm A/H5N1 đã biến đổi.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.